Bánh đúc có xương

Bà Thuần bắc ghế bên hiên nhà, chung quanh là những đứa cháu đang cùng nhau luồn tay vào tóc bà, chúng đếm xem tóc bà có bao nhiêu sợi bạc.

- Nhiều quá, đếm không được! Hay mình đếm sợi đen đi!

Con bé nhỏ nhất nói bập bẹ không rõ, rồi nhe hàm răng sún ra cười. Bọn trẻ cũng phá lên cười rồi gật gù ra vẻ cùng đồng ý.

- Đúng rồi, mình đếm sợi đen đi!

Trước sân, các con bà đang phụ nhau chuẩn bị cho đám giỗ bố chúng vào ngày mai. Chị dâu, em gái thì nhặt rau, soạn lại chén đũa. Anh trai, em rể thì thịt gà, thịt vịt... Thi thoảng, có đứa quay về phía bà và đám trẻ nói câu gì đó rồi cả nhà được thể cười rộn lên.

Bây giờ các con bà đều đã lớn, có công việc làm ổn định, đứa nào cũng có điều kiện kinh tế, nhà cửa khang trang. Có đứa được công ty lớn trên thành phố mời về làm với mức lương cao nhưng chúng chẳng chịu đi, chẳng chịu xa làng quê nơi chúng lớn lên, và quan trọng nhất là chẳng đứa nào muốn xa mẹ. Chúng bảo, đời mẹ khổ nhiều rồi, giờ mẹ già, niềm vui lớn của người già là được gần con gần cháu nên chẳng đứa nào bảo đứa nào, chúng đều ở gần bà. Cuối tuần nào chúng cũng đưa con cái về thăm bà, ăn với bà bữa cơm.

Minh họa: TÔ NGỌC.

Minh họa: TÔ NGỌC.

- Các con cứ lo công việc của mình, cuối tuần đưa vợ con đi chơi đây đó, chứ đừng để ý đến mẹ quá, mẹ còn khỏe!

Bà luôn bảo thế mỗi khi gặp con.

- Dạ, về với mẹ cũng là đi chơi mà mẹ!

Nhìn cảnh gia đình bà Thuần quây quần bên nhau, nhìn cái cách bà đối xử với con cháu, và cách con cái bà quan tâm đến bà, chẳng ai nghĩ rằng năm đứa con ấy không phải do bà sinh ra.

Thời trẻ bà Thuần là người con gái xinh đẹp, tính nết lại hiền lành, lễ phép nên nhiều thanh niên làng theo đuổi, người lớn trong làng thấy Thuần cũng ưng bụng muốn ướm Thuần về làm dâu. Thế nhưng, Thuần còn gánh nặng gia đình, các em của Thuần còn nhỏ, chúng ở độ tuổi ăn học, Thuần chẳng thể vì hạnh phúc riêng tư của mình mà bỏ các em bơ vơ. Cha Thuần mất sớm, chỉ còn Thuần làm chỗ dựa cho các em. Thuần xin vào làm công nhân nhà máy may, tiền lương hằng tháng cô lo cho các em ăn học, đến tấm áo mới cũng chẳng dám sắm. Cho đến khi thằng Út của Thuần tốt nghiệp đại học, yên bề gia thất thì Thuần đã ngoài bốn mươi. Cái tuổi ấy ở làng người ta đã có đến cả cháu để bồng bế. Thuần chẳng còn trẻ để yêu đương như lứa thanh niên đôi mươi. Thanh xuân của Thuần trôi theo những lo toan, tính toán, những buổi tăng ca không biết mệt mỏi và những buổi chợ trưa ngày cuối tuần để kiếm thêm thu nhập, cốt làm sao lo đủ cho hai đứa em cái ăn, cái học là Thuần vui, Thuần hạnh phúc. Người đàn ông hẹn thề sẽ đợi Thuần cho đến khi Thuần sẵn sàng nắm lấy tay anh nay cũng đã làm sui người ta. Các em Thuần thương chị lỡ thời, đứa nào cũng muốn đón chị về ở cùng, nhưng Thuần chẳng chịu, Thuần còn khỏe, cô tự lo được cho mình.

Đêm hôm ấy, sau khi tan ca trở về, Thuần giật mình nghe thấy tiếng kêu giúp đỡ khi chớm lên dốc. Ngoái lại nhìn thì bên lề đường, một người đàn ông đang bị chiếc xe máy đè ngang người không dậy được. Thuần dừng lại, chạy đến đỡ giúp nhưng người ấy đã bị gãy chân, không thể nào đứng lên được. Thuần gọi cho em trai mình đang làm bác sĩ ở bệnh viện đa khoa đến giúp. Những ngày người đàn ông ấy nằm viện, ông đã nhờ cô đến nhà giúp ông lo cơm nước cho các con, sau này khỏe ông sẽ trả ơn cô.

Thuần đến nhà ông lo cho năm đứa con của ông, cô vẫn thở dài lắc đầu mỗi khi nghĩ đến cảnh ông một mình gà trống nuôi con. Thế rồi, vì lòng thương những đứa trẻ thiếu thốn, thi thoảng, cô lại ghé sang thăm mấy bố con, hôm thì bánh, mai chục cân gạo, bó rau. Bọn trẻ quý Thuần như mẹ chúng. Một ngày, người đàn ông ấy ngỏ ý muốn được kết hôn với Thuần. Lúc đầu, cô hơi ngượng. Mấy tuần liền cô không đến nhà ông. Nhưng cô lại thấp thỏm nhớ nhung. Cô nhớ ánh mắt ân cần ông nhìn cô, nhớ dáng người hiền lành của ông khi lui cui bên bếp lửa đánh vật với bữa ăn cho năm đứa trẻ. Chiều chủ nhật ấy, Thuần quyết định đến nhà ông. Bọn trẻ thấy Thuần đến, òa lên khóc nức nở “chúng con nhớ cô!”. Rồi chúng gọi cô là mẹ. Thuần cũng khóc. Chỉ thế thôi mà Thuần quyết định sẽ lấy ông, sẽ thành mẹ bọn trẻ. Nhưng các em Thuần không chịu. “Đời chị khổ nhiều rồi, giờ mà lấy ông ấy chị khổ thêm". “Chị cứ ở vậy, già chúng em lo cho chị!”. Chúng tranh nhau giải thích với Thuần đủ mọi thứ lý lẽ, nhưng Thuần bảo “Đó là niềm vui của chị!”. Dần dần, các em Thuần cũng đành nghe theo.

Số Thuần đúng số khổ! Người làng nói với nhau như thế. Các em của Thuần cũng nói thế, mà khổ thật, nhất là khi Thuần lấy chồng chưa bao lâu thì chồng cô đột nhiên qua đời vì một cơn tai biến. Tài sản để lại cho Thuần là căn nhà rách cũ và năm đứa con riêng.

Năm đứa con, ăn thôi cũng cực rồi huống chi còn học hành.

- Mẹ ơi! Con không học đi học nữa, con muốn vào Nam làm công nhân!

- Con sợ mẹ không lo nổi cho con phải không?

- Nhà mình nghèo thế này, một mình mẹ đúng là không lo được đâu ạ! Học đại học tốn kém lắm mẹ!

- Thì con cứ đi học, xem mẹ có lo nổi không?

- Con đi làm rồi lựa thời gian thích hợp cuối tuần đi học nghề cũng được mà mẹ!

Thuần ôm đứa con trai lớn vào lòng, nước mắt rớt lên tóc, lên vai con. Thằng bé cũng khóc. Nếu số Thuần đúng số khổ thì hãy để một mình cô chịu khổ. Thuần nghĩ thế. Thuần chẳng thể để cuộc đời thằng bé khổ như mình.

- Nghe mẹ, con hãy vào đại học nhé! Mẹ lo được hết!

- Nhưng...

- Thôi, không nói nữa, con cứ phải đi học! Không học là mẹ giận, mẹ về bên cậu đó!

***

Ngày nào Thuần cũng làm việc quần quật từ sớm đến tối. Khi trời sáng còn chưa nhìn rõ mặt người, Thuần đã xuống vườn tranh thủ bó vài bó muống, nắm chè mang xuống chợ. Ban ngày, Thuần làm phụ hồ, trưa lại tranh thủ nhặt ve chai. Tối đến thì nhận thêm quần áo xưởng may về lắp ráp, nhận đồ cũ của những người cùng làm với cô về sửa. Các em Thuần thấy chị vất vả cũng ngỏ ý giúp đỡ nhưng chị chẳng nhận. Chị còn khỏe! Thuần luôn nói thế và cười khi các em và các con chị nhìn chị với vẻ mặt xót xa.

Trời trưa buông những hạt nắng gắt. Từng chiếc xe tải băng ngang qua cuốn theo bụi bặm làm cho mọi thứ phủ lớp màu vàng nhợt nhạt. Dưới gốc cây xoan già đang độ trút lá, Thuần ngồi nghỉ mệt, ngửa cổ uống ừng ực cho đến hết chai nước lọc, một tay chị dùng chiếc nón đã cời vành cố xua làn bụi đang quật ngược lên từ mặt đường đất phía trước khi chiếc xe tải vụt qua, mồ hôi tứa ra trên mặt, ướt đẫm cả mảng lưng. Đoạn, chuông điện thoại đổ, chị vén áo móc chiếc điện thoại đen trắng vận nơi thắt lưng. Con trai lớn chị gọi. Nét mặt Thuần rạng ngời hạnh phúc.

- Mẹ nghe đây con trai!

- Mẹ đang làm gì thế ạ?

- Ừ, mẹ đang ở nhà. Mẹ vừa ăn cơm xong con ạ! Giờ đang nghỉ trưa. Con ăn trưa chưa?

- Dạ con ăn rồi ạ!

- Ừ, cố gắng ăn uống đầy đủ có sức mà học, ít ngày nữa có lương mẹ gửi cho nhé!

- Dạ mẹ không cần gửi con nữa đâu ạ! Chắc khoảng hai tuần nữa con thi xong sẽ về thôi ạ!

- Thế à! Ừ, thiếu gì cứ nói mẹ nhé! Ở nhà các em khỏe cả. Thôi nhé, mẹ đang ăn cơm!

Thuần xốc lại mớ lon chai phía sau xe, rồi tiếp tục gom nhặt những chiếc vỏ bao xi măng gấp gọn gàng để tối tranh thủ mang ra tiệm phế liệu cân, chủ công trình xây dựng nơi Thuần làm phụ hồ thấy hoàn cảnh chị khó khăn nên tạo điều kiện, những vỏ bao, chai, lon, thùng sơn... đều cho chị, thi thoảng chủ nhà mang cho chị những tập giấy cũ hay túi quần áo cũ. Thuần vui lắm. Các con của chị cũng vui. Vừa làm chị vừa nghĩ đến các con của mình. Thằng lớn sắp tốt nghiệp đại học, thằng kế năm nay thi cuối cấp, ba đứa gái đứa nào cũng học giỏi, lễ phép. Chỉ nghĩ thế thôi mà Thuần thấy trong lòng mình nhẹ bẫng, niềm hạnh phúc ngọt ngào nào đó vừa chạy qua lồng ngực chị. Thuần nhoẻn miệng cười.

***

Buổi tối, khi mọi thứ đã chuẩn bị xong. Con trai cả của Thuần bắc chiếc ghế ra sân, đặt mẹ ngồi lên, anh cẩn trọng bê chậu nước lá bưởi đặt xuống, nhẹ nhàng tháo búi tóc của mẹ.

- Để con gội đầu cho mẹ nhé!

Các con và cháu anh thấy thế cũng chạy đến, vục bàn tay bé xíu của chúng vào nước, bóp bóp lọn tóc nhỏ của bà, cười thích thú.

Gội đầu xong, đứa lau khô tóc, đứa bóp vai, đứa nắn nắn đôi chân của mẹ. Mỗi lần đám giỗ, ngày rằm, đứng trước bàn thờ cha, bao giờ chúng cũng cảm ơn vì bố đã cho chúng con người mẹ như mẹ Thuần.

Cô con gái út lật lại cuốn sổ lưu niệm cũ của mình, đọc lại bài văn tả người mà mình yêu quý năm xưa cho cả nhà nghe “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng. Dân gian xưa nói thế, nhưng với tôi, mẹ tôi, cũng chính là dì ghẻ của tôi, là người yêu thương anh em tôi vô bờ bến, và trong trái tim tôi, tôi cũng yêu mẹ rất nhiều...”.

Giàn thiên lý trước sân đang mùa rộ bông, mùi thiên lý len lỏi khắp khoảng sân, thoảng vào tận căn nhà ba gian... Bà Thuần dở tấm vải phủ chiếc máy may cũ đã cất lâu năm để lau chùi. Bà rưng rưng xúc động “cảm ơn ông đã cho tôi năm đứa con ngoan!”.

Truyện ngắn của PHÚC AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/banh-duc-co-xuong-653842