Bằng lái xe nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự

Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự hợp pháp hóa lãnh sự.

Theo phản ánh của ông Trần Trọng Linh (Hà Nội), Điều 41.1.b Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (được sửa đổi bởi Điều 1.23 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT), thành phần hồ sơ đề nghị đổi Giấy phép lái xe của nước ngoài cấp cho người Việt Nam bao gồm bản dịch Giấy phép lái xe:

“b) Bản dịch Giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao Giấy phép lái xe; đối với người Việt Nam xuất trình hợp pháp hóa lãnh sự Giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, trừ các trường hợp được miễn trừ theo quy định của pháp luật”.

Điều 6 Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định:

“Điều 6. Về yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp

Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như Hộ chiếu, Thẻ căn cước, Thẻ thường trú, Thẻ cư trú, Giấy phép lái xe, Bằng tốt nghiệp, Chứng chỉ và Bảng điểm kèm theo Bằng tốt nghiệp, Chứng chỉ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính. Trường hợp yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch các giấy tờ này cũng không phải hợp pháp hóa lãnh sự”.

Theo các quy định trên, ông Linh hiểu rằng Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thuộc trường hợp không phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự.

Như vậy, tại hồ sơ đề nghị đổi Giấy phép lái xe của nước ngoài cấp cho người Việt Nam, người đề nghị không phải nộp giấy tờ hợp pháp hóa lãnh sự Giấy phép lái xe nước ngoài, mà chỉ cần nộp bản dịch Giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao Giấy phép lái xe.

Ông Linh đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, cách hiểu của ông về vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự Giấy phép lái xe nước ngoài như trên có đúng và phù hợp với quy định của pháp luật không?

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Điều 6 Thông tư số 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính. Theo đó, điều chỉnh đối với hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký.

Quy định người Việt Nam xuất trình hợp pháp hóa lãnh sự Giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, trừ các trường hợp được miễn trừ theo quy định của pháp luật, để bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự hợp pháp hóa lãnh sự: Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bang-lai-xe-nuoc-ngoai-phai-duoc-hop-phap-hoa-lanh-su/409585.vgp