Băng phát sáng giúp theo dõi chức năng mô ghép

Việc giữ cho mô cấy ghép hoạt động giống như mô gốc là một quá trình nhiều thử thách, nhất là phải theo dõi mức độ hấp thụ ôxy của mô ghép. Các bác sĩ thường sử dụng máy đo nồng độ ôxy để theo dõi, nhưng hạn chế của thiết bị này là cồng kềnh, nhiều dây dẫn và bệnh nhân phải ở yên một chỗ. Để khắc phục những bất tiện đó, các nhà khoa học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã sáng chế một loại băng dạng lỏng dùng phủ lên mô ghép để đo nồng độ khí ôxy bên trong.

Theo nhóm sáng chế, loại băng này được làm bằng vật liệu phát quang có thể phát sáng thành nhiều màu sắc từ đỏ đến xanh lục khi tiếp xúc với một số chất kích thích. Trong thử nghiệm tiến hành trên 5 phụ nữ vừa trải qua ca phẫu thuật tái tạo ngực, các chuyên gia đã “sơn” băng phát sáng lên 7 mô ghép - bao gồm da, mỡ, động mạch và mạch máu - với kích thước 1x1cm. Sau đó họ sử dụng một máy ảnh có đèn flash nhằm kích thích vật liệu phát quang, để lớp băng phát ra ánh sáng tương ứng với lượng ôxy có trong mô ghép. Các nhà nghiên cứu cũng dùng thiết bị đo nồng độ ôxy đối với các mô ghép nhằm so sánh hiệu quả. Sau 48 tiếng theo dõi hậu phẫu, các chuyên gia nhận thấy kết quả thu được từ gel phát sáng phủ lên các mô ghép cũng tương ứng với kết quả của máy đo ôxy.

Từ thành công bước đầu này, nhóm nghiên cứu tin tưởng băng cảm ứng ôxy sẽ giúp cải thiện tỷ lệ thành công của việc cấy ghép mô, ghép da cho vết bỏng và cải thiện quá trình chữa lành vết thương.

HUY MINH (Theo New Atlas)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bang-phat-sang-giup-theo-doi-chuc-nang-mo-ghep-a128756.html