Bảng điểm toàn 8,9 và bí kíp giúp học sinh 'lột xác' của cô giáo Thanh Hoài Thanh

Tham gia lớp luyện thi của cô giáo ngữ văn Thanh Hoài Thanh, các em học sinh đã đạt được kết quả thi vượt ngoài mong đợi.

Giữa một “rừng” các trung tâm, các lớp luyện thi ở Hà Nội, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn than thở việc khó tìm kiếm một địa chỉ dạy Văn uy tín, có thể giúp các em “lột xác”, chinh phục được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia. Nhưng chuyện ghi nhận ở lớp luyện thi của cô giáo Thanh Hoài Thanh – giáo viên dạy Văn có tiếng – mà phóng viên ghi nhận lại chỉ ra điều ngược lại.

Bảng điểm cao khó tin của... “dân ngoại đạo”

Nhận được điểm thi, Nguyễn Xuân Thanh – cựu học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành không dám tin vào mắt mình. Từ một học sinh được xem là có kiến thứ Văn chỉ là con số 0 tròn trĩnh, cậu đạt 9,25 điểm môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Cánh cửa Đại học (khoa Kinh tế Quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân) mở ra với Thanh với số điểm môn văn 9,25 khiến gia đình, thầy cô và không ít bạn bè cậu cảm thấy “sốc toàn tập”.

Thanh vốn là “kẻ ngoại đạo” đối với môn Văn. Trước đây, cậu theo học khối A, tập trung vào 3 môn: Toán học, Vật Lý, Tiếng Anh. Vì rất ghét môn Ngữ Văn nên từ khi học lớp 10, cậu đã tránh các khối thi có môn học này. “Cơ bản em học Toán và Tiếng Anh khá tốt và việc thi Vật lý theo em cũng dễ học hơn môn Văn”, Thanh tâm sự.

 Nguyễn Xuân Thanh - Cựu Học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành

Nguyễn Xuân Thanh - Cựu Học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành

Tuy nhiên, dù đã cố gắng và tham gia nhiều lớp học thêm nhưng kết quả học tập môn Vật Lý của Xuân Thanh vẫn rất tệ. Vì thế, đầu năm lớp 12, để rộng đường hơn vào cánh cửa đại học, Xuân Thanh chuyển hướng sang học Khối D (Toán học, Ngữ Văn và Tiếng Anh).

Vào tháng 4/2020, qua lời giới thiệu của bạn bè, Xuân Thanh theo học lớp dạy Văn của cô giáo Thanh Hoài Thanh. Vốn ám ảnh với môn Văn, những buổi đầu, cậu không nhập tâm được vào bài giảng.

“Có lẽ nhận thấy sự thiếu tập trung của em, trong lúc lên lớp, cô Hoài Thanh vừa nhắc nhở rất nghiêm khắc, vừa pha cả những câu chuyên trêu đùa làm giảm áp lực. Sau mấy buổi như vậy, em cảm thấy có hứng thú hơn với mỗi giờ Văn và hứng thú với cách giảng dạy của cô giáo. Cứ thế, kiến thức ngấm vào em từ sự hứng thú đó”, Xuân Thanh nói.

Vào học sau, xuất phát điểm thấp hơn các bạn cùng lớp nên Thanh luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức để theo kịp các bạn. Ngày nhận điểm thi, Thanh hiểu rằng, điểm số và thành tích của mình một phần do sự nỗ lực của bản thân và phần còn lại nhờ vào phương pháp học mà cô giáo Hoài Thanh hướng dẫn sau 3 tháng học ở đây. Thanh coi việc học môn Văn của mình như “chuyện cổ tích giữa đời thường”.

Học sinh Nguyễn Minh An - Cựu Học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành

Không chỉ Xuân Thanh mà nhờ phương pháp giảng dạy khoa học, tâm huyết của cô Hoài Thanh, Nguyễn Minh An, cựu sinh viên trường THPT Nguyễn Tất Thành cũng có được kết quả ngoài mong đợi đối với môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

An tâm sự, em xác định ôn khối B làm bác sĩ nối nghề theo bố từ khi còn học THCS nên gần như không học môn Ngữ Văn. Lúc đi thi em nhớ gì viết đó, điểm chỉ được dưới 5. Ngày đầu theo lớp, An như lạc vào mê cung bởi mọi thứ gần như mới hoàn toàn. Sau 2-3 buổi, An bắt đầu hiểu và thích nghi với cách giảng dạy của cô Thanh.

“Cô Thanh dạy logic, dễ hiểu, ví dụ liên tưởng ấn tượng. Cả lớp luôn bị cuốn vào bài giảng của cô”, ngồi bên cạnh An, Bùi Thị Lan Hương – Cựu học sinh trường THPT Đại Mỗ nói với phóng viên. Lan Hương từng là “gà mờ” trước môn Văn và sau đó cũng “lột xác” trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Minh An đạt 8,5 điểm môn Ngữ Văn và đỗ vào ngành Quản trị nhân lực, Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne – RMIT. Còn Lan Hương từ sức học trung bình cũng đạt 8,5 điểm môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Bí kíp luyện rồng” của cô giáo dạy Văn

Ở lớp luyện thi, cô giáo Hoài Thanh được các học sinh gọi với cái tên Thanh Hoài Thanh, từng là giáo viên dạy môn Ngữ Văn của Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Chúng tôi khá bất ngờ khi trên mạng xã hội facebook các cựu học sinh từng học ở “lò luyện” Văn cô Thanh còn lập cả Cộng đồng THT (viết tắt của Thanh Hoài Thanh-PV) để thường xuyên trao đổi, cập nhật về việc học tập và cuộc sống.

Dành ít phút trao đổi với PV trước khi lên lớp, cô Thanh đã tiết lộ bí kíp giúp nhiều học sinh “lột xác” khi đến đây. Cô chỉ trả lời ngắn gọn rằng: “Văn là đời”.

Cô Thanh giải thích, đối với môn Văn, nếu đặt nó ở một vị trí “cao siêu” nào đó thì học sinh sẽ rất khó tiếp thu bài giảng. Điều này dẫn đến việc học và truyền tải kiến thức rất trừu tượng, mông lung, khó hiểu. Tuy nhiên, khi đưa Văn vào cuộc sống, hướng dẫn các em gắn nó vào những câu chuyện có thực đời sống, những sự việc cụ thể thì lại rất dễ hiểu, rất dễ thấu cảm.

Nhiều học sinh cho biết, vào thời điểm cận kề ngày thi, cô Thanh thường “ăn, ngủ” cùng học sinh

“Chỉ khi các em hiểu, thấu cảm thì các em mới có thể dễ dàng nằm lòng được kiến thức. Để làm được điều đó, người dạy môn Văn ngoài kiến thức về Văn học, các tác phẩm còn phải có kiến thức sâu về xã hội, phải là người có nhiều trải nghiệm”, cô Hoài Thanh nói.

Trước đó, khi nói chuyện với chúng tôi, cậu học sinh Xuân Thanh cũng nói rằng, cách dạy của cô Hoài Thanh rất khác biệt. “Hứng thú nhất là làm những bài nghị luận. Cô giúp chúng em đưa ra ý kiến, góc nhìn của mình về các vấn đề trong xã hội. Chúng em có được tư duy phản biện một cách logic. Nhờ đó, bài viết của chúng em mượt mà, trôi chảy và có cả những cảm xúc chân thật”, Xuân Thanh nói.

Còn Minh An, điều mà những học sinh luôn khâm phục cô Hoài Thanh là dù 12 giờ đêm, 2 giờ sáng, hễ học sinh “inbox” hỏi bài, cô Thanh đều trả lời. Thời điểm sát ngày thi, nhiều học sinh đến tận nhà cô Thanh để học nhóm. Và thời điểm đó, cô giáo Hoài Thanh lại “ăn ngủ” cùng học sinh.

Theo thống kê của THT, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020 vừa rồi, học sinh theo học tại THT có điểm số rất ấn tượng. Theo đó, có đến 5% học sinh có điểm trên 9; 20% học sinh điểm 9; 70% học sinh điểm trên 8 và 5% học sinh điểm 7,75. Có thể điểm mặt một số học sinh học tại THT mà đạt điểm “khủng” trong kỳ thi vừa rồi như Phạm Thị Thảo (9,25 điểm, đang học trường THPT Lương Thế Vinh), Nguyễn Khánh Linh (9,25 điểm, đang học trường THPT Lương Thế Vinh), Nguyễn Xuân Thanh (9,25 điểm, Trường THPT Nguyễn Tất Thành), Phạm Thu Hà (9,25 điểm, Trường THPT Nguyễn Tất Thành), Phạm Minh Tâm (9,25 điểm, trường THPT Cầu Giấy)… Có những bạn chỉ học tại THT khoảng 2-3 tháng nhưng cũng có điểm thi được xem là “kỳ tích”.

“Trong quá trình học tập, cô giáo đã chia lớp thành các nhóm để mọi thành viên giúp đỡ nhau vươn lên. Khi cô giao bài tập, nếu một bạn trong nhóm không hoàn thành thì cả nhóm sẽ bị phạt nên chúng em càng đốc thúc nhau học tập”, Nguyễn Thu Lan – Cựu học sinh trường THPT Đại Mỗ, hiện là tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học kinh tế và Kỹ thuật Công nghiệp chia sẻ.

Minh Anh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bang-diem-toan-89-va-bi-kip-giup-hoc-sinh-lot-xac-cua-co-giao-thanh-hoai-thanh-30298.html