Bảng xếp hạng các trường ĐH còn tồn tại những hạn chế nào?

Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện bảng xếp hạng các đại học (ĐH) do nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam công bố chiều 6/9. Ngay sau khi công bố, dư luận đang tỏ ra nghi vấn và có nhiều ý kiến tranh cãi về bảng xếp hạng này.

Nhất là khi một số trường trước đây được coi là có tiếng thì lại chỉ ở vị trí trung bình trong bảng xếp hạng trong khi có những trường ít được biết đến lại nằm ở top trên. Nhiều người cho rằng, nhóm nghiên cứu chỉ có vài người và chưa đủ tin cậy để đứng ra làm bảng xếp hạng.

Điều quan trọng là các số liệu liên quan đến các tiêu chí mà nhóm xếp hạng sử dụng có thực sự đáng tin cậy? Hơn nữa sau khi nghiên cứu cũng cần có hội đồng phản biện giống như khi nghiên cứu khoa học trước khi công bố với xã hội. Vậy kết quả của bảng xếp hạng có độ tin cậy là bao nhiêu?

Liên quan đến vấn đề này, GS. Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Chúng ta cần phải hiểu rõ hai khái niệm phân tầng và xếp hạng giáo dục. Phân tầng là phân theo sứ mệnh, chức năng cũng như nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.

Điều đó nhằm mục đích phụ vụ giáo dục tốt cho kinh tế xã hội và đây là việc của Nhà nước. Còn xếp hạng là dựa vào uy tín của xã hội và nên là các tổ chức độc lập làm việc này để đảm bảo tính khách quan.

Tiêu chí đưa ra sẽ quyết định chất lượng của bảng xếp hạng và trong việc này các trường có thể đồng ý hoặc từ chối tham gia bảng xếp hạng. Có thể thấy, một cơ sở giáo dục ĐH có 3 chức năng chính là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ nhu cầu của xã hội. Xếp hạng ĐH cần căn cứ vào tiêu chí đào tạo và nghiên cứu”.

Theo các chuyên gia, bảng xếp hạng ĐH vừa công bố còn tồn tại một số hạn chế

Cũng liên quan đến vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho hay: “Xếp hạng ĐH là việc làm cần thiết để sinh viên có cơ sở lựa chọn cơ sở giáo dục cho mình.

Ở các nước phát triển, bảng xếp hạng thường được công bố trước mùa tuyển sinh để thí sinh có thời gian suy nghĩ và quyết định xem nên học trường nào. Từ trước đến nay các trường ĐH Việt Nam chưa từng có bảng xếp hạng nào nên việc lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng có thể coi là một nguồn tham khảo tốt cho sinh viên và các trường.

Những tiêu chí mà nhóm nghiên cứu sử dụng để xếp hạng các trường là nghiên cứu khoa học và đào tạo, dựa trên quy mô, số lượng và năng suất cũng là tiêu chí mà nhiều tổ chức quốc tế hướng đến. Tuy nhiên, nhóm cũng cần chú ý đến tiêu chí về chất lượng đầu vào cũng như đầu ra vì tôi nghĩ nó cũng quyết định chất lượng của cơ sở đào tạo.

Với hai tiêu chí này, ngoài dữ liệu do chính các trường cung cấp thì cần phải lấy thêm ý kiến từ phía các nhà tuyển dụng. Thêm được hai tiêu chí đó kết quả xếp hạng chắc chắn sẽ rất thuyết phục.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng hco biết thêm: “Ở Việt Nam việc quản trị ĐH vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Vì thế, rất cần có một bảng xếp hạng với những tiêu chí phong phú và phản ánh đúng đặc trưng cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đang xây dựng bảng xếp hạng cho các ĐH thành viên. Trong đó tiêu chí là giống nhau nhưng chỉ số cụ thể đối với từng ngành như KHTN, KHXH&VN và kinh tế là khác nhau”.

Còn TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, thông tin về bảng xếp hạng 49 trường ĐH cũng chỉ có ý nghĩa tham khảo. Bởi lẽ, nhóm chuyên gia thực hiện việc xếp hạng này chưa phải là tổ chức uy tín nên nhiều người không thừa nhận kết quả đó.

Ngoài ra, bảng xếp hạng vẫn tồn tại một số hạn chế: Chưa phù hợp với việc phân tầng cả các trường cùng loại với nhau như khối trường có định hướng kinh tế, nghiên cứu hay ứng dụng.

Dựa vào nguồn dữ liệu nào để có kết quả xếp hạng đó?  Với bảng xếp hạng này, những người tỉnh táo sẽ thừa biết giá trị của nó còn lại có thể gây hiểu sai lệch vấn đề. Để khách quan và có độ tin cậy cao hơn, nhóm nên tập hợp nhiều nhà nghiên cứu có hiểu biết về giáo dục ĐH và đặc biệt là phải có uy tín”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bang-xep-hang-cac-truong-dh-con-ton-tai-nhung-han-che-nao-post236397.info