Báo Ai Cập: Tiềm năng hợp tác kinh tế vô cùng to lớn giữa Việt Nam - Ai Cập

Tờ Egypt Today dẫn lời ông Bassem Rady, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Ai Cập cho hay chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ai Cập là cơ hội để hai nước ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ (MOU), mở ra triển vọng hợp tác kinh tế to lớn.

Ngoài các cuộc họp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn gặp gỡ Thủ tướng Ai Cập Moustafa Madbouly và Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel Aal.

Chiều ngày 25/8 theo giờ địa phương (17h30’ cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã tới tỉnh Luxor, Ai Cập, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Ả-rập Ai Cập từ ngày 25 - 29/8, theo lời mời của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm Ai Cập.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã có các buổi thảo luận về cơ hội hợp tác kinh tế của Việt Nam ở vùng kinh tế kênh đào Suez (SC Zone).

Trước đó, trong hội thảo doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập diễn ra ở Hà Nội vào năm 2017, Tổng thống Sisi cũng đã khuyến khích các công ty công nghiệp Việt Nam đầu tư vào Ai Cập. Theo Tổng thống Sisi, Ai Cập là một trong những quốc gia đứng đầu trong nhóm mang lại lợi nhuận trên vốn đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Tổng thống Sisi khuyến khích và hoan nghênh ý tưởng xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các nhà đầu tư và tập đoàn công nghiệp Việt Nam – Ai Cập.

Hôm 27/8, bình luận về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nghị sĩ Quốc hội Ai Cập Emad Saad cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện mối quan hệ hợp tác và đối tác lớn giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực mà trọng tâm là đầu tư và thương mại.

Cũng theo nghị sĩ, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là dịp Việt Nam tìm kiếm thêm cơ hội phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch giữa hai nước.

Theo tờ Egypt Today, liên quan tới tình hình quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Sisi đã thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông cũng như những tác động từ tình hình chính trị đối với hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất ở Trung Đông và Ai Cập xem Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi. Còn trong năm nay, Việt Nam và Ai Cập sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Triển vọng hợp tác kinh tế lớn

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid cho biết Việt Nam và Ai Cập hiện quan tâm tới một số vấn đề chung như phát triển ngành ngư nghiệp, canh tác lúa trên những vùng đất thiếu nước và đóng tàu.

Cụ thể, Ai Cập đang phải trải qua tình trạng khan hiếm nước và chính phủ buộc phải thông qua luật giảm trồng trọt những giống cây cần nhiều nước tưới tiêu như lúa và mía. Điều đó đồng nghĩa với việc Ai Cập từ một quốc gia xuất khẩu gạo lại trở thành quốc gia nhập khẩu gạo. Trong khi đó, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và chỉ đứng sau Thái Lan.

Việt Nam và Ai Cập kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Ông Abu Zeid cho biết thêm, lãnh đạo Việt Nam – Ai Cập đã thảo luận về việc phát triển lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, dầu mỏ, khí đốt, năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại học Al-Azhar của Ai Cập nhất trí tăng thêm số lượng sinh viên sang Việt Nam theo chương trình trao đổi sinh viên từ 3 lên thành 10 người mỗi năm.

Cũng theo ông Abu Zeid, chính phủ Ai Cập hy vọng có thể trở thành “Đối tác đối thoại” với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là 1 thành viên của tổ chức. Ai Cập hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ Việt Nam và trở thành đối tác của ASEAN.

Hôm 26/8, tờ MENA dẫn lời người đứng đầu Ban Thỏa thuận Thương mại thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ai Cập, ông Saeed Abdullah cho hay, trong năm 2017, giá trị thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập đạt 377 triệu USD, tăng 41,7% so với năm 2016. Hồi năm 2016, giá trị thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập chỉ đạt 266 triệu USD.

Trước đó, Tổng thống Ai Cập Sisi từng có cuộc gặp với ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào ngày 26/5. Theo phát ngôn viên của Tổng thống Ai Cập Bassam Radi, trong cuộc gặp này, ông Sisi cho biết Ai Cập mong muốn hai nước tăng cường hoạt động đầu tư song phương cũng như tăng số lượng du khách Việt Nam tới Ai Cập.

Cũng trong cuộc gặp này, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao nỗ lực chống khủng bố cả ở trong khu vực và trên quốc tế của Ai Cập nhằm mang lại sự an toàn và ổn định cho khu vực Trung Đông.

Còn trong chuyến thăm hồi tháng Chín năm ngoái tới Việt Nam, Tổng thống Ai Cập Al-Sisi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ ký kết hai chương trình hợp tác trong ngành du lịch giữa hai nước giai đoạn 2017 – 2019 và 2017 – 2021.

Trong sự kiện nay, việc thúc đẩy các mối quan hệ song phương trong lĩnh vực giao thông đường biển, vận tải biển, nông nghiệp và công nghệ thông tin cũng đã được Tổng thống Ai Cập Al-Sisi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đưa ra thảo luận.

Theo Tổng thống Al-Sisi, Ai Cập hiện có nhiều dự án quy mô lớn với lãi suất cao và đa dạng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư và tập đoàn công nghệ của Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội giúp Ai Cập hướng tới phát triển vùng kênh đào Suez với hoạch thành lập các khu vực công nghiệp và hậu cần rộng lớn, mở ra cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn cho các công ty Việt Nam muốn có được lợi nhuận cao từ vị trí chiến lược là trung tâm sản xuất của Ai Cập.

Chuyến thăm hồi năm ngoái cũng là lần đầu tiên Tổng thống Ai Cập Al-Sisi tới Việt Nam.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bao-ai-cap-tiem-nang-hop-tac-kinh-te-vo-cung-to-lon-giua-viet-nam-ai-cap-post272999.info