Bánh chưng cá hồi nửa triệu/cặp: Sao gọi là bánh chưng?

Việc dựa vào tên gọi của một loại bánh đã có tên gọi gắn liền với văn hóa, lịch sử để đặt tên cho sản phẩm của mình là không nên.

Bánh chưng nhân cá hồi với giá nửa triệu (580.000 đồng/cặp) một cặp đang gây "choáng" cộng đồng mạng. Bánh được giới thiệu làm từ gạo nếp, đỗ xanh, hạt tiêu và cá hồi Na Uy.

Bánh chưng nhân cá hồi được bán với giá 580.000 đồng/cặp. Ảnh: VNN

Bánh chưng nhân cá hồi được bán với giá 580.000 đồng/cặp. Ảnh: VNN

Trong khi cũng có nhiều người thấy tò mò thì nhà nghiên cứu Văn học Lại Nguyên Ân lại không đồng tình với tên gọi là bánh chưng, đồng thời ông cũng e ngại về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Ân nói rõ, những ý tưởng sáng tạo trong chế biến thức ăn, tạo ra các món ăn độc đáo, mới lạ với những mùi, vị, màu sắc hấp dẫn, ngon miệng là quyền tự do của mỗi cá nhân, mỗi người. Nếu đó là những sáng tạo hợp lý, được nhiều người đón nhận thì sáng tạo đó, sản phẩm đó sẽ tồn tại, ngược lại, nó sẽ tự biến mất theo thời gian.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Văn học Lại Nguyên Ân cũng lưu ý, sự sáng tạo phải gắn với những cái mới mẻ, riêng biệt không phải dựa trên sự biến tấu từ những sản phẩm mang tính truyền thống, đã có tên gọi gắn với lịch sử, truyền thuyết của dân tộc như bánh chưng.

"Vì sao người ta lại gọi là bánh chưng chứ không phải bánh tét, bánh bột lọc... hay một loại bánh nào khác? Đó là bởi vì tạo nên chiếc bánh chưng là gắn với các thành phần đặc trưng để làm ra nó gồm: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh phải được gói vuông vắn bằng lá dong, được luộc đủ 12 tiếng. Vì thế mới gọi là bánh chưng.

Tôi lấy ví dụ, có những loại bánh cũng làm từ các thành phần giống bánh chưng như: gạo, thịt, đậu xanh, lá dong nhưng không gói bánh hình vuông mà gói hình trụ tròn, hình dài cũng đã được gọi bằng các tên khác, ví dụ là bánh tét rồi.

Vì vậy, tôi vẫn cho rằng, bánh chưng phải là bánh có các thành phần truyền thống, nếu đã đưa các thành phần khác vào bánh, không phải những thành phần truyền thống như cá hồi, thì cần gọi nó với tên gọi của một loại bánh khác, không liên quan gì tới bánh chưng. Có thể gọi là bánh cá hồi, bánh gạo nếp cá hồi... hay bất kỳ một tên gọi nào để người tiêu dùng có thể cảm nhận và đón nhận được.

Việc dựa vào tên gọi của một loại bánh đã có tên gọi gắn liền với văn hóa, truyền thống, lịch sử của chúng ta để đặt tên cho sản phẩm của mình là không nên. Hơn nữa, việc này có thể còn vi phạm luật tác quyền, bởi đây là loại bánh có tên gọi mà gần như toàn bộ người dân Việt Nam đều có quyền tác quyền với tên gọi của loại bánh này", nhà văn Lại Nguyên Ân nêu quan điểm.

Nói thêm về giá trị của cặp bánh gần nửa triệu này, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng, do đời sống phát triển, nhu cầu hưởng thụ ẩm thực, hưởng thụ những món ăn "sang chảnh", đắt tiền là bình thường.

Theo nhà văn Nguyên Ân, tâm lý chung của con người là khi có được cái này sẽ muốn có thêm nhiều thứ khác, khi trong túi đã có nhiều tiền họ sẽ muốn có được nhiều hơn, dễ chiều chuộng những thứ người ta mong muốn hơn. Cũng giống thời trang, đồ hiệu, ăn uống cũng là một nhu cầu hưởng thụ và khi có nhiều tiền người ta thường hướng tới tìm kiếm những món ăn độc, lạ, quý hiếm, khác người. Đương nhiên, đi cùng với những thứ quý hiếm, độc, lạ sẽ là rất đắt tiền.

Chưa bàn chất lượng có ngon hay không, có bảo đảm vệ sinh hay không nhưng có lẽ chính từ tên gọi lạ là "bánh chưng cá hồi" nên nó mới có giá chót vót lên tới nửa triệu một cặp như vậy.

"Tức là ở đây họ đang chạy theo cái lạ, cái hiếm chứ chưa chắc đã là cái ngon, cái an toàn.

Tôi cho rằng, với mỗi sản phẩm làm ra bao gồm từ nguyên liệu, chất lượng đều phải hướng tới mục tiêu an toàn, tốt cho sức khỏe, tiết kiệm được nguyên liệu, nhiên liệu cho trời đất và con người, như vậy mới thật sự tốt.

Lâu nay, chúng ta nghe nhiều về công nghệ nuôi cá tầm, cá hồi với những vùng nước lạ có thể phải tiêu phí rất nhiều, thậm chí còn sử dụng cả hóa chất, tạp chất... như vậy có bảo đảm an toàn cho sức khỏe không? Đó là còn chưa nói tới nếu cá hồi đưa vào bánh chưng mà không giữ cẩn thận dễ bị ôi, thiu, có hại cho sức khỏe.

Theo tôi, cùng với việc có tiền, tiêu tiền, chơi sang thì cũng cần phải tính tới cả các yếu tố an toàn, bảo đảm cho sức khỏe nữa. Đặc biệt, chơi sang cũng phải gắn với các yếu tố đạo đức và trách nhiệm xã hội nữa...", nhà văn Nguyên Ân nói.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/banh-chung-ca-hoi-nua-trieucap-sao-goi-la-banh-chung-3394967/