Bằng lái xe tại nước ngoài được cấp khác Việt Nam thế nào?

Việc cấp giấy phép lái xe ở mỗi quốc gia đều có quy chế, cách thức khác nhau. Nhiều nước nới lỏng trong vấn đề này như Hàn Quốc hay được hưởng nhiều đặc quyền như Anh, thì tại Nhật Bản và Trung Quốc quy trình khá phức tạp.

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về dự thảo thay đổi các hạng giấy phép lái xe (GPLX) do Bộ Công an đề xuất. Trên thế giới, vấn đề cấp GPLX và cách thức đổi bên cạnh một số quốc gia được nới lỏng thì vẫn khó khăn ở nhiều nước.

GPLX ở các nước trên thế giới được cấp thế nào?

GPLX ở Anh cũng là một dạng giấy tờ tùy thân, hay còn có thể thay thế CMND. Đây là một thẻ chip được thiết kế để chống làm giả, trên đó lưu cả thông tin cá nhân của chủ thẻ (trên chip). Địa chỉ nơi ở chủ chủ sở hữu (cùng với ảnh, ngày sinh, loại bằng lái, ngày cấp,..) được in trực tiếp trên bằng lái, nên cũng được dùng như một giấy tờ xác định địa chỉ.

Bằng lái xe tại ANh được xem là bằng lái xe “powerful” nhất thế giới.

Người được phép thi lấy bằng lái xe ở Anh phải đáp ứng nhu cầu từ 17 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, người đó phải cư trú ở Anh hợp pháp với thời hạn cho phép tối thiểu 180 ngày (6 tháng). Đối với sinh viên quốc tế, lao động quốc tế,.. ở Anh với visa loại cư trú tối thiểu 6 tháng có thể được phép đăng ký thi lấy bằng lái xe.

Bằng lái xe của Anh có thời hạn 10 năm, được phép dùng để lái xe ở 97 quốc gia và vùng lãnh thổ (không cần đổi bằng lái hoặc thi sát hạch). Bằng này được xem là bằng lái xe “powerful” nhất thế giới. Nếu sở hữu bằng lái xe của Anh, bạn không những tiện lợi khi lái xe ở nước này mà còn cực kỳ tiện lợi khi lái xe ở nước ngoài.

Tại Mỹ, GPLX sẽ được bang cấp (Sở Giao thông Vận tải). Tuy nhiên, bằng lái này có thể sử dụng liên bang và cả ở Canada. GPLX Mỹ có thể sử dụng dùng để nhận dạng tương tự như CMND tại Việt Nam.

Tại một số bang ở Mỹ, họ đánh dấu các điểm khác biệt trên GPLX của người dưới 21 tuổi để dễ dàng phân biệt độ tuổi được phép sử dụng đồ uống có cồn. Đồng thời, trên GPLX ngày chủ thẻ bước sang tuổi 21 sẽ được in màu đỏ.

Đối với một số bang khác, họ có thể in hình ở phía bên phải của bằng lái xe thay vì bên trái như thường lệ hoặc sử dụng màu mực khác để phân biệt người dưới 21 tuổi. Đặc biệt, trên một số bằng lái xe sẽ có hình trái tim nhỏ hoặc chữ hiến tặng nội tạng. Điều này có nghĩa chủ sở hữu tấm bằng đã đồng ý kiến tặng nội tạng trong trường hợp bị chết đột ngột hoặc bị chết do tai nạn xe ôtô.

Thời hạn hiệu lực của bằng lái xe thông thường là 16 năm. Thông tin được ghi trên bằng lái xe bao gồm: bang cấp bằng lái xe, số series, hình chân dung của chủ thẻ, bản copy chữ ký của chủ thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ hộ khẩu thường trú, loại giấy phép lái xe; một số đặc điểm nhận dạng của chủ thẻ như chiều cao, cân nặng, màu mắt, giới tính, ngày cấp, ngày hết hạn.

Người dân có thể thi GPLX ở Mỹ bắt đầu từ 16 tuổi nhưng phải có người lớn ngồi bên cạnh khi bạn lái xe. Đối với người từ 18 tuổi trở lên có thể tự lái xe một mình.

Hệ thống GPLX ôtô ở Nhật khá phức tạp, được chia làm 3 loại tùy theo mục đích sử dụng:

Loại 1: Loại cơ bản (lái xe cá nhân, công việc, …).

Loại 2: Lái xe chở khách thu tiền (dành cho các bác tài taxi, bus,…).

Loại 3: Bằng tạm thời cho phép những ai trước khi thi bằng loại 1 được phép lái tập trên đường (thay vì trong trường lái) dưới sự hướng dẫn của giáo viên (hoặc người có bằng lái kinh nghiệm trên 3 năm) ngồi ghế phụ.

Hệ thống GPLX ôtô ở Nhật khá phức tạp, được chia làm 3 loại tùy theo mục đích sử dụng.

Về cơ bản, sau khi tập trong trường lái thành thạo, bạn sẽ thi lấy bằng tạm thời trước sau đó tập thêm trên đường rồi mới thi bằng chính thức.

Chia theo loại xe, bằng ôtô có 5 loại. Trong đó, bằng lái ôtô chia làm 2 loại: số tự động (AT) và số bằng tay (MT). Ở Nhật, 90% số xe sản xuất là AT nên phần đông người Nhật hiện nay chỉ lấy bằng lái AT, số buổi học ít hơn và học phí thấp hơn.

Đối với bằng lái ôtô ở Việt Nam hoặc một nước khác, phải cư trú tại nước đó tối thiểu 3 tháng kể từ sau khi có bằng thì sẽ được đổi bằng lái Nhật Bản. Điểm lợi lớn nhất của cách này là khi đổi chỉ cần thi lý thuyết (10 câu hỏi khá dễ bằng tiếng Anh hoặc Nhật) và thi thực hành.

Bạn sẽ không cần thi bằng tạm thời mà thi trực tiếp bằng chính thức. Bên cạnh đó, lệ phí thi bằng lái chính thức tại Nhật không đắt đỏ.

Để có giấy phép lái xe, tài xế Nhật phải đủ 18 tuổi và vượt qua một bài kiểm tra thực hành nghiêm khắc. Nếu phạm một lỗi như lái xe quá nhiều sang bên phải, lập tức bị đánh trượt. Thực tế, chỉ có 35% vượt qua kì thi sát hạch.

Tương tự như bằng lái xe tại Nhật Bản, để được cấp GPLX tại Trung Quốc rất phức tạp và chặt chẽ. Tính từ ngày được cấp bằng lái, trong 12 tháng tiếp theo sẽ là kỳ thực tập của tài xế mới. Trong giai đoạn này, xe của tài mới phải có chữ “Thực tập” dán vào phía sau, nếu không sẽ bị phạt từ 3 đến 30 USD.

Trong một năm thực tập, nếu bằng lái bị trừ từ 1 đến 11 điểm, tài xế sẽ phải nộp phạt, sau đó bị gia hạn thêm một năm thực tập nữa và bằng sẽ tự động được khôi phục lên 12 điểm. Cũng trong giai đoạn này, nếu bằng lái bị trừ hết 12 điểm, tài xế sẽ bị hủy bỏ kỳ thực tập và tư cách điều khiển xe, phải đăng ký cấp giấy phép lái xe lần nữa.

Khi kỳ thực tập kết thúc, tài xế không phải đổi bằng. Nếu tính từ khi kết thúc thực tập đến 6 năm tiếp theo, bằng lái bị trừ chưa đến 12 điểm, sẽ được đổi sang bằng lái có hiệu lực 10 năm. Nếu trong 10 năm này bằng lái vẫn chưa bị trừ hết 12 điểm thì sẽ được đổi sang bằng có hiệu lực vĩnh viễn.

Để đổi GPLX Trung Quốc sang GPLX Việt Nam, người đó phải làm việc, học tập và cư trú tại Việt Nam hoặc người Trung Quốc lái xe đăng ký ở Trung Quốc vào Việt Nam với thời gian 3 tháng trở lên.

Dự thảo thay đổi hạng GPLX tại Việt Nam tạo thuận lợi hơn cho người dân

Dự thảo về thay đổi các hạng giấy phép lái xe chỉ là 1 trong hơn 100 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi tới Ban soạn thảo sửa đổi Luật giao thông đường bộ - Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phần dự thảo về giấy phép lái xe do Bộ Công an đề xuất.

Cụ thể, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ Công an đề xuất, sẽ có tổng cộng 17 hạng giấy phép lái xe khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE. Trong đó có 4 hạng được quy định không thời hạn và 13 hạng có thời hạn.

Bảng chuyển đổi các giấy phép lái xe theo Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi.

Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ Việt Nam), việc thay đổi các hạng GPLX để phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước Viên (Vienna) 1968 về giao thông đường bộ.

Việc chuyển đổi GPLX này sẽ khiến tâm lý nhiều người e ngại, cảm thấy phiền hà khi đang quen dùng GPLX hiện hành từ trước đến nay. Ngoài ra, người dân còn có thể mất thời gian làm thủ tục chuyển đổi hoặc có thể gặp vướng mắc trong cách phối hợp thực hiện với cơ quan cấp phép.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục ĐBVN việc chuyển đổi bằng lái này không hề gây bất cứ phiền hà gì cho người đã, đang và sắp có GPLX. Kể cả trong bản dự thảo mới đang lấy ý kiến cũng quy định rõ đối với người đã được cấp GPLX: Tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (GPLX hạng A1 không thời hạn).

Trường hợp hết hạn, thì đổi sang GPLX theo hạng mới (GPLX hạng A3 được đổi sang GPLX hạng B1, GPLX hạng B1 số tự động được đổi sang GPLX hạng B2, GPLX hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B …). Đối với người cấp mới, cấp đổi GPLX: Theo hạng GPLX mới.

Bằng lái mới sẽ giúp công dân Việt Nam không phải đổi bằng quốc tế khi tham gia giao thông tại một số quốc gia. Ở chiều hướng ngược lại, người nước ngoài khi sở hữu bằng lái xe quốc tế cũng có thể dễ dàng tham gia giao thông tại Việt Nam kể cả xử dụng xe mô tô, ông Thống chia sẻ thêm.

Nếu theo đúng như dự thảo vạch ra, việc thay đổi GPLX tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, vừa hợp chuẩn quốc tế. Việc làm này hoàn dễ dàng hơn so với việc cấp bằng tại Nhật Bản hay Trung Quốc rất chặt chẽ và phức tạp.

Thanh Thư

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/bang-lai-xe-tai-nuoc-ngoai-duoc-cap-khac-viet-nam-the-nao-111650.html