Bằng giả: Hệ quả của nền giáo dục khoa cử!

Nguyên nhân nào tạo ra những tấm bằng giả mà nhiều người vướng vào nó như một vòng xoáy không thể thoát ra?

Còn bao nhiêu tấm bằng giả đang lưu hành trong giới cán bộ, công chức? Không ai biết chính xác câu trả lời. Nhưng hãy xem lời mời chào trên mạng làm bằng giả từ phổ thông lên tới tiến sĩ thì cũng đủ mường tượng ra nhu cầu tấm bằng trong xã hội Việt Nam hiện lớn như thế nào.

Từ cấp xã tới cấp huyện, lên tận cấp chủ chốt ở tỉnh - những vụ dùng bằng giả để tiến thân cứ thi thoảng lại phát lộ, từ một cho đến một vài và lên tới hàng loạt người phải nhục nhã ê chề bước ra khỏi cơ quan nhà nước vì tấm bằng giả.

Một xã hội khoa cử nặng nề đã gán vào tất cả ở bằng cấp, dẫu rằng đánh giá con người - trước hết ở yếu tố định lượng không gì tốt hơn là mở hồ sơ người ấy ra xem.

Nữ Trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắc Lắc dùng hồ sơ của chị gái suốt 20 năm nhưng không ai phát hiện ra! (Ảnh: Vietnamnet)

Nữ Trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắc Lắc dùng hồ sơ của chị gái suốt 20 năm nhưng không ai phát hiện ra! (Ảnh: Vietnamnet)

Coi trọng bằng cấp không có gì xấu, nhưng khi tuyệt đối hóa nó thì tạo ra một thứ áp lực, nhất là trong cơ quan nhà nước. Chúng ta bày ra vô vàn các tiêu chuẩn “cứng - mềm” để bổ nhiệm, đề bạt và khi quyền lực “rơi vãi” thì lập tức biến thành mớ giấy lộn vô tác dụng!

Dư luận đã thấy ngán ngẩm với những vụ việc dùng bằng giả tiến thân, nhưng ít khi ai đó đặt câu hỏi, liệu người đủ năng lực mà không đủ bằng cấp có được trọng dụng hay không?

Dĩ nhiên là không, hoặc rất ít, nếu có cũng chỉ làm lính suốt đời vì thiếu tiêu chuẩn “cứng”. Vì thế mà câu hỏi trên không dễ trả lời. Nghịch lý thay, khẩu hiệu kêu gọi “trọng dụng nhân tài” vỗ dĩ cũ xưa nhưng không ai nói rõ như thế nào là nhân tài. Là bằng cấp đường hoàng hay tay ngang “có võ”?

Soi chiếu vào thực tế công tác nhân sự hiện nay trong cơ quan nhà nước, không có bằng coi như bỏ, dù năng lực cao siêu đến mấy! Mà người giỏi lắm khi ngang ngạnh, họ ít khi chịu cúi luồn.

Chỉ còn một dạng duy nhất là yếu kém, không thể tự học nên tìm cách “chữa cháy” - mua bằng cấp. Nói thẳng luôn đó là bộ phận cơ hội chủ nghĩa, lợi dụng quen biết, hoặc quyền lực trong khi lòng tự trọng ít ỏi nên mới gian lận bằng cấp để tồn tại.

Vì sao hàng trăm trường hợp xài bằng giả vẫn trót lọt cho đến khi gặp một “sự cố” nào đó mới bị phanh phui? Trường hợp mới đây ở Đắc Lắc, lấy luôn “bộ vỏ” của chị gái để thăng tiến thành một trưởng phòng ở Tỉnh ủy là hy hữu, như một vở hài kịch cười ra nước mắt.

20 năm dùng bằng giả, trải qua nhiều đợt xác minh, kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện ra sự dối trá về bằng cấp, thân nhân gia đình và thăng tiến liên tục thì đó là sự quan liêu vô trách nhiệm hay có thế lực nào nâng đỡ ?

Một con người dối trá trong thời gian dài thì không đủ đạo đức để làm tốt trách nhiệm của mình. Đắc Lắc cần làm rõ và khắc phục lỗ hổng... và cả những người dung túng cho dối trá (nếu có) rất đáng bị loại bỏ!

Ai đủ bản lĩnh làm được chuyện này nếu như không có những cánh tay đỡ nâng “trong sáng, trong tối”? Không tin hãy cứ lật lại quy trình bổ nhiệm đề bạt cán bộ, sẽ thấy một “rừng” thủ tục, hồ sơ, trải qua nhiều bộ phận, nhiều cấp nhiều ngành.

Chẳng nhẽ một bộ máy đồ sộ ở tỉnh không thể phát hiện ra nhân thân, lý lịch của người được bổ nhiệm?

Phải chăng ở đó phải có những cái móc ngoặc với nhau, thân hữu với nhau, đổi chức vụ bằng những thứ khác, dù không ai nói ra nhưng tất cả đều mường tượng một con đường rất phổ biến làm tha hóa, biến chất cán bộ.

Nếu cả Tỉnh ủy Đắc Lắc để “lọt” trường hợp này thì quả thật rất đáng báo động về công tác cán bộ - nói thì đao to búa lớn nhưng khi làm thì lỏng lẻo như chốn không người.

Nếu thật sự có ai đó “chống lưng” thì đúng là một sự phỉ báng vào quy tắc, luật lệ, coi cơ quan nhà nước như nhà riêng, coi nhân sự như con rối trong tay, phá hoại Đảng, làm bất mãn hiền tại thực sự.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cong-tac-nhan-su-nhin-tu-tam-bang-gia-159046.html