Bảng xếp hạng lẫy lừng của US News đang chết?

Những bất cập trong xếp hạng của US News & World Report khiến nhiều đại học ở Mỹ quay lưng.

Tuần trước, trường Luật Yale ra thông báo sẽ rút khỏi bảng xếp hạng của US News & World Report công bố hàng năm. Quyết định này của trường đã gây ra làn sóng chấn động trong ngành luật nói riêng và giáo dục đại học nói chung.

Các trường luật thuộc Đại học Harvard, Đại học California, Berkeley, Đại học Stanford, Đại học Michigan... cũng nhanh chóng hưởng ứng điều này, tạo ra một làn sóng tẩy chay trên toàn nước Mỹ.

Ông Colin Diver, nguyên Hiệu trưởng Reed College, đặt câu hỏi trên The New York Times rằng liệu làn sóng tẩy chay này có phải là dấu chấm hết của xếp hạng đại học do US xây dựng.

 Ông Colin Diver nêu những vấn đề trong xếp hạng của US News. Ảnh: Reed Magazine.

Ông Colin Diver nêu những vấn đề trong xếp hạng của US News. Ảnh: Reed Magazine.

Bất cập trong cách thức xếp hạng

Theo ông Colin Diver, bảng xếp hạng đại học của US News dựa trên nhiều thước đo "tính chọn lọc của thí sinh", ví dụ như điểm bài thi chuẩn hóa đầu vào, tỷ lệ chấp nhận của trường.

Tổ chức này đã khuyến khích các văn phòng tuyển sinh quan tâm nhiều hơn đến điểm thi, mở rộng các chương trình để đặt ra những quyết định có tính ràng buộc và tăng phần hỗ trợ tài chính thay vì dựa trên nhu cầu của thí sinh. Nguyên Hiệu trưởng Reed College nhận định những hoạt động này thường ưu tiên những thí sinh giàu có.

Thước đo được US News sử dụng như tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ thành công sau tốt nghiệp, cũng đang khuyến khích trường đại học chỉ chọn những thí sinh đã được "lập trình" sẵn để thành công.

Nhiều trường muốn khuyến khích sinh viên theo đuổi sự nghiệp dịch vụ công, nhưng nếu khuyến khích sinh viên làm như vậy, trường sẽ mất điểm và tụt hạng trong những lần đánh giá hàng năm của US News.

Một vấn đề khác là bảng xếp hạng đang đánh đồng chất lượng học tập với sự giàu có của tổ chức (được đo lường bằng nguồn lực tài chính của sinh viên, lương cho giảng viên...).

Chính điều đó đang khuyến khích nhà trường ưu ái cho những sinh viên đóng học phí đầy đủ, không trả góp, hoặc ưu ái cho thí sinh là con em của nhà tài trợ giàu có. Động thái này thúc đẩy chi tiêu và tạo ra cuộc chạy đua trong việc gây quỹ, tài trợ - những điều vốn ảnh hưởng đến giáo dục đại học.

Ngoài ra, việc US News đánh giá cao những trường có tỷ lệ sinh viên vay nợ thấp cũng gây phản tác dụng. Các trường dựa vào yếu tố này và bắt đầu có xu hướng chỉ nhận những người giàu có, không cần vay nợ. Khi đó, thí sinh khó khăn, thu nhập thấp sẽ mất đi cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Sau nhiều năm lo ngại bất lợi, các trường đại học bắt đầu rút khỏi xếp hạng của US News. Ảnh: Hiroko Masuike.

Trường đại học quay lưng

Kể từ khi ra đời vào năm 1938, xếp hạng đại học của US News đã tạo ra một cuộc tranh đấu khổng lồ. Tổ chức này nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ các nhà báo, hiệu trưởng đại học và Bộ Giáo dục Mỹ.

Cụ thể, họ cho rằng phương pháp luận của xếp hạng đã bỏ qua những đặc trưng riêng của từng trường, khiến nhà trường phải từ bỏ những ưu tiên và một số nguyên tắc để chạy theo xu hướng xếp hạng, với mong muốn được "leo top" trong xếp hạng của US News.

Nhiều minh chứng tố cáo hệ thống tính điểm của US News dựa trên những dữ liệu thiếu xác thực và có thể gian lận. Việc Đại học Columbia bị tố khống dữ liệu để giành vị trí số 2 trong xếp hạng đại học Mỹ năm 2022 là một minh chứng cho lời tố cáo này. Tuy nhiên, US News lên tiếng bác bỏ.

Hầu hết nhà giáo dục chuyên nghiệp đều coi thường xếp hạng của US News, nhưng chỉ vài trường gần đây mới dám rút khỏi danh sách tham gia. Lý do là nếu rút lui, trường sẽ bị US News "trừng phạt" bằng cách giảm thứ hạng.

Ông Colin Diver cho biết Reed College từng là một nạn nhân của sự trừng phạt này. Năm 1995, khi Reed College thông báo rút khỏi xếp hạng của US News, thứ hạng của trường đã giảm mạnh xuống top dưới của danh sách. Dù rớt hạng, Reed College vẫn giữ vững lập trường của mình.

Tương tự, Đại học Columbia sau lần bị tố khống dữ liệu đã không gửi dữ liệu mới cho đợt xếp hạng mới nhất của US News. Kết quả, trường này bị đẩy từ hạng 2 xuống hạng 18. Hai sinh viên đã nộp đơn kiện trường, nói rằng thứ hạng của trường đã "lừa" họ nhập học.

Tuy nhiên, US News rất khó để "trừng phạt" những trường luật danh tiếng như trường Luật Harvard, trường Luật Yale hay trường Luật St. John. Những trường này đang ở đỉnh cao về độ uy tín, sự giàu có và tầm ảnh hưởng trong ngành giáo dục.

Ông Diver tin rằng khi các trường đại học rút dần khỏi xếp hạng của US News, họ sẽ tự tạo ra những tiêu chí đánh giá cho riêng mình. Nói cách khác, các trường sẽ phải tự khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu để khẳng định vị thế của trường, thay vì dựa vào những tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức xếp hạng.

Qua đó, các nhà giáo dục sẽ thoát khỏi vòng vây của US News, được giải phóng để theo đuổi các sứ mệnh giáo dục do trường đặt ra. Khi không có những tiêu chuẩn, những trọng số đánh giá, nhà trường sẽ ưu tiên sinh viên, tập trung đến những điều sinh viên có được để chuẩn bị cho các em nền tảng vững chắc nhất khi tốt nghiệp.

"Nói tóm lại, các trường đại học sẽ được trở về với sứ mệnh ban đầu là một công cụ để dịch chuyển xã hội và phục vụ lợi ích cộng đồng", ông Diver nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bang-xep-hang-lay-lung-cua-us-news-dang-chet-post1378351.html