Bánh dày lá ngải ấm mãi tình quê

Chiều hoàng hôn Việt Bắc nhạt nhòa phủ bóng dần trên đỉnh núi. Anh bạn người dân tộc Tày Triệu Duy Linh mời chúng tôi về thăm nhà tại thôn Bản Mới, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Linh tâm sự rằng: “Lên quê em tuy khó khăn vất vả nhưng chỉ tối nay thôi, các anh sẽ được thưởng thức món bánh quê truyền thống như vị thuốc giúp người mau khỏe, ăn ngon ngủ tốt”.

Vừa đến nhà, chúng tôi đã thấy chị Triệu Thị Lan đang lúi húi nhóm bếp thổi lửa. Chị Lan là chị gái Linh, người phụ nữ luống tuổi đã lỡ một lần đò, quanh năm tần tảo chăm 4 em ăn học. Biết tin cậu em và bạn bè về thăm, chị vui lắm, cẩn thận làm bánh ngon đãi khách.

Thứ bánh quê trở thành đặc sản của núi rừng Việt Bắc ấy chính là món bánh dày lá ngải. Để có được bánh ngon, người làm phải khéo léo, kỳ công lắm. Chị Lan kể rằng: “Trước hết phải chọn gạo thật ngon. Đó là thứ gạo nếp cái được trồng dưới chân núi Nả Ngà, uống nước dòng sông Tà Điểng”. Chính nhờ có nước non thuận hòa mà những hạt nếp cái nơi đây cứ tròn đều tăm tắp. Gạo trắng ngà được ngâm kỹ qua đêm với nước suối mát trong dẫn từ đỉnh núi xuống.

 Đồng bào dân tộc Tày làm món bánh dày lá ngải đãi khách phương xa.

Đồng bào dân tộc Tày làm món bánh dày lá ngải đãi khách phương xa.

Trong khi chờ gạo no nước, chúng tôi cùng chị Lan hái những ngọn lá ngải cứu ngoài vườn. Rửa sạch sẽ, lá được luộc kỹ với nước vôi trong. Khi ngải cứu chín nhừ, chị vớt ra rửa sạch, vắt hết nước. Bên bếp lửa hồng, lá ngải lại tiếp tục được xao khô đảo kỹ trong chiếc chảo lớn đến khi tơi bông như sợi ruốc. Chị bảo làm cẩn thận như vậy thì ngải cứu sẽ không đắng, không hăng, vẫn giữ được màu xanh thẫm và mùi thơm đặc trưng.

Gạo nếp cái vo qua nước được đổ vào chiếc chõ gỗ đồ cách thủy. Chị Lan lại cẩn thận lót mảnh lá chuối để giữ hơi. Lửa than rừng rực, nước bốc hơi nghi ngút. Những hạt nếp trắng cứ thế chín dần căng tròn bóng mọng. Mùi nếp thơm no ấm tỏa ra ngào ngạt cả căn bếp nhỏ. Khi nếp đã chín, chị đổ xôi ra giã nhuyễn. Công việc này là vất vả và tốn sức lực nhất, thường cần tới nam giới phụ giúp. Nhưng với chị Lan, bao năm qua, chị vẫn giã bánh một mình. Chị bảo rằng muốn bánh ngon phải giã nhanh và đều tay, thường xuyên đảo cho khỏi dính. Mới trông cứ tưởng đơn giản, vậy mà để có mẻ bánh người làm phải vất vả đến nhường nào.

Xôi nếp giã nhuyễn, chị lại dùng chút sáp ong thoa vào lòng bàn tay rồi nặn ra từng vắt bột dẻo dai mềm mịn. Dàn đều nắm bột, chị cho thêm chút nhân lạc rang, vừng đen xào đường phèn vào rồi vê tròn lại. Từng chiếc bánh xanh xanh thành phẩm được xếp ngay ngắn cẩn thận trên xảo lá rong tươi. Dưới ánh đèn khuya, những chiếc bánh dày lá ngải nhỏ xinh trở nên mềm bóng óng ả. Chị ngưng tay làm khéo mời mọi người: “Các em ăn đi! Bánh phải ăn lúc nóng mới ngon”. Cầm chiếc bánh âm ấm trên tay khẽ đưa lên miệng, tôi đã thấy mùi thơm của nếp mới hòa với hương lá ngải dìu dịu. Bánh ăn vừa dẻo dai vừa mềm mịn, lại có vị ngòn ngọt của đường phèn, vị bùi bùi ngầy ngậy của vừng lạc. Tuy bánh là đồ nếp nhưng ăn nhiều vẫn không thấy ngán. Lại nữa, bánh có ngải cứu như vị thuốc của núi rừng ban cho giúp người mạnh khỏe, sảng khoái...

Bài và ảnh: VŨ DUY NAM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/banh-day-la-ngai-am-mai-tinh-que-544392