Báo Australia: Châu Âu có thể học hỏi gì từ các nước như Việt Nam trong công tác phòng chống COVID-19?

Ngày 15/10, trang Theconversation.com đăng bài viết với nội dung đề cập tới làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở châu Âu và châu Âu có thể học hỏi gì từ các nước như Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bài viết có tiêu đề: "Làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Châu Âu tồi tệ hơn. Công tác phòng chống dịch bệnh sai ở đâu và châu Âu có thể học hỏi gì từ những nước như Việt Nam?". Báo Sức khỏe & Đời sống xin được lược dịch và trích đăng bài viết này.

Thời gian gần đây, châu Âu đang đối mặt với làn sóng tái bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tình hình dịch bệnh đặc biệt phức tạp ở các nước Anh, Tây Ban Nha và Pháp, những quốc gia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện số các ca nhiễm mới hằng ngày ở nhiều nước đều cao hơn đáng kể so với tháng 3 và tháng 4/2020, sau khi phần lớn các biện pháp hạn chế được nới lỏng trong mùa Hè. Nhiều khu vực ở châu Âu đang buộc phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế khác nhau, nhưng hầu hết các nước đều cố gắng tránh áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Trong đợt sóng dịch bệnh COVID-19 đầu tiên ở Pháp, nước này ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục là 7.500 ca vào ngày 31/3. Thế nhưng, vào ngày 11/10, Pháp ghi nhận số ca mắc mới lên tới 26.675 ca, cao gấp 3 lần so với mức đỉnh đầu tiên. Tây Ban Nha ghi nhận hơn 30 nghìn trường hợp mắc mới trong tuần qua, cao hơn nhiều so với đợt sóng dịch bệnh đầu tiên. Tại Anh, trong đợt sóng dịch đầu tiên, kỷ lục ca mắc mới là 7.860 ca/ngày được ghi nhận vào ngày 10/4 thì trong đợt sóng dịch thứ hai, kỷ lục ca mắc mới là 17.540 ca được ghi nhận vào ngày 8/10. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu được ghi nhận tại các điểm y tế, được coi là thấp hơn số liệu thực tế bởi nhiều người bệnh không có triệu chứng bệnh và không đến các điểm y tế để tiến hành xét nghiệm. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), có khoảng 45 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày tại Anh trong khoảng thời gian từ ngày 18/9 – 5/10.

Mùa hè là mùa nghỉ mát tại Châu Âu, được coi là thời điểm “hái ra vàng” đối với các nền kinh tế châu Âu, vì vậy nhiều quốc gia tại châu lục này đã dỡ bỏ các hạn chế khác nhau để kích hoạt du lịch. Do vậy, nhiều người dân có cảm giác được tự do trở lại và cảm thấy ít cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trường đại học Imperial đã tiến hành khảo sát hành vi phòng chống dịch bệnh của người dân châu Âu vào thời điểm này và ghi nhận được rằng nhiều người cho biết đã “chủ quan” hơn nhiều so với hồi tháng 4/2020.

Trong những tuần gần đây, những nhà lãnh đạo châu Âu đã công bố các hạn chế địa phương hóa, tuy nhiên không có phong tỏa toàn quốc. Cụ thể, chính phủ Pháp hạn chế số lượng người tại nhà hàng, trường học, đồng thời đóng cửa các quán bar và trung tâm tập thể dục. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đưa ra hạn chế đi lại từ Madrid, nơi đang bị coi là “ổ dịch mới” ở nước này. Thủ tướng Anh Boris Johnson chọn cách “tiếp cận cân bằng” bằng việc áp dụng hệ thống cảnh báo 3 cấp – trung bình, cao và rất cao – trên toàn quốc, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát dịch bệnh.

Trước khi xuất hiện làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai tại châu Âu, Đức được coi là một hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hình ảnh này sẽ khó duy trì vì trong vài ngày qua, Đức ghi nhận mức tăng ca bệnh hàng ngày cao nhất kể từ mức đỉnh điểm vào đầu tháng 4/2020. Ngày 10/10, thủ đô Berlin, nổi tiếng với cuộc sống về đêm náo nhiệt, đã bước vào lệnh giới nghiêm đầu tiên sau 70 năm.

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Cambodia lại đang làm rất tốt công tác đối với với làn sóng COVID-19 thứ hai. Tại Việt Nam, tổng số ca nhiễm COVID-19 hiện ở mức hơn 1.122 người là một con số rất thấp so với tổng dân số gần 100 triệu người.

Những biện pháp phòng dịch từ sớm của Việt Nam như các cơ quan y tế đã áp dụng chiến thuật xét nghiệm có mục tiêu, tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao và vào các tòa nhà và khu dân cư có các ca nhiễm được xác nhận…., triển khai truy dấu rộng rãi, nhằm xác định những người có nguy cơ phơi nhiễm bất kể có hay không có triệu chứng và thiết lập các cơ sở cách ly cho những người bị nhiễm bệnh và du khách quốc tế nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là những biện pháp rất hiệu quả giúp Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 thành công.

Do từng trải qua đợt dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) và cúm gia cầm, nhiều nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan và Cambodia đã sớm nhận biết được mối đe dọa của COVID-19.

Ngoài ra, nhiều quốc gia này đã sớm thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội. Xét nghiệm có mục tiêu, tuyên truyền thông tin và sự tham gia của cộng đồng cũng là những yếu tố rất quan trọng trong việc ứng phó với COVID-19.

Hà Anh

(Theo The Conversation)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-australia-chau-au-co-the-hoc-hoi-gi-tu-cac-nuoc-nhu-viet-nam-trong-cong-tac-phong-chong-covid-19-n181482.html