Bánh chưng của mẹ

Chưa qua rằm tháng Chạp là mẹ tôi đã bắt đầu ngồi nhẩm tính việc gói bánh chưng Tết. Bà giục giã chúng tôi tính xem biếu nhà ngoại bao nhiêu, có biếu thêm anh em bạn bè thân thiết nào không?

Bánh chưng có thể mua được dễ dàng ngoài hàng, nhưng hương vị bánh chưng mẹ tôi gói vẫn thật đặc biệt. Ảnh: Việt Nguyễn

Bánh chưng có thể mua được dễ dàng ngoài hàng, nhưng hương vị bánh chưng mẹ tôi gói vẫn thật đặc biệt. Ảnh: Việt Nguyễn

Khách quan đánh giá thì bánh chưng nhà tôi làm không vuông thành sắc cạnh, màu bánh không xanh mướt như ngoài hàng nên nhiều khi đem đi biếu, tôi cũng thấy hơi ngại.

Nhưng sự khác biệt là bánh chưng của gia đình nhiều đỗ, nhiều thịt, gạo ngon, bánh ăn rền, vừa vị nên ai ăn rồi cũng khen. Lời khen tới tai bà càng làm bà có thêm động lực gói bánh mỗi dịp Tết về.

Mấy năm nay, bà có thêm lý do gói bánh là để dạy con dâu làm cho biết và gói cho cháu nội mấy cái bánh nhỏ.

Con gái tôi, 2 tuổi đi học mẫu giáo cũng được các cô cho gói bánh chưng và mang bánh về, nhưng phải đến khi cháu 3, 4 tuổi, tôi mới thấy cháu háo hức, vui vẻ về khoe chiếc bánh chưng tý hon. Nó khoe rằng: “con được bốc gạo, con bọc bánh và con thấy các cô cho bánh vào nồi”.

Niềm vui của con đánh thức kí ức tuổi thơ mà nhiều năm tôi lãng quên. Tôi đã từng mong Tết nhiều lắm, từng thích ăn bánh chưng lắm. Cái vị của gạo, của thịt, của đậu sao mà ngon đến vậy.

Quê tôi nằm bên dòng sông Đáy, ngoại thành Hà Nội, nằm giữa vùng đồng bằng Bắc bộ trù phú mà làng quê bao năm nghèo.

Bố mẹ tôi là nông dân, làm có lúc đủ ăn, có lúc còn túng thiếu. Mùa đông, chị em vẫn lấy rơm nằm cho ấm, nhưng có đói rét thế nào thì Tết, vẫn có bánh chưng.

Chiếc bánh ngày xưa nhiều gạo, rất ít đậu và thịt, vì hồi đó thực phẩm khá đắt đỏ. Chúng tôi thường thắc mắc sao bánh chưng nhà mình không ngon như bánh của những người khác.

Sau này lớn hơn, tôi mới biết được nguyên nhân tại sao. Vậy mà bao năm, chúng tôi “chê” bánh chưng của mẹ.

Gia đình tôi dần dà cũng đủ đầy hơn nhờ bố mẹ tần tảo và sự giúp đỡ của những người thân. Ba chị em tôi đến tuổi đi học cũng được đến trường và vào đại học, có công ăn việc làm, lấy chồng, lấy vợ, sinh con, cuộc sống cũng gọi là ổn định.

Bánh chưng của mẹ tôi vì thế cũng ngày càng nhiều thịt, nhiều đậu. Gạo bây giờ cũng là loại ngon hơn, đậu, thịt cũng là hàng đặt lá dong cũng là loại bánh tẻ, bánh vẫn là bố và các chú quanh nhà gói. Dù bánh vẫn không được đẹp lắm, đôi khi méo mó vì mấy bọn trẻ chúng tôi đôi khi muốn thử làm.

Ngày trước, nhà tôi và nhà bác cả, bác hai cùng gói luộc chung một nồi. Mấy năm nay, nhà tôi thêm người, mẹ làm bánh biếu thêm thông gia và bạn bè nên nhà tôi luộc bánh riêng.

Chừng 26, 27 Tết, mẹ mua lá dong. Gói 50 chiếc bánh chưng thì cũng phải rửa hàng trăm tàu lá. Rửa từng cái sống lá, kẽ lá, tay ngâm trong nước lạnh, lưng mỏi nhừ.

Vợ tôi năm đầu về làm dâu cứ vừa làm vừa phụng phịu. Cô ấy sinh ra và lớn lên ở thành phố, cả ngày chỉ biết đi học rồi đi làm. Nay lấy tôi là con trai ngoại thành cũng phải xắn tay vào làm.

Gạo mẹ tôi đã vo, đãi được ngâm với nước giã lá giềng bánh tẻ cho có màu xanh đặc trưng. Đậu đã được đồ từ tối hôm trước, giã nhỏ rồi lại nặn thành từng phần. Tất cả đều được làm khi đậu còn nóng hổi, tay lúc đầu thì rát đỏ sau thì mỏi rã rời.

Thịt sáng sớm có người mang từ lò mổ cũng nóng hổi được dao thái sắc ngọt, ướp qua với ít mắm, muối, hạt tiêu.

Cả gia đình ngồi quây quần quanh cái mẹt rộng giữa sân gạch. Tay mẹ thoăn thoắt đong gạo nếp đổ vào lá những chiếc lá dong đã được rửa sạch, trần nước sôi, để ráo. Vừa gói, bố mẹ, chú bác vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày xưa.

Mẹ nhắc tới bà ngoại không đủ tiền để có nồi bánh chưng cho các con, vì một mình bà ngoại phải chăm lo cho 5 người con. Ông ngoại tôi đi bộ đội rồi hy sinh khi dì út mới chưa đầy 1 tuồi.

Mẹ bảo, mẹ lấy bố tôi cũng cảnh nhà nghèo, nhưng bố mẹ nhất định lo cho chúng tôi được những cái Tết đủ đầy. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ vẫn vui và hạnh phúc.

Đến 5 giờ chiều, nồi bánh chưng đã được bắc lên bếp củi. Ngày trước, bánh chưng thường được đun bằng củi gộc tre. Những gốc củi chắc nhất được để dành để ninh bánh chưng.

Tôi vẫn nhớ kỷ niệm mấy anh em chúng tôi ngồi quanh nồi bánh chưng. Khoảng gần mười hai giờ luộc, bánh mới được vớt ra. Bố mẹ thường là người vớt bánh vì chúng tôi đã ngủ từ bao giờ. Để sáng ngủ dậy đã thấy hàng hàng bánh xếp vuông vắn trước hè nhà.

Cảm giác trông ngóng và hạnh phúc khi được thưởng thức chiếc bánh chưng đặc biệt mẹ gói riêng cho anh em chúng tôi thưởng thức đến tận bây giờ vẫn còn đọng lại.

Tết của lũ trẻ chúng tôi là như thế, nhưng chất chứa trong đó bao kỷ niệm, ký ức ngọt ngào không thể nào quên.

Dẫu bánh chưng Xuân này nhiều thịt, nhiều đậu thơm ngon, nhưng chúng tôi vẫn nhớ nồi bánh chưng mẹ nấu ngày nào.

Những chiếc bánh chưng mang nặng tình yêu thương của một đời tần tảo, chất chứa bao nhọc nhằn vất vả, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của cha mẹ.

Có lúc tôi thầm nghĩ, cuộc sống quá đủ đầy ngày hôm nay có lẽ chẳng còn mấy em thơ được biết đến cảm giác ấy.

Bánh chưng có thể mua được dễ dàng ngoài hàng, nhưng hương vị bánh chưng mẹ tôi gói vẫn thật đặc biệt./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/banh-chung-cua-me/112222.html