Băng rừng vượt núi lên biên giới giúp dân

Những ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã vượt núi băng rừng, kịp thời có mặt tại các bản làng vùng cao xa xôi, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia tiếp tế lương thực, thực phẩm, xử lý nguồn nước sinh hoạt, khám bệnh, cấp thuốc, đồng thời hỗ trợ đồng bào khẩn trương tu sửa nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống sau bão số 5. Bên những mái nhà sàn đơn sơ, nghèo khó, tình cảm quân dân càng thêm bền chặt.

Kể về hành trình vượt lũ lên với hàng nghìn hộ dân người dân tộc Cơ Tu ở vùng cao, Thiếu tá Nguyễn Viết Bình, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Tây Giang, nói với chúng tôi: “Bão tan, Ban CHQS huyện lập tức cử 4 tổ công tác lên đường tham gia giúp dân tại các xã nằm trên tuyến biên giới giáp nước bạn Lào là: A Xan, Ch'ơm, Ga Ri, Tr'Hy bị thiệt hại rất nặng bởi bão lũ. Tuy các xã nằm cách trung tâm huyện chỉ 40-80km nhưng do đường đèo dốc quanh co, sạt lở, trơn trượt, lại có mây mù nên mất hơn nửa ngày chúng tôi mới lên đến nơi. Gian khổ, vất vả, hiểm nguy nhất là tổ công tác tăng cường cho xã Ga Ri, bởi đây là địa phương xa nhất, giao thông đi lại rất khó khăn, có nhiều đoạn, bộ đội, dân quân phải khiêng xe, cõng hàng để vượt qua. Chuyến này, ngoài lương thực, thực phẩm, quân tư trang cá nhân, chúng tôi còn mang theo rất nhiều thuốc men, đèn pin, nhu yếu phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân”.

 Bộ đội, dân quân tham gia giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5.

Bộ đội, dân quân tham gia giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5.

Đặt chân tới A Xan khi trời đã xế chiều, chẳng kịp nghỉ ngơi, bộ đội nhanh chóng ra đồng hỗ trợ bà con gặt lúa. Nhìn lúa trên những thửa ruộng bậc thang của người dân Tây Giang bị gió bão làm cho ngả nghiêng, xơ xác, ai cũng thấy xót xa, bùi ngùi. Đồng chí Hối A Nhô, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã A Xan, cho biết: “Trước khi bão đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, chúng tôi cùng các lực lượng chức năng tỏa xuống từng thôn kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, kịp thời sơ tán những gia đình sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Bão tan, nước rút, chúng tôi lại kịp thời có mặt, động viên, hỗ trợ bà con, nhất là những hộ gia đình già cả, neo đơn”.

Dẫn chúng tôi ra thăm con suối Ca Ol đục ngầu, chảy xiết, ông Ta Ngôn Thiếu, Chủ tịch UBND xã A Xan, buồn bã cho biết: “Trong đêm tối, nước lũ cuốn trôi và làm hư hỏng hoàn toàn 12 chiếc cầu treo dân sinh khiến việc đi lại của người dân trong xã hiện tại rất khó khăn. Các trường học của xã cũng bị bùn đất bồi lấp đến ngang người. Toàn xã có 55ha lúa vụ hè-thu, 17ha cây dược liệu, 50ha cây ăn trái, 7ha cây lâu năm, 6ha hoa màu, 14 con bò, 2 con trâu cùng hàng trăm gia súc, gia cầm và nhiều tài sản giá trị khác của người dân bị nước lũ cuốn trôi. Tuyến giao thông huyết mạch ĐH4, ĐT606 chạy qua địa bàn xã bị sạt lở tại 86 điểm, với khối lượng đất đá ước tính hơn 43.000m3; thiệt hại khoảng hơn 40 tỷ đồng. Trước mắt, chúng tôi đang phối hợp với bộ đội, dân quân tổng dọn vệ sinh các cơ quan, công sở, bệnh xá, trường học để trẻ em sớm trở lại trường, giúp người lớn yên tâm sản xuất, sửa chữa, củng cố nhà cửa, ruộng vườn”.

Nhà cũng bị thiệt hại khá nặng bởi lũ dữ, song gần một tuần nay, ngày nào anh Choog Nheo Ganil, Xã đội phó và các chiến sĩ dân quân Ban CHQS xã A Xan cũng có mặt từ rất sớm hỗ trợ các thầy, cô giáo Trường THCS Lý Tự Trọng, Trường THPT Võ Chí Công và Trường Phổ thông dân tộc bán trú dọn vệ sinh, sửa sang phòng ốc, bàn ghế. Trao đổi với chúng tôi, anh Choog Nheo Ganil cho biết: “Mưa lũ khiến hệ thống ống dẫn nước của các trường bị hư hỏng toàn bộ. Chúng tôi phải cọ rửa, tận dụng từng đoạn ống cũ để đấu nối, khắc phục sự cố, tiết kiệm tối đa chi phí mua mới. Nhờ có nước sạch, việc vệ sinh trường lớp, bàn ghế cũng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Chỉ ít ngày nữa, bọn trẻ sẽ được trở lại trường”.

Trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia giúp dân tại xã Tr'Hy, Trung tá Đinh Văn Tiến, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Tây Giang, cho biết: “Những ngày qua, chúng tôi tập trung tối đa lực lượng tham gia khắc phục, sửa chữa hệ thống điện, nước, các cây cầu treo, bệnh xá, trường học và hỗ trợ bà con thu hái mùa màng, tổng dọn vệ sinh nhà cửa, vườn tược. Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh sau mưa lũ, ngoài việc khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe cho người dân, đơn vị còn tham gia xử lý, làm sạch gần 30 giếng khơi tại các điểm dân cư tập trung, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi, ngủ màn, không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn. Những hộ gia đình khó khăn, bị thiệt hại nặng bởi mưa lũ đều được chúng tôi thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời”.

Chỉ vào những vệt nước mờ mờ in trên khung cửa sổ, anh Pơ Loong Nhia (thôn Ariing, xã A Xan) bàng hoàng kể lại: “Đêm hôm ấy, khi mọi người đang ngon giấc thì lũ từ thượng nguồn bất chợt đổ về, chỉ một chốc đã cao ngang ống chân. Tôi giục vợ con khẩn trương kê giường, dựng phản, thu dọn ti vi, áo quần, thóc lúa, còn mình tranh thủ lùa bò, dê, ôm gà, vịt chạy lên đỉnh đồi sau nhà tránh lũ. Nước lũ mỗi lúc một cao hơn, chẳng mấy chốc, cả thôn Ariing đã bị ngập sâu. Hơn 40 năm nay, chưa khi nào tôi chứng kiến một trận lũ kinh hoàng đến vậy. May nhờ có các anh bộ đội, dân quân đến hỗ trợ dọn dẹp và gặt lúa, chỉ một thời gian ngắn, cuộc sống của gia đình tôi đã trở lại bình thường”.

Đêm ở vùng cao, trong những ngôi nhà sàn vừa được sửa sang sau bão, đám trẻ con tíu tít vây quanh các cán bộ, chiến sĩ, dân quân đòi dạy múa, dạy hát và làm đèn ông sao để đón Trung thu. Quân dân chung sức đồng lòng, khó khăn rồi cũng qua đi, cuộc sống yên bình của những người dân hiền lành, chất phác ở Tây Giang sẽ sớm trở lại bình thường.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/bang-rung-vuot-nui-len-bien-gioi-giup-dan-636205