Bánh kẹo ngoại lấn lướt

Mùa tết luôn được xem là mùa làm ăn của DN thuộc nhiều nhóm ngành trong đó có ngành hàng bánh kẹo, song khác với mấy năm trước thị trường bánh kẹo năm nay hàng ngoại đang lấn sân.

Tăng mạnh kế hoạch

UBND TPHCM vừa thông qua kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn với tổng giá trị đến 17.000 tỷ đồng, chủ yếu là nhóm hàng lương thực - thực phẩm. Theo kế hoạch, tổng giá trị nguồn hàng các DN sản xuất tại thành phố cung ứng cho 2 tháng Tết Đinh Dậu là 17.068 tỷ đồng, tăng 870 tỷ đồng (5,3%) so với Tết Bính Thân 2016. Một số mặt hàng quan trọng dịp Tết như hoa, bia rượu và bánh kẹo mứt… đều tăng mạnh sản lượng cung ứng.

Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Nhiều công ty bánh kẹo cho biết sản lượng cung ứng năm nay sẽ tăng 10-20%, giá đa phần không tăng so với Tết Bính Thân 2016 nếu có tăng cũng chỉ nhỉnh hơn không đáng kể. Nhiều mẫu mã mới sẽ được các DN tung ra trong dịp này. Kể cả những mẫu bánh phân khúc trung bình cũng được các DN đầu tư mạnh trong khâu thiết kế, bao bì để thu hút người tiêu dùng. Ngoài mẫu mã thì các DN cũng chú ý đến tính dinh dưỡng trong sản phẩm như sử dụng hạt chia, hạnh nhân (những loại hạt đang được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ tác dụng tốt) như sản phẩm của Bibica, hay dùng trứng tươi như của Topcake… Năm nay nghỉ tết khá dài ngày nên dự báo nhu cầu hàng hóa chung của người dân sẽ tăng cao hơn.

Một số ít DN cho biết kế hoạch hàng tết năm nay sẽ tăng mạnh tới 50% so với năm trước. Công ty TNHH Liên doanh Topcake cho biết ngay từ hết mùa tết năm trước, công ty đã có những kế hoạch cụ thể cho mùa tết năm nay với sản lượng và chủng loại phong phú gồm 50 sản phẩm phục vụ dịp tết. Bà Lâm Ngọc Thẩm, Tổng giám đốc Topcake, chia sẻ: “Đầu năm 2016 Topcake đã đầu tư dây chuyền bánh trứng nướng, đồng thời tăng công suất các dây chuyền khác để chuẩn bị một lượng hàng cũng như một số sản phẩm thế mạnh như bánh tươi đóng gói, bánh bông lan nướng trong từng tách giấy, đến nay tất cả đã sẵn sàng cho mùa Tết 2017".

Ngoài những kênh truyền thống như siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì trong dịp tết nguyên đán các hãng bánh kẹo còn chú trọng để có mặt trong các giỏ quà tết vì đây cũng là một kênh tiêu thụ quan trọng trong ngày tết. Còn nhớ trong dịp tết năm ngoái khi đi khảo sát tại các siêu thị và các cửa hàng bánh kẹo mới thấy nhu cầu tiêu thụ giỏ quà tết của người dân rất lớn. Tuy nhiên, thị trường bánh kẹo năm nay đang nghiêng mạnh về hàng ngoại ngay từ phân khúc nhập khẩu đến các hãng sản xuất trong nước.

Gian hàng bánh kẹo nhập ngoại tại 1 siêu thị.

Tràn ngập hàng ngoại

Với tâm lý chuộng hàng ngoại vào những ngày lễ tết, người tiêu dùng thường cố mua bánh nhập khẩu làm quà biếu, tặng cũng vì thế tết là thời điểm những dòng bánh ngoại nhập có cơ hội tăng trưởng mạnh. Tại nhiều siêu thị nhất là các siêu thị, ngoại và cửa hàng bán lẻ quầy bánh kẹo, luôn tràn ngập hàng ngoại nhập, phân khúc giá trung bình - cao có hàng từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia; phân khúc cao cấp có hàng Anh, Pháp, Đan Mạch…

Cùng với tâm lý thích hàng ngoại, chất lượng là yếu tố không thể phủ nhận của bánh kẹo nhập khẩu. Chị Thu Hương (quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Các dòng bánh của Malaysia rất ngon và giá cũng chỉ tương đương các loại bánh trong nước, nên gia đình tôi thường chọn lựa sử dụng hàng ngày cũng như vào các dịp lễ tết”. Nếu như trước đây bánh nhập chỉ có ở những thành phố lớn, những khu trung tâm, nay nhiều khu vực vùng ven những sản phẩm này cũng bắt đầu len lỏi và được người tiêu dùng đón nhận.

Không chỉ nhập khẩu, thị trường bánh kẹo trong nước cũng có sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, như Orion Vina được đầu tư trực tiếp từ Tập đoàn Orion Hàn Quốc, hay Kinh Đô một thương hiệu bánh kẹo lớn của Việt Nam cũng đã bán 100% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International, một tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ. Cho đến nay, đây được xem là thương vụ mua bán, sáp nhập có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo ở thị trường trong nước và cũng đánh dấu chính thức Kido không còn tham gia mảng kinh doanh bánh kẹo, và thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô hoàn toàn của nhà đầu tư nước ngoài.

Về bánh kẹo nội người ta vẫn nhắc đến những cái tên như Bibica, Phạm Nguyên, Hải Hà, Hữu Nghị… Thế nhưng trên thực tế BiBica và Phạm Nguyên đều có dấu ấn nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Bibica đã làm báo chí tốn nhiều giấy mực sau thương vụ với Lotte. Còn Phạm Nguyên, hồi tháng 4 vừa qua cho biết đã tiếp nhận khoản đầu tư trị giá 9,3 triệu USD từ nhà đầu tư Mizuho Asia Partners, một công ty quản lý quỹ đầu tư được thành lập tại Singapore.

Theo ông Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty, với khoản đầu tư này Phạm Nguyên sẽ tiếp tục tự vận hành, có thêm nguồn tài chính để mở rộng nhà xưởng, phát triển sản phẩm và đầu tư vào tiếp thị, thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới cũng như mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Đó là chưa kể những sản phẩm của các DN này đánh nhiều ở thị trường nông thôn, nhưng thị trường này đang bị đe dọa bởi các ông lớn ngoại.

Một mùa kinh doanh lớn nhất trong năm đang đến gần, và trong cuộc chiến không cân sức với hàng ngoại, DN nội không còn cách nào khác là phải tiến về phía trước, đầu tư mạnh cho bao bì, thiết kế cũng như chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ có thể chọn hàng Việt khi những yếu tố đó được bảo đảm.

Thái Hà

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161105/banh-keo-ngoai-lan-luot.aspx