Băng rừng, lội suối mang cái chữ đến với các trẻ em vùng cao

Với công việc 'gieo chữ' đầy gian nan tại một xã xa xôi nhất của tỉnh Gia Lai, các thầy cô nơi đây thật đáng được ghi nhận gấp bội phần.

Theo chân các thầy cô giáo, Từ 5h sáng các thầy cô giáo Trường PTDT Bán trú tiểu học và THCS Krong (xã Krong, Kbang, Gia Lai) đã phải “trèo đèo, băng rừng” vào vùng lõi vườn quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh để vận động học sinh đến trường, ước mong thế hệ ngày mai sẽ làm thay đổi cho chính quê hương của các em.

Vì địa bàn là rừng, núi cao nên các thầy cô đến tận nhà để cõng các em đến lớp.

Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Krong (xã Krong, Kbang) là trường khó khăn nhất huyện Kbang. Đa số các học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số người Bana lại ở trong rừng sâu nên ngày ngày các thầy cô đều phải trèo đèo, băng vào rừng sâu để dẫn các em đến lớp. Nhờ vậy tỉ lệ duy trì sĩ số của trường lên đến gần 90%.

Vừa cõng các em, các thầy cô còn huấn luyện và chỉ bảo các em cách vượt qua đường lầy lội và dốc để đến trường an toàn.

Khi vận động được các em đến trường, các thầy cô lại thêm nỗi lo về chi phí sinh hoạt ăn ở cho các em. Với điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất nên nhà trường Krong phải nhường cả phòng hội đồng cho các em học.

Tuy thời tiết này đang rất lạnh nhưng các em học sinh vẫn chân trần và mặc những chiếc áo không được lành lặn đến lớp.

Vừa dạy học, vừa vào tận bản xã vận động gia đình các em học sinh cho con đi học, vừa tạo niềm vui và gieo vào lòng các em sự học là quan trọng biết nhường nào

Rất nhiều thầy, cô có quê hương ở các tỉnh ngoài Bắc, như: Cao Bằng, Lạng Sơn hay Thanh Hóa, Nghệ An cũng vào bám trụ với làng với bản ở đây.

Vượt qua khó khăn các thầy cô luôn coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình, trường ở đây được coi là ngôi nhà thứ hai và học sinh được các thầy cô yêu mến như con của mình.

Con đường đến trường với học sinh nơi đây là cả một khó khăn, thách thức, nhưng có sự sẻ chia của các thầy cô giáo thì các em đã đến trường đầy đủ và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Ngoài việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, các thầy cô nơi đây cũng luôn định hướng cho các em con đường học tập để mai này giúp cho bản làng phát triển hơn, no ấm hơn.

Ý thức được việc này nên các em học sinh nơi đây dù mưa gió, dù khó khăn vẫn hàng ngày đến trường trong niềm vui.

Chặng đường gian nan đưa các em đến với từng con chữ.

Không chỉ vào tận bản làng để vận động các em học sinh đi học mà các thầy cô còn tuyên truyền cả những chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, người dân nên định canh, định cư, giữ đất để sản xuất nông nghiệp. Trồng các cây dài ngày có giá trị kinh tế cao để ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính mảnh đất này.

Các thầy cô còn phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền đến người dân không nên phá rừng, không nên sinh con nhiều để ổn định cuộc sống cho gia đình và xã hội.

Quãng đường đưa các em học sinh đến lớp gập ghềnh và nguy hiểm.

Đến trường các em học được tính tự lập về công việc, về học tập, học được sức mạnh của tập thể và biết cách vệ sinh nơi sinh hoạt.

Từ những ngày đầu vận động các phụ huynh, các học sinh thân yêu, và thành quả là các em đi học đầy đủ, đến trường là niềm vui là một nhu cầu không thể thiếu của các em học sinh nơi đây.

Dưới sân trường các em đang cùng nhau sinh hoạt ngoại khóa.

Ngọc Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/bang-rung-loi-suoi-mang-cai-chu-den-voi-cac-tre-em-vung-cao-d57787.html