Bằng đại học Việt Nam: Bao giờ được thế giới công nhận?

Xếp hạng mới nhất từ Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh cho biết, Việt Nam hiện có 7 trường lọt top 500 trường châu Á trong năm nay, gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế. Mừng với kết quả xếp hạng ĐH do các tổ chức quốc tế vừa công bố, nhưng nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra: Bao giờ bằng ĐH Việt Nam được công nhận trên thế giới?

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.

Những tín hiệu vui

Thống kê từ Bộ GDĐT, tính đến thời điểm này Việt Nam đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập được Chính phủ cho thí điểm tự chủ. Sau 3 năm (2014-2017), mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục ĐH đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận.

Các trường ĐH đã chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội; phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế. Số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt, số lượng các công trình được công bố của các trường tự chủ giai đoạn 2013 - 2016 nhìn chung tăng lên đáng kể.

Đặc biệt, đến nay, đã có 117 trường, hơn 100 chương trình được kiểm định quốc tế... Việc 7 trường ĐH của Việt Nam lọt vào top 500 trường ĐH hàng đầu châu Á do QS bình chọn cho thấy những nỗ lực đổi mới của hệ thống giáo dục nước nhà nói chung và các trường ĐH nói riêng. Ngoài ra, đến nay, Việt Nam cũng đã có 2 trường lọt top 1.000 của thế giới.

Tại tọa đàm trực tuyến “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu” vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, so với các trường lớn trên thế giới, quy mô ngân sách, đầu tư của chúng ta còn khiêm tốn nhưng bước đầu những đối mới đã đúng hướng, khả quan.

“Ngoài hội nhập và kiểm định, các cơ sở giáo dục bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế. Có một thời gian dài, nguồn thu của các trường dựa nhiều vào đào tạo; việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế chưa được quan tâm, mà chúng ta biết, các trường muốn được xếp hạng quốc tế phải có yếu tố nghiên cứu khoa học. Trong những năm gần đây, các trường đã được quan tâm đầu tư và tạo cơ chế thích hợp để thúc đẩy những nghiên cứu khoa học. Trong 2 năm gần đây, số liệu công bố quốc tế nhiều hơn 5 năm trước đây cộng lại. Điều đó dẫn đến thứ hạng của các trường ĐH của chúng ta tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây” - ông Phúc cho biết.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2016, Bộ GDĐT đầu tư gần 292 tỉ đồng cho 46 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, trung bình mỗi dự án được đầu tư xấp xỉ 6,4 tỉ đồng. Các dự án này tập trung tăng cường trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, nhằm có khả năng tạo sản phẩm ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội như: Phòng công nghệ vi chế tạo MEMS, Phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh động vật, Phòng thí nghiệm và kiểm định công trình, Phòng thí nghiệm chế phẩm sinh học, Phòng thí nghiệm kỹ thuật nền móng công trình, Phòng thí nghiệm kỹ thuật in,...

Chất lượng giữa các trường chưa đồng đều

Với những kết quả tích cực ban đầu được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận đánh giá, trong đó có WIPO, QS và World Bank... thể hiện qua việc thăng hạng trên các bảng xếp hạng trường ĐH của quốc tế, tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên, tốc độ tăng cường nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo... giáo dục Việt Nam đã có những thay đổi, hội nhập sâu hơn với giáo dục ĐH thế giới.

Tuy nhiên, nhìn nhận một thực tế là nếu so sánh ĐH QG Hà Nội với các trường “top” 500 châu Á, kết quả mới chỉ nhích qua mức trung bình một ít (khoảng 5%). Mặc dù có kết quả khiêm tốn như vậy, nhưng so với các trường top đầu trong cả nước, các chỉ số của ĐHQG Hà Nội vượt mức trung bình rất xa (trên 65%).

Cụ thể, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức- Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, phân tích đối sánh kết quả xếp hạng cho thấy, chất lượng các công trình công bố (đánh giá qua số lượng trích dẫn) của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM về cơ bản so sánh được với các trường top đầu của quốc gia trong khu vực nhưng năng suất nghiên cứu của các trường ĐH top đầu Việt Nam vẫn thấp hơn so với các trường ĐH top đầu trong khu vực ASEAN. Nhìn chung, nước ta không chỉ có ít các trường ĐH nghiên cứu tốt mà mức độ nghiên cứu giữa các trường còn có sự khác biệt rất lớn. Kết quả xếp hạng các trường ĐH còn thấp.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, giáo dục ĐH Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế phát triển đó. Chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt và mục tiêu hướng tới là làm sao để văn bằng ĐH do các trường ĐH của Việt Nam cấp được công nhận trên thị trường lao động của khu vực và trên thế giới. Đây là một thách thức không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các nền giáo dục tiên tiến.

Để làm được điều đó, không chỉ cần sự đầu tư có hiệu quả từ Nhà nước mà còn là sự nỗ lực của mỗi trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học thực chất. Điều này thể hiện ở các cử nhân, kỹ sư ra trường đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động quốc tế, không chỉ ở kiến thức mà còn ở năng lực ngoại ngữ, các kỹ năng mềm...

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/bang-dai-hoc-viet-nam-bao-gio-duoc-the-gioi-cong-nhan-tintuc421029