Bánh Trung thu nhập từ Trung Quốc không giấy tờ

Bánh Trung thu mini nhập khẩu Trung Quốc, thực phẩm chức năng chất lượng không được kiểm duyệt tràn lan trên thị trường.

Bánh Trung thu Trung Quốc len lỏi vào Hà Nội, miền Tây

Sáng 8/9, đội 6 phòng Cảnh sát môi trường – CATP Hà Nội phối hợp cùng Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh trên đường Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, phát hiện, thu giữ gần 2.000 chiếc bánh Trung thu được tập kết. Toàn bộ số bánh trung thu này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Số lượng lớn bánh Trung thu từ Trung Quốc được chủ cơ sở khai sẽ bán trước cổng trường học ở Hà Nội. Ảnh: VOV

Số lượng lớn bánh Trung thu từ Trung Quốc được chủ cơ sở khai sẽ bán trước cổng trường học ở Hà Nội. Ảnh: VOV

Tại thời điểm kiểm tra, chủ số hàng này là Nguyễn Tài Dương, SN 1987, trú tại quận Hà Đông đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến gần 2.000 chiếc bánh nướng trên, đồng thời khai nhận, mua toàn bộ số bánh trên ở biên giới Lạng Sơn và gom trôi nổi trên thị trường với giá 30 triệu đồng.

Trên các vỏ túi đựng bánh đều ghi chữ Trung Quốc và không ghi hạn sử dụng. Đáng chú ý, số bánh này cũng được sản xuất đa dạng các chủng loại như nhân đậu xanh, socola, thập cẩm… để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Bánh được bán với giá siêu rẻ, chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng/chiếc, bày bán tại cổng các trường học, hoặc tại các cửa hàng tạp hóa bán lẻ ở Hà Nội.

Hàng nghìn bánh Trung thu không nguồn gốc từ cửa khẩu đổ về Hà Nội. Ảnh: Zing.vn

Trong buổi kiểm tra, đoàn đã tạm giữ 232 bánh nhãn Guo Ren Yuan; 95 bánh trung thu nhãn Moon Cake; 1.141 bánh trung thu có nhãn chữ tượng hình; 330 gói thực phẩm chức năng cà phê giảm béo nhãn Like Clim Coffee; 31 chai kem chống nắng nhãn Aqua – 100ml.

Ông Nguyễn Tài Dương - chủ cơ sở cho biết, đây là địa chỉ ông mới mở để kinh doanh nên không kịp làm giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Số hàng hóa để tại điểm này là bánh trung thu, bánh kẹo và mỹ phẩm (kem chống nắng), thực phẩm chức năng (cà phê giảm béo).

“Toàn bộ hàng hóa này là do nước ngoài sản xuất, tôi mới mua trên thị trường để kinh doanh nên không có hóa đơn chứng từ. Số hàng hóa này mới mua về nên chưa kịp bán sản phẩm nào”, ông Dương nói.

Cơ quan chức năng đã thu hồi toàn bộ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục điều tra làm rõ.

Càng đến gần Tết Trung thu, những chiếc bánh mini đặc chữ Trung Quốc vẫn được nhập về Việt Nam với số lượng cực lớn lên tới hàng nghìn chiếc. Hà Nội là địa phương đầu tiên thông tin thu giữ số bánh Trung thu

Hôm 6/9, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP.Cần Thơ) cũng đã tạm giữ gần 4.000 bánh Trung thu không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không bao bì, nhãn mác.

Đoàn kiểm tra đã đến kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại điểm kinh doanh bánh Trung thu của ông Nguyễn Minh Nhật (SN: 1986) có địa chỉ tại số 149/2E, KV.Yên Bình, P.Lê Bình, Q.Cái Răng và phát hiện số bánh trên không hề có hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

3.663 cái bánh Trung thu, trong đó 1.306 cái bánh Trung thu hiệu Moon Cake, 2.117 cái bánh Trung thu hiệu Gateau Doux, 15 hộp bánh Trung thu và 240 cái bánh Trung thu không bao bì, nhãn mác.

Thực phẩm chức năng chất lượng không đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế

Hàng loạt sản phẩm TPCN vừa bị Cục ATTP nêu tên không đạt chất lượng đúng như công bố, hoặc không công bố chất lượng của sản phẩm với cơ quan chức năng. Các công ty kinh doanh số TPCN nói trên đã bị phạt hàng trăm triệu đồng.

Công ty bị phạt nặng nhất (gần 470 triệu đồng) là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hoàng ZN với các vi phạm liên quan đến sản phẩm Cốm trắng da Skinfood Plus+ và Trà Thảo mộc hoa sâm đất, Cốm dinh dưỡng Extra Kid, và thực phẩm bảo vệ sức khỏe: KHIẾT ÂM.

2 lô sản phẩm Cốm trắng da Skinfood Plus+ và Trà Thảo mộc hoa sâm đất của công ty này thuộc diện phải thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm nhưng không thực hiện. Công ty này đã bán ra thị trường lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Thảo mộc hoa sâm đất nói trên.

Sản phẩm thực phẩm bổ sung Cốm dinh dưỡng Extra Kid của công ty này cũng có vấn đề. Chỉ tiêu: Kẽm Gluconat; L-Lysine tổng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Sản paharm này cũng vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Công ty cũng đã bán ra thị trường lô sản phẩm Cốm dinh dưỡng Extra Kid nói trên.

2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Cốm trắng da Skinfood Plus+ và thực phẩm bảo vệ sức khỏe: KHIẾT ÂM trên website http://zinihoang.com của công ty này được cơ quan chức năng xác định là có nội dung không phù hợp.

Công ty bị phạt nặng tương tự là Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Phú Hải có địa chỉ tại Tổ 5 A2, phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) đã nhập khẩu lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang Thanh Quả Áo Đình dạng lọ có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã áp dụng. Số lô hàng trên có ký hiệu: 170819, NSX: 12/8/2017 HSD: 11/08/2019).

Công ty Cổ phần LD Đông Dương có địa chỉ ở Số 90, lô D6, khu đô thị mới Đại Kim- Định Công, phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị phạt số tiền hơn 100 triệu đồng đối với sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bảo nhi ăn ngon và Bảo nhi Canxi nano.

Công ty này đã bán 1 lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bảo nhi ăn ngon (lô số 011116, NSX: 25/11/2016, HSD: 24/11/2019) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng ra thị trường.

Không chỉ có 3 công ty nói trên, 15 công ty kinh doanh TPCN khác cũng bị Cục ATTP gọi tên vì vi phạm các quy định của Bộ Y tế về an toàn thực phẩm.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/banh-trung-thu-nhap-tu-trung-quoc-khong-giay-to-3365127/