Bao bì nhựa đựng thực phẩm, đồ uống sẽ được thay thế?

Theo các chuyên gia, việc quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa sau tiêu dùng, để không tạo gánh nặng lên môi trường là một vấn đề phức tạp.

Hạn chế rác thải nhựa, thay thế bằng vật liệu thân thiện với môi trường

Hạn chế rác thải nhựa, thay thế bằng vật liệu thân thiện với môi trường

Chia sẻ tại diễn đàn thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019 diễn ra sáng nay (25-11), ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) cho hay, năm 2017, Việt Nam đã tạo ra 2,25 triệu tấn chất thải nhựa.

Dự báo sau năm 2020, dân số Việt Nam sẽ vượt 100 triệu dân. Dựa trên các yếu tố về phát triển xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.

Cùng với một thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống rộng lớn là những thách thức về việc xử lý rác thải từ bao bì thực phẩm và đồ uống, chủ yếu là rác thải nhựa.

Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam mới thu hồi được khoảng ½ trong tổng số hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Chất thải rắn, bao gồm cả các bao bì từ nhựa, mới được xử lý bằng hình thức chôn lấp, vẫn rò rỉ các chất gây ô nhiễm ra môi trường.

TS Phạm Hồng Hải- đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, rác thải nhựa tồn tại gần như một phần tất yếu của cuộc sống.

“Vào siêu thị mua sắm, chúng ta ngay lập tức thấy nhựa ở mọi đồ vật xung quanh. Mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm… đều có chứa hạt nano nhựa”- ông Phạm Hồng Hải nói.

Theo đại diện VCCI, hàng năm, thế giới sản xuất ra khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa để phục vụ đời sống, trong đó nhựa nguyên sinh có hạn sử dụng dưới 1,5 năm. Mỗi năm thế giới cũng thải ra 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa; ½ sản phẩm nhựa đều phụ vụ mục đích sử dụng một lần.

Đáng chú ý, hiện tại chỉ có 7% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, song việc tái chế này chưa đảm bảo, gây ô nhiễm khí thải thứ hai sau ô nhiễm do giao thông.

Còn với Việt Nam, chất thải rắn đều được chôn lấp nhưng công tác này hiện chưa đảm bảo yêu cầu. Nhiều loại chai nhựa, bao bì đựng thực phẩm, đồ uống có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường. Các doanh nghiệp trong ngành này cần thay đổi cách đóng gói, bao bì để phát triển bền vững hơn.

Theo ông Phạm Hồng Hải, muốn tái chế rác thải nhựa cần xây dựng được thị trường sử dụng rác thải nhựa tái chế, sản xuất được vật liệu có thể tái chế và tổ chức thu gom rác thải nhựa có thể tái chế.

Trong nhiều thập kỷ qua, bao bì thực phẩm và đồ uống thường sử dụng chất liệu nhựa. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã nêu sáng kiến áp dụng mô hình vòng tuần hoàn bền vững cho bao bì sản phẩm thực phẩm và đồ uống, cam kết tiên phong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/bao-bi-nhua-dung-thuc-pham-do-uong-se-duoc-thay-the/834206.antd