Bánh mì Việt Nam từ Bắc chí Nam ngon thế này, bảo sao không nổi danh khắp thế giới như 'cực phẩm'

Những tưởng bánh mì có thể là một món ăn rất đỗi bình thường, không đặc sắc lắm nhưng dọc theo mỗi miền đất nước ta thì bánh mì được biến tấu khẩu vị khác nhau, góp phần mang đến sự phong phú, đa dạng cho văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Văn hóa ẩm thực là một phần văn hóa nằm trong tổng thể các đặc trưng về vật chất, tinh thần, khắc họa một số nét cơ bản, đặc sắc của một cộng đồng, gia đình, làng xóm, vùng miền, quốc gia… Ẩm thực không chỉ để ăn no, ăn ngon mà còn nói lên được những đặc trưng của từng vùng miền. Đi dọc miền đất nước, qua 3 miền Bắc – Trung – Nam, sự khác nhau về địa lý, thổ nhưỡng, phong tục tập quán… những ổ bánh mì cũng khác nhau trong từng vỏ bánh, nhân bánh, nước sốt, tạo nên sự đa dạng, độc đáo.

Bánh mì nem khoai – Hà Nội

@2uang_

@___linhmoon

Nghe tên cứ thấy lạ lạ nhưng sự kết hợp của các thành phần cũng “lạ đời” không kém khi bánh mì ăn với nem chua rán và khoai tây chiên. Thấy “ngộ và lạ” thế thôi chứ đây là một sự kết hợp tuyệt vời, một ổ bánh mì nướng nóng giòn, thêm đôi nem chua cũng giòn tan không kém kết hợp và khoai tây vừa mới chiên xong, rồi lại phủ lên một ít sốt mayonnaise, tương ớt ngọt kèm một vài lát dưa chuột, vậy là bạn đã được một ổ bánh mì “tường không ngon mà ngon đến không tưởng” có đủ vị giòn tan, bở mềm, béo ngậy, cay cay nơi đầu lưỡi.

Bánh mì chảo – Hà Nội

@lincun

@hongxukatagram_

Lấy ý tưởng từ các suất bít-tết kiểu Tây nhưng thay chú trọng ở phần thịt bò đắt đỏ thì các hàng quán vỉa hè Hà Nội đã đưa ổ bánh mì bình dân trở thành “ngôi sao chính” của món ăn. Gói gọn trong một phần bánh mì chảo sẽ là một phần đầy đủ pate, bít-tết, trứng ốp la trên một cái chảo gang nóng rực với cùng một ổ bánh mì giòn rụm như từ mới trong lò ra là điểm nhấn đặc biệt khó quên của món ăn này.

Bánh mì cay - Hải Phòng

@linhchimm

@nofoodphobia

Phong trào bán bánh mì que ở Hải Phòng đã bắt đầu từ những năm 1980 nay đã trở thành món ngon tên tuổi bán khắp phố phường đất cảng. Bánh mì que còn được gọi là bánh mì cay, hình dáng chỉ to nhỉnh hơn ngón tay một chút, dài chừng hơn một gang tay mà người ta cũng quen miệng gọi chiếc bánh là bánh mì que. Bánh mì cay có vẻ đơn giản hơn so với các loại bánh mì khác vì chỉ bằng kích thước nhỏ ấy mà thêm vào nhân một chút pa-tê một loại nhân không có gì mới lạ thường được xem như thêm vị cho bánh mì.

@foodyhaiphong

Nhưng điều đặc biệt của chiếc bánh mì que này là khi được thêm tương ớt cay đặc biệt của người Hải Phòng, rồi khi ăn chủ hàng sẽ nướng bánh mì cay trên than củi âm ỉ, chính vì điều này sẽ khiến bạn phải say mê mãi cái vị ngon cay cay, giòn giòn, ngầy ngậy cũng vô cùng khác lạ này.

Bánh mì Hội An

@suz3798

@nanase_0203

Nhắc đến bánh mì Hội An, người ta sẽ nói ngay đến bánh mì Phượng và bánh mì Madame Khánh.

Có 3 điều làm nên sự đặc biệt của bánh mì Phượng là vỏ bánh mì, nước sốt và rau đi kèm tất cả kết hợp với nhau rất hài hòa và hợp lý. Nếu đã ăn bánh mì của Sài Gòn và Hà Nội rồi thì chắc mẩm bạn sẽ cảm nhận được vỏ bánh mì ở đây luôn giòn và cứng hơn. Chắc có lẽ nó cứng và giòn như thế để giữ cho bánh không bị nhũng mềm ra khi được rưới tận 3 loại nước sốt đặc biệt của quán.

@a2i3l

@tastemebae

Người ta còn ấn tượng với bánh mì Phượng là bởi những thứ được cho để ăn kèm. Nếu bình thường chỉ đơn sơ vài loại dưa leo, rau mùi… thì ở Phượng lại rất cầu kì nào rau quế, nào hành, nào húng, lại còn có dưa chuột, dưa góp muối chua ngọt... và còn cả một loại rau thơm rất đặc trưng của Hội An nữa. Sự cầu kỳ và đa dạng khiến ổ bánh mì đầy ắp nhân ở đây trở nên thơm ngon hơn hẳn và cũng không hề có dấu hiệu bị ngấy.

@fuongsfood

@yuhyouma

Còn bánh mì Madame Khánh cũng đặc biệt không kém. Phần nhân bánh của tiệm gồm hơn 10 loại nhân gồm: thịt quay, thịt nướng, trứng chiên, dưa góp, pate, phô mai, sốt, nộm... đều được chính tay bà Khánh làm rất tỉ mỉ, với những bí quyết tẩm ướp, chế biến của riêng bà. Vì đã hơn 80 tuổi, động tác làm bà Khánh hoàn thành một ổ bánh mì rất chậm rãi nên không thích hợp với những ai đang vội vã, nhưng nếu đủ kiên nhẫn, bạn sẽ có một "phần thưởng" xứng đáng với sự chờ đợi của mình.

@thaiyennhi

Thưởng thức bánh mì Madam Khánh sẽ luôn đem lại cho bạn cảm giác như đang "ăn trọn cả Hội An" bởi bánh mì như mang tất cả dư vị ẩm thực của Hội An vừa gần gũi, mang đúng truyền thống bản xứ nhưng lại có chút sự hòa quyện Tây Âu để khiến các thực khách dù là trong nước hay nước ngoài đều "bắt gặp" cái vị thân quen trong đó.

Bánh mì chả cá - Nha Trang

@chippycat69

Bánh mì ngon, nổi tiếng nhất vùng biển phải kể đến bánh mì Nha Trang kẹp với chả cá làm từ nạc cá basa hay cá thu được thêm chút gia vị, thái sợi vừa rồi chiên ngập dầu cho vàng rụm và thơm lừng, ăn kèm với rau dưa. Tương ớt cùng ớt tươi được thêm vào để tăng hương vị nồng ấm, đồng thời cũng lấn át cái tanh của cá và làm dậy mùi thơm vô cùng. Món bánh mì chả cá không chỉ phổ biến ở Nha Trang nói riêng mà còn ở các vùng biển nói chung, bạn có thể đến Vũng Tàu để thưởng thức món bánh mì mang “hơi từ biển cả” này.

Bánh mì xíu mại - Đà Lạt

@trakity1518

Bánh mì xíu mại là món ăn vặt được đánh giá là ngon nhất trong tất cả những món ăn vặt đã làm nên thương hiệu của ẩm thực đường phố ở Đà Lạt. Không biết từ lúc nào mà bánh mì cùng một chén xíu mại đơn giản với nước trong veo thêm ít váng mỡ cho cảm giác béo ngậy, vài cọng hành xanh bắt mắt lại làm bất kì thực khách nào đến đây cũng nhất định phải thử một lần và thậm chí nghiện luôn từ lúc nào không hay.

@dunmap_6994

Viên xíu mại Đà Lạt được độ dai dai mềm mềm vừa đủ, nêm nếm vị cũng nhẹ nhàng vừa phải. Nước dùng xíu mại được ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một ít váng mỡ beo béo cùng một chút xanh xanh hành lá khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị. Khi ăn thêm một chút sa tế để nơi đầu lưỡi cảm nhận vị cay cay, ấm nồng vừa đủ sẽ giúp xua tan được cái se se lạnh của thành phố sương mù. Thêm một điều nữa là nếu có thể hãy dùng kèm thêm chút giá, ngò hay tép mỡ phi giòn, bỏ vào chén khi còn nóng cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất thơm.

Bánh mì Sài Gòn

Bánh mì thịt nướng

Cái bánh mì giòn giòn là văn hóa Pháp, nhưng toàn bộ nhân ở trong gồm những miếng thịt nướng, lát dưa leo giòn tan, đồ chua, ngò và nước tương “thơm nức mũi” thì đích thị là văn hóa Việt. Cắn một miếng bánh mì giòn ta trong miệng, bạn đã cảm nhận đầy đủ hương vị của Sài Gòn, hương vị của sự pha trộn giữa ẩm thực Pháp và Việt.

Một ổ bánh mì thịt nướng gồm những miếng thịt vàng ươm, thơm phức có vị ngọt ngọt bởi có nêm đường và thơm mùi sả, tuy nhiên nó được cân bằng cùng với rau và đồ chua. Thứ độc đáo nhất của loại bánh mì này lại nằm ở thứ nước tương đặc biệt làm cho tất cả các nguyên liệu hòa quyện với nhau, tạo ra một hương vị rất hài hòa, cứ vương vấn mãi.

Bánh mì phá lấu

@shizi.lifestyle

Bánh mì kẹp phá lấu là món chỉ có thể kiếm được ở Sài Gòn và cũng không có nhiều nơi bán. Bánh mì phá lấu ngon phải dùng những phần có gân mềm và dai nhẹ, khìa với nước tương và các loại gia vị như ngũ vị hương, để khi ăn vào miếng phá lấu chỉ còn mùi thơm và đậm vị.

@tu_bung_bu

Phá lấu để kẹp với bánh mì phải kho cho đến khi thấm hết gia vị, nước dùng sệt lại chứ không để nhiều nước như phá lấu chén ăn thông thường. Đi kèm đó là đồ chua để bớt ngán. Thưởng thức một ổ bánh mì với những miếng phá lấu giòn giòn, dai dai, vừa có vị thơm béo, vừa có độ chua rất bắt miệng thì còn gì bằng.

Bánh mì bì

Bì không chỉ là món ăn kèm ngon tuyệt của cơm tấm bì mà còn kết hợp rất hài hòa với bánh mì. Cách ăn bánh mì bì tương tự cơm tấm, người bán rạch đôi ổ bánh, quết mỡ hành dọc thân, rồi cho bì, đồ chua, dưa leo, ngò, chan thêm muỗng nước mắm có độ sệt, vị chua ngọt như dùng cho cơm tấm.

@nidokido

Có nhiều nơi bán món ăn này nhưng điều làm cho hơn nhau giữa các nơi bán là ở bì và nước mắm. Bì phải là hỗn hợp của phần da, thịt heo và thính được lấy từ nguyên liệu tốt nhất và được xử lý khéo nhất. Vị bì ngon là loại khi thưởng thức sẽ có đậm vị mùi thơm, chắc, sần sật, cực vui miệng nhưng không ngán. Nước mắm chan kèm ngoài độ sệt và đều hết cái vị chua, cay, mặn, ngọt đều ở mức vừa phải.

Với mỗi vùng miền, bánh mì lại có những biến tấu khác nhau. Vị ngon của từng loại bánh mì không chỉ kích thích mọi vị giác, mà còn thể hiện khác biệt về thổ nhưỡng, văn hóa, khẩu vị, phong tục tập quán giữa ba miền Bắc – Trung – Nam. Chính những điểm khác nhau nhau của ẩm thực miền Bắc, miền Trung và miền Nam này đã tạo nên một nền ẩm thực Việt đa dạng, phong phú.

Cùng theo dõi Bestie để cập nhật thêm những thông tin hữu ích giúp kế hoạch “Đi hết Việt Nam” của bạn được suôn sẻ và thành công tốt đẹp nhé.

Trúc Mai

Theo: Thể thao văn hóa

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/giai-tri-tieu-dung/am-thuc/banh-mi-viet-nam-tu-bac-chi-nam-ngon-the-nay-bao-sao-khong-noi-danh-khap-the-gioi-nhu-cuc-pham-22903.html