Bangkok trước viễn cảnh bị nhấn chìm

Thủ đô Thái Lan có thể trở thành 'Venice của phương Đông' một cách không hề mong muốn khi gần 40% thành phố đối diện nguy cơ chìm trong nước.

Đường phố Bangkok biến thành sông trong trận lụt lịch sử năm 2011 - Ảnh: AFP

Thủ đô Bangkok của Thái Lan sẽ là nơi diễn ra vòng đàm phán sau cùng của đại diện 190 nước trước khi Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 12. Theo AFP, vòng đàm phán diễn ra từ ngày 4 - 9.9 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với số phận của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất đồng giữa các bên về thực thi mục tiêu giảm khí thải nhà kính.

Trong khi đó, Bangkok cũng chính là một trong những thành phố lớn ở Đông Nam Á đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng nước biển dâng và mưa lũ thất thường dưới tác động của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 40% diện tích Bangkok có thể bị ngập trong vòng 12 năm tới. Điều này càng đáng lo ngại khi thủ đô của Thái Lan được xây dựng trên vùng đầm lầy với cao độ chỉ khoảng 1,5 m so với mực nước biển. Ông Tara Buakamsri, Giám đốc Tổ chức Greenpeace Thái Lan, cảnh báo Bangkok đang lún trung bình 2 cm mỗi năm, dẫn đến nguy cơ ngập lụt trên diện rộng vì “phần lớn thành phố đã nằm dưới mực nước biển”. Trong khi đó, mực nước biển tại vịnh Thái Lan dâng thêm khoảng 4 mm mỗi năm. Vào mùa mưa năm 2011, Bangkok từng chịu đợt lụt nặng nhất trong nhiều thập niên, khi 1/5 diện tích bị ngập. Lũ lụt trong năm đó cũng khiến hơn 500 người thiệt mạng trên cả nước.

Mặt khác, tờ The Economic Times dẫn lời giới chuyên gia cho rằng bên cạnh biến đổi khí hậu, tình trạng đô thị hóa nhanh với hàng loạt tòa nhà chọc trời mọc lên cũng đe dọa nghiêm trọng đời sống người dân Bangkok. Chưa hết, những con kênh dọc ngang thành phố đã bị thay thế bởi mạng lưới đường sá và hệ thống tàu điện ngầm nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe. Ở phía nam, các trang trại nuôi tôm đang xóa sổ rừng ngập mặn chống bão ven biển khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Theo chuyên gia Suppakorn Chinvanno tại Đại học Chulalongkorn, ngày càng có nhiều cơn bão lớn trong khu vực. “Điều này có nghĩa là Bangkok sẽ bị 2 mặt giáp công, gồm lũ vào mùa mưa từ phía bắc đổ xuống và mực nước biển từ phía nam tràn lên”, ông cảnh báo.

Ông Narong Raungsri, Giám đốc Sở Tưới tiêu Bangkok, thừa nhận tình trạng yếu kém của hệ thống cống thoát nước trước tốc độ đô thị hóa. “Những khu vực trũng để chứa nước không còn nữa. Hệ thống đã quá tải và cần được sớm nâng cấp”, AFP dẫn lời ông nói. Hiện chính phủ đang xây hệ thống kênh đô thị dài 2.600 km cùng nhiều trạm bơm và 8 tuyến cống ngầm để thoát nước. Đại học Chulalongkorn năm ngoái cũng đứng ra xây dựng một công viên rộng 4,5 ha để thẩm thấu nước mưa rồi chuyển nước đến khu vực lân cận. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ. Ông Buakamsri khuyến nghị Thái Lan nên có chính sách rõ ràng hơn nữa trong quản lý đất đai, đồng thời cần bảo vệ và tạo thêm các mảng xanh vốn đang bị thu hẹp dần bởi những dự án bất động sản lớn của những nhà đầu tư vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả lâu dài.

Khánh An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/bangkok-truoc-vien-canh-bi-nhan-chim-999463.html