Bảng xếp hạng top 200 của ĐH Tôn Đức Thắng thực chất như thế nào?

Thời gian qua, ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) hai lần lọt vào danh sách xếp hạng của THE (Times Higher Education, Anh).

Mặc dù nhận định Việt Nam chưa có trường đại học nằm trong xếp hạng tổng thể đại học của THE, tổ chức này vẫn đưa ra danh sách một số trường ở Việt Nam mà sinh viên nên theo học. Đó là ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Duy Tân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trước đó, ĐH Tôn Đức Thắng cũng lọt vào top 101-200 trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2019, theo tiêu chí đánh giá về sự ảnh hưởng của các trường đại học đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến thắc mắc rằng bảng xếp hạng đại học có phải "khuôn vàng thước ngọc" đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học - hai yếu tố được xem là quan trọng nhất của cơ sở đại học - hay chỉ là "khái niệm tương đối", mang tính tham khảo, với những tiêu chí ngoài chuyên môn.

Bảng xếp hạng mới, trường chọn tiêu chí đăng ký

TS Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục, đánh giá THE là một trong những tổ chức xếp hạng uy tín nhất hiện nay trên thế giới. Kết quả xếp hạng của THE được nhiều chính phủ, nhà khoa học sử dụng trong các đánh giá của mình. Trong đó, World Universities Ranking là bảng xếp hạng đại học nổi tiếng và uy tín nhất của THE.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, THE Impact Rankings lại là bảng xếp hạng hoàn toàn mới của THE. 2019 là năm đầu tiên bảng xếp hạng này được áp dụng, dựa trên dữ liệu do các trường chủ động gửi. Cụ thể, 462 trường tham gia xếp hạng năm nay. ĐH Tôn Đức Thắng lọt top 101-200 trong 462 trường tham gia.

Bảng xếp hạng THE Impact Rankings hướng tới đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals: SDGs) theo chuẩn của Liên Hợp Quốc. Bảng xếp hạng này gồm 11 tiêu chí SDGs (trong tổng số 17 SDGs theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc).

Trong đó, một tiêu chí bắt buộc là quan hệ đối tác toàn cầu (Partnership for the Goals). Còn lại, THE sẽ lấy 3 tiêu chí có mức điểm cao nhất của các trường để tính điểm trung bình và xếp hạng. Thế nhưng, cách THE tính điểm từng tiêu chí như thế nào lại chưa được công khai.

Vì là năm đầu tiên xếp hạng này được áp dụng, không phải trường nào cũng gửi đầy đủ dữ liệu 11 tiêu chí để THE đánh giá. Điểm số cuối cùng của trường đại học trong bảng xếp hạng tổng thể được tính bằng cách kết hợp điểm số của tiêu chí SDGs 17 (Quan hệ đối tác toàn cầu) với ba tiêu chí có điểm số cao nhất trong số 10 tiêu chí còn lại.

Tiêu chí SDGs 17 chiếm 22%, mỗi tiêu chí khác chiếm 26% trong tổng điểm cuối cùng. Điều này có nghĩa các trường đại học khác nhau được tính điểm dựa trên một nhóm tiêu chí khác nhau, tùy thuộc trọng tâm của họ.

Điểm số các tiêu chí SDG 11, 13, 4, và 17 của ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: Chụp màn hình.

Điểm số các tiêu chí SDG 11, 13, 4, và 17 của ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: Chụp màn hình.

Với cách xếp hạng này, thứ hạng giữa các trường không thực sự đồng đẳng vì ngoài một tiêu chí bắt buộc, mỗi ứng viên được chọn những tiêu chí khác nhau, miễn có điểm cao nhất.

Cụ thể, ngoài tiêu chí quan hệ đối tác toàn cầu (72,8 điểm), 3 tiêu chí khác được tính điểm của ĐH Tôn Đức Thắng là chất lượng giáo dục (48,1-58,3 điểm), thành phố và cộng đồng bền vững (67,5 điểm), bảo vệ khí hậu (63,9 điểm). Với tổng số điểm của 4 tiêu chí từ 64,6-75,6, ĐH Tôn Đức Thắng được xếp hạng từ 101-200 trong 462 trường tham gia xếp hạng.

"Thông tin ĐH Tôn Đức Thắng đưa về kết quả xếp hạng của mình có chút nhầm lẫn. Như 48,1-58,3 là điểm của tiêu chí 'chất lượng giáo dục' chứ không phải thứ hạng của ĐH Tôn Đức Thắng về tiêu chí đó. Tương tự, 3 tiêu chí còn lại cũng vậy", TS Hiệp giải thích.

Chuyên gia giáo dục trên cho rằng sẽ là nhầm lẫn nếu không phân biệt bảng xếp hạng này với bảng xếp hạng World Universities Ranking truyền thống của THE. Nhìn những tiêu chí xếp hạng của THE Impact Rankings, có thể hiểu họ đánh giá các yếu tố góp phần vào phát triển bền vững và môi trường của một trường đại học.

"Bảng xếp hạng này không tính các yếu tố liên quan học thuật. Top 100 trường tốt nhất là tốt nhất trong 400 trường tham gia xếp hạng, chứ không phải của toàn thế giới. Có thể năm sau, khi số lượng trường tham gia đủ lớn, thứ hạng này sẽ có sự thay đổi đáng kể", ông Hiệp giải thích.

Ông cũng nói dù đây là bảng xếp hạng mới, còn nhiều điều chưa đầy đủ, đặc biệt không phải phản ánh chất lượng dạy và học, nghiên cứu, cũng mừng cho một đại học của Việt Nam được THE đưa vào danh sách.

Thông tin ĐH Tôn Đức Thắng công bố về kết quả xếp hạng từng tiêu chí của mình có sự nhầm lẫn.

Xếp hạng cao có đồng nghĩa chất lượng đào tạo tốt?

Đánh giá về mức độ tin cậy và uy tín của bảng xếp hạng THE University Impact Rankings, cũng như những bảng xếp hạng đại học khác trên thế giới, ông Phạm Ngọc Duy, tiến sĩ về Đo lường và Tâm trắc học trong giáo dục, ĐH Massachusetts Amherst (Mỹ), cho rằng kết quả của mọi bảng xếp hạng đều có giá trị rất hạn chế.

"Hiệu quả hoạt động và thực tế vận hành của một trường đại học theo đúng nghĩa phức tạp hơn nhiều so với những gì mà kết quả của các bảng xếp hạng có thể phản ánh. Một trường có thể nhiều hoạt động nghiên cứu hiệu quả, nhưng chất lượng đào tạo ở bậc đại học có thể không quá cao và ngược lại", ông Duy nói.

Do đó, ông khuyên người học và xã hội không nên nhìn vào kết quả của một, hoặc thậm chí một vài bảng xếp hạng đại học, để đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo của trường.

Các trường có xu hướng đầu tư để đạt thứ hạng cao ở các bảng xếp hạng hoặc gắn sao cho đại học, thường vì mục đích xây dựng thương hiệu và tuyển sinh

TS Phạm Ngọc Duy

"Theo quan sát của tôi, rất nhiều đại học có tên tuổi và lịch sử lâu đời không tham gia bảng xếp hạng trên. Do vậy, tính đại diện của mẫu hơn 400 trường là một vấn đề. Nhiều khả năng, mẫu nhỏ sẽ không có tính đại diện.

Do vậy, kết quả trong top 101-200 cũng không có nhiều ý nghĩa. Nếu số lượng tham gia là 10.000 trường, một trường trong thứ hạng 101-200 cho lần xếp hạng này có thể ở hạng 5.001-6.000 trường hoặc bất cứ đoạn thứ hạng nào khác cho lần xếp hạng sau", ông Duy phân tích.

Ngoài ra, ông Duy cho rằng một số thông tin sử dụng cho bảng xếp hạng này được cung cấp từ các trường tham gia. Tính chính xác và thiên lệch của thông tin sẽ là vấn đề và có thể ảnh hưởng kết quả xếp hạng.

Ở khía cạnh khác, có chuyên gia cho rằng các bảng xếp hạng đang bị thương mại hóa, đẩy đi xa với mục đích ban đầu của nó. Do đó, việc xếp hạng không mang nhiều ý nghĩa.

Theo TS Phạm Hiệp, các bảng xếp hạng đều có yếu tố thương mại, tuy nhiên không thể nói vì thế mà phủ nhận hoàn toàn tính giá trị.

"Các tổ chức xếp hạng uy tín như QS hay THE đều độc lập và tất nhiên họ phải tự tạo ra nguồn thu cho mình bằng cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua việc làm, ấn phẩm của họ. Cốt lõi là họ có giữ được sự độc lập của mình hay không và chất lượng xếp hạng của họ tới đâu. Chúng ta nên nhìn vào điều đó để đánh giá, không thể nói vì họ thương mại nên họ không đáng tin. Nói vậy thì tất cả công ty kiểm toán trên thế giới đều không đáng tin cả", ông Hiệp nhấn mạnh.

ĐH Tôn Đức Thắng được đánh gia có sơ sở vật chất tốt. Tuy nhiên, việc lọt vào top 101-200 trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2019 không đồng nghĩa với xếp hạng về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa hoc. Ảnh: Lê Quân.

"Chiêu" phục vụ truyền thông, tuyển sinh?

Dù còn nhiều quan điểm khác nhau về ý nghĩa của việc xếp hạng và giá trị của các bảng xếp hạng trên thế giới, nhiều chuyên gia giáo dục đều đồng ý rằng hiện tại, các trường đại học Việt Nam không nên tham gia quá nhiều bảng xếp hạng.

Nếu được tư vấn cho các trường trong việc tham gia xếp hạng, TS Phạm Hiệp cho rằng các trường nên xem bảng xếp hạng như là công cụ để nâng cao chất lượng đào tạo.

"Tất nhiên, yếu tố xếp hạng sẽ mang ý nghĩa marketing, vừa là thước đo cho chất lượng của các trường. Các trường nên coi đây là công cụ để nâng cao chất lượng hơn là công cụ truyền thông. Tham gia xếp hạng, các trường sẽ đối sánh được mình với 'đồng nghiệp' trên thế giới, là điều rất tốt. Tốt hơn là không làm gì và không đối sánh với ai cả nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa kết quả xếp hạng", ông Hiệp nêu quan điểm.

Ông nói thêm tham gia xếp hạng với các trường đại học trên thế giới là điều tốt nhưng đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Với điều kiện có hạn của các trường đại học Việt Nam hiện nay, việc tham gia quá nhiều bảng xếp hạng vừa không mang lại giá trị, vừa mất thời gian, công sức, nhân lực.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Duy cũng cho rằng các trường đại học Việt Nam nên tập trung nhiệm vụ cốt lõi là đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ xã hội của mình. Kết quả xếp hạng nên được xem là thông tin để tham khảo trong rất nhiều thông tin khác.

"Nếu chỉ tập trung để đạt thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng mà quên đi việc thực hiện trọng trách chính của trường, sẽ dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững và thiếu hiệu quả. Theo tôi, các trường có xu hướng đầu tư để đạt thứ hạng cao ở các bảng xếp hạng hoặc gắn sao cho đại học, thường vì mục đích xây dựng thương hiệu và tuyển sinh", ông Duy chia sẻ.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó và không quan tâm sâu sát tới chất lượng đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ xã hội, sau khi tuyển được sinh viên vào học hoặc cán bộ giảng dạy, họ sẽ không hài lòng về chất lượng. Khi đó, kết quả xếp hạng sẽ không có ý nghĩa.

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bang-xep-hang-top-200-cua-dh-ton-duc-thang-thuc-chat-nhu-the-nao-post935096.html