'Bánh vẽ' dự án công nghệ cao bán lẻ

Chào mời nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết lợi nhuận lên tới 120%/năm, nhưng dự án 'kinh tế chia sẻ' được giới thiệu là của Công ty TNHH Một thế giới Lành mạnh – OHW có nhiều điểm chưa rõ ràng.

Mẫu hợp đồng nguyên tắc mà OWH cấp cho nhà đầu tư

Mẫu hợp đồng nguyên tắc mà OWH cấp cho nhà đầu tư

Cam kết mức lợi nhuận siêu hấp dẫn

Thời gian gần đây, thông qua đại lý bảo hiểm của một số hãng lớn, người dân Hà Nội nhận được thư mời tham gia các buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư hấp dẫn. Nhiều người tò mò tham dự bởi thư mời có in logo hình lá cờ Việt Nam và Nhật Bản và chủ đề khá thời thượng “Chuyển đổi công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ”.

Chiều 12/11, trong vai một nhà đầu tư, người viết tham gia một hội thảo như vậy tổ chức tại chi nhánh Công ty OHW ở số 2 Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Bà Lê Minh Châu, được giới thiệu là Phó phòng Kinh doanh OWH, say sưa giới thiệu về dự án X. Theo bà này, dự án X. do người Nhật ấp ủ 7 năm và “sau 12 năm thử việc, ông Nguyễn Hải Hà (Giám đốc Công ty OHW) mới được tiếp cận”. Tháng 10/2019, Công ty OHW được thành lập để triển khai dự án. Theo kế hoạch, Công ty sẽ lắp đặt máy impact có ứng dụng công nghệ AI tại các cửa hàng tạp hóa.

“Chỉ sau 0,2 giây, khách hàng bước chân vào cửa hàng tạp hóa thì máy sẽ nhận diện khuôn mặt, tuổi tác khách hàng và phát quảng cáo… nhằm kích thích tiêu dùng”, bà Châu nói.

Sau một thôi một hồi giới thiệu về công dụng của máy impact bà Châu và một số nhân sự khác của OWH chào mời những người tham dự hội thảo tham gia đầu tư.

Bà Hoa tự xưng là Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty giới thiệu, dự án có tổng cộng 8 vòng tham gia.

“Những người tham gia như chị em mình được gọi là nhà đầu tư và đây giống như cơ hội chia sẻ. Công ty OHW chuyên nghiên cứu thị trường khai thác dữ liệu big data thông qua việc đặt máy impact, X-POS tại các cửa hàng tạp hóa. Em hình dung là các cửa hàng tính tiền sẽ nhập dữ liệu và in ra bill thanh toán. Toàn bộ dữ liệu chạy về máy chủ công ty. Mình tặng miễn phí phần mềm và máy cho cửa hàng tạp hóa, đồng thời cho họ 6 triệu đồng/tháng để hỗ trợ mặt bằng”, bà Hoa. mở đầu.

Trước thắc mắc của những người tham dự về cơ chế thu lời khi đầu tư vào dự án này, bà Hoa tiếp lời, từ việc lắp đặt phần mềm trên, công ty thu thập thông tin tiêu dùng hàng hóa để khai thác dữ liệu thông tin và bán cho đối tác.

“Với nền kinh tế chia sẻ thì Công ty mời các nhà đầu tư đầu tư máy đó để lắp đặt. Sau khi có dòng tiền, Công ty sẽ chia lợi nhuận cho nhà đầu tư. Đây là vòng tròn khép kín”, bà Hoa hào hứng. Bà Hoa tiết lộ, đối tác đặt hàng của OHW là Công ty Công nghệ Akie.

“Nhưng đó là công ty truyền thông, còn đối tác sản xuất máy là JMO. Công ty OHW khai thác dữ liệu đến đâu thì Tập đoàn Akie mua đến đó. Dự kiến đến tháng 4/2022, Công ty phủ kín 200.000 cửa hàng tạp hóa, tương ứng 250.000 khách hàng VIP với 480 tỷ đồng”, bà Hoa quảng bá.

Theo bà Hoa nếu một người bỏ 24 triệu đồng mua phần mềm trên thì Công ty OHW chi trả cổ tức 2,4 triệu đồng/quý, tặng quyền lợi bảo hiểm nhân thọ trong vòng 10 năm và được tặng 0,001% cổ phần khi Công ty lên sàn chứng khoán. Ngoài ra, khách hàng còn được bảo đảm vốn bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của ông Nguyễn Hải Hà (chủ dự án). Cụ thể, ông Hà đã mua 2 gói bảo hiểm nhân thọ trị giá 24 tỷ đồng, đối ứng với số tiền kêu gọi vòng 1 và “đây là dự án duy nhất được bảo đảm bằng tính mạng của CEO”.

Cũng theo bà Hoa chỉ sau 3 tháng, khách hàng sẽ được nhận cổ tức. Ban đầu, khách hàng được nhận cổ tức bằng tiền mặt, thời gian sau đó có thể nhận bằng hàng hóa.

Bà này còn khẳng định, việc trả lợi nhuận kéo dài xuyên suốt trong 50 năm. Bởi “khi máy còn tồn tại thì vẫn thu dòng tiền. Coi như là hình thức đầu tư dài hạn. Bỏ khoản tiền 24 triệu đồng, khách hàng sẽ được nhận lợi nhuận lên đến 120%/năm”.

Thậm chí, bà Hoa còn khẳng định như đinh đóng cột, sau khi đạt số lượng 200.000 khách hàng VIP cùng tệp 1 triệu khách hàng, Công ty OWH sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2024. Giá trị Công ty dự tính sẽ tăng gấp 700 lần, tương ứng khách hàng sẽ được nhận số cổ phần là 16,8 tỷ đồng. Một số người “bùi tai” lập tức đăng ký tham gia.

Dự án mơ hồ, tiềm ẩn rủi ro

Để làm rõ hơn dự án, người viết đã đặt câu hỏi về việc triển khai trên thực tế, bà Hoa cho biết, Công ty đang triển khai theo hình thức “xoáy trôn ốc”, nghĩa là phủ dày đặc ở một thành phố. Từ nay đến tháng 4/2021, Công ty sẽ phủ kín 10.000 tiệm tạp hóa ở TP.HCM. Còn ở Hà Nội, đến tháng 4/2021, Công ty mới bắt đầu triển khai.

Điều này đồng nghĩa là nếu khách hàng tham gia ở Hà Nội sẽ chỉ có thể dựa trên lời quảng cáo mà không thể nắm bắt, kiểm chứng thực trạng dự án hình thù ra sao.

Tại TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM đã kiểm chứng các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận Bình Thạnh thì được biết, đến tháng 4/2020, OWH chỉ liên hệ với 47 điểm bán tạp hóa để treo cờ và ký hợp đồng kinh doanh. Trong đó có 9 cửa hàng không đồng ý tham gia, 29 điểm treo cờ nhưng chưa ký hợp đồng.

Người viết đã yêu cầu bà Hoa cung cấp thêm giấy tờ hoặc bằng chứng thể hiện việc hợp tác giữa OHW và Công ty Akie nhưng không được đáp ứng với lý do là “bí mật kinh doanh”. Để tăng thêm phần tin tưởng, bà Hoa đã gửi một số hình ảnh lắp đặt máy móc ở các cửa hiệu tạp hóa ở TP.HCM, nhưng quan sát lại chỉ có một chiếc máy khá sơ sài.

Những dấu hiệu đáng lưu ý khác là, thay vì ký hợp đồng góp vốn, nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng nguyên tắc về việc sản xuất phần mềm và hợp đồng sản xuất phần mềm. Đặc biệt, việc tặng 0,01% cổ phần Công ty chỉ thể hiện bằng tờ “giấy tri ân” có dấu đỏ của Công ty.

Đầu tư Chứng khoán đang liên hệ với Công ty OHW để tiếp tục có thông tin tới bạn đọc.

Bình luận về cách thức huy động vốn trên, luật sư Nguyễn Văn Thái cho rằng, việc ký hợp đồng giả cách hợp đồng này không thể hiện đúng bản chất hoạt động của công ty. Nếu có xảy ra tranh chấp, vi phạm thì hợp đồng trên sẽ bị tuyên vô hiệu do bị giả tạo. Tuy nhiên, điều này chỉ thể hiện ở giao dịch dân sự, còn người dân phải đặc biệt cảnh giác với mô hình như trên do tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo luật sư Thái, nhìn chung các mô hình kêu gọi góp vốn dạng này thường thuyết phục bằng bẫy lợi nhuận. Có những vụ việc bị phát giác và xử lý thời gian gần đây như Công ty cổ phần MB 24, Công ty cổ phần Thời gian vàng - Goldtime chỉ kêu gọi mọi người tham gia góp vốn số tiền đầu tư rất thấp, khoảng 3 triệu đồng. Khi thuyết phục họ thường vẽ ra các dự án siêu lợi nhuận nhưng trên thực tế không có, hoặc quy mô không đáng kể nhằm lừa đảo lấy tiền người sau trả cho người trước.

“Còn về hình thức của hợp đồng chỉ là bề mặt nhằm hợp pháp hóa để đối phó với các cơ quan chức năng do rút kinh nghiệm từ các vụ án đã bị phát hiện trước đây”, luật sư nói thêm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rủi ro với người dân khi nhiều công ty đang tổ chức tràn lan các buổi hội thảo, hay những quảng cáo có cánh trên các trang mạng về các dự án huy động vốn, nhưng lại không phân định rạch ròi là mua bán hàng hóa hay giao dịch góp vốn đầu tư.

Hà Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/banh-ve-du-an-cong-nghe-cao-ban-le-post255127.html