Bằng đại học, không nên 'cào bằng'...

Những ngày qua, Bộ GD-ĐT đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tin về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, nhằm thống nhất với Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Theo dự thảo, trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi hệ đào tạo là chính quy, tại chức, từ xa hay liên thông... và cũng không ghi tốt nghiệp đại học loại giỏi, khá, trung bình; không ghi bằng theo ngành nghề đã học như: bằng kiến trúc sư, bằng bác sĩ, bằng kỹ sư... mà thống nhất chỉ ghi trình độ đào tạo là: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ...

Là một người quan tâm đến giáo dục nước nhà, tôi cho đây là một dự thảo đi đúng hướng và phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Việc “đơn giản hóa” cũng như thống nhất một mẫu văn bằng tốt nghiệp đại học sẽ giúp các cử nhân trở nên bình đẳng với nhau hơn, văn bằng đều có giá trị như nhau, nhà tuyển chọn nhân sự, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ “đỡ” đau đầu hơn khi phải phân biệt các loại hình đào tạo của người dự tuyển...

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy băn khoăn và có cảm giác không công bằng khi ở nước ta đang hiện diện nhiều loại hình đào tạo khác nhau và chất lượng đào tạo của những loại hình cũng khác nhau. Chỉ làm một bài toán so sánh nhỏ giữa đại học chính quy và đại học tại chức, sẽ thấy có sự “cào bằng” trong bằng tốt nghiệp của hai loại hình này. Một sinh viên học đại học chính quy phải trải qua một kỳ thi rất căng thẳng, đậu vào rồi phải mất 4-5 năm học tập trung, thậm chí để trở thành bác sĩ, họ phải mất 7 năm liên tục miệt mài trên ghế giảng đường, chi phí cho việc ăn học tốn kém rất nhiều mới có thể lấy được bằng đại học. Còn những người học tại chức, một năm chỉ học vài tháng, mỗi tháng học ít ngày, vừa học vừa làm và cuối cùng cũng nhận được bằng tốt nghiệp đại học có giá trị tương đương với bằng đại học của những người học chính quy. Thứ nữa là, hiện nay trình độ đào tạo giữa các trường đại học chưa có sự tương đồng về chất lượng, “đầu ra” giữa các hệ chính quy, hệ tại chức, từ xa... rõ ràng có sự khác biệt rất lớn về trình độ. Điều này khiến những người học chính quy sẽ không tâm phục, khẩu phục.

Đối với dự thảo văn bằng đại học sẽ không ghi xếp loại tốt nghiệp đại học, điều đó sẽ dễ kéo theo sự “cào bằng” giữa những người học, làm giảm động lực phấn đấu của người học để mong đạt được tấm bằng loại giỏi hay bằng đỏ, sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn những người tốt nghiệp chỉ ở mức trung bình.

Theo tôi, thay đổi là cần thiết nhưng trước hết Bộ GD-ĐT cần lập lại quản lý cũng như bảo đảm chất lượng giáo dục của các trường đại học, kéo gần khoảng cách chênh lệch trình độ giữa các loại hình đào tạo đại học, để bất kỳ người nào học xong chương trình đại học dù ở loại hình đào tạo nào cũng đều thấy tấm bằng của mình thực sự giá trị, bởi trong đó là mồ hôi, công sức và trí tuệ.

Nguyễn Hoàng Cảnh (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201910/bang-dai-hoc-khong-nen-cao-bang-2968209/