Băng cướp khét tiếng trên Quốc lộ 1A: Công điện thượng khẩn của Tổng cục Cảnh sát

Hành vi dùng vũ lực và sự manh động của băng cướp bịt mặt ngày càng nghiêm trọng, khiến cho nhân dân hoang mang lo sợ.

Trước nạn cướp xảy ra ngày một nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ 1A, Tổng cục Cảnh sát đã có công điện thượng khẩn, yêu cầu Công an tỉnh quảng Nam - Đà Nẵng bằng mọi giá phải truy bắt cho được băng cướp bịt mặt bí ẩn, trấn an lòng dân. Đây cũng là phát súng lệnh bắt đầu 1 hành trình “nằm gai nếm mật”…

Các trinh sát lên xe đóng giả lái xe đường dài để phục kích bọn cướp. (Hình tư liệu).

Công điện khẩn

Hành vi dùng vũ lực và sự manh động của băng cướp bịt mặt ngày càng nghiêm trọng, khiến cho nhân dân hoang mang lo sợ.

Từ tháng 5/1992 đến tháng 7/1994, băng cướp bịt mặt đã thực hiện trót lọt 64 vụ cướp trên quốc lộ 1A, riêng địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng chúng đã thực hiện 43 vụ, cướp đoạt tài sản hơn 400 triệu đồng, 153 đồng hồ đeo tay, 20 chỉ vàng và nhiều tài sản có giá trị khác.

Thời điểm những năm 1990, đây quả thực là con số quá lớn. Ngay từ năm 1992, khi nhận được thông tin của các nạn nhân, công an các địa phương nơi xảy ra các vụ cướp đã tiến hành xác minh, làm rõ nhằm phát hiện, bắt giữ các đối tượng gây án.

Tuy nhiên, công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Bởi các tên cướp luôn bịt kín mặt nên không có nạn nhân nào nhìn thấy mặt của chúng. Mỗi khi hành động, bọn cướp thường sử dụng xe đạp và gây án vào ban đêm nên không ai mô tả được đặc điểm riêng của loại phương tiện này.

Theo các nạn nhân trình bày, các tên cướp nói giọng nhiều nơi nên khó xác định chúng là người địa phương nào.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng do từng đơn vị nhỏ lẻ, thiếu sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất, thiếu điều kiện, phương tiện hoạt động nên công tác điều tra khám phá án của công an các huyện, thị không đem lại hiệu quả.

Trong khi người dân lo lắng, lực lượng chức năng mất ăn, mất ngủ thì băng cướp vẫn thoát ẩn thoát hiện và tung hoành hoạt động, gieo rắc kinh hoàng khắp nơi.

Trước tình hình cướp bóc diễn ra phức tạp trên quốc lộ 1A, ngày 6/1/1994, Tổng cục CSND có Công điện thượng khẩn số 29/TK gửi lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Trong Công điện, lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an tỉnh gấp rút thành lập chuyên án, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá băng cướp liên tỉnh, đảm bảo an ninh trật tự, trấn an tinh thần người dân.

Ngay sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã quyết định xác lập chuyên án đấu tranh do Đại tá Nguyễn Xuân Hường, khi đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban.

Thiếu tá Phan Như Thạch, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra được giao nhiệm vụ Phó ban Thường trực, trực tiếp chỉ huy và điều hành các lực lượng tham gia kế hoạch chống cướp.

Đại úy Huỳnh Đức Cường, Đội trưởng Đội 2 trực tiếp thụ lý cùng với các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm như Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Hồng Lâm, Nguyễn Văn Thanh...

Huy động toàn bộ lực lượng

Việc truy xét băng cướp bịt mặt bí ẩn được Công an Quảng Nam – Đà Nẵng huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát điều tra công an các huyện, thị dọc quốc lộ 1A và Phòng Cảnh sát điều tra công an tỉnh, trong đó Đội 2 thuộc phòng Cảnh sát điều tra chịu trách nhiệm chủ công.

Để thực hiện kế hoạch được chặt chẽ, Ban chuyên án giao công an các huyện như Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát đối với từng khu vực được phân công.

Riêng hai đoạn đường trọng điểm từ cầu Bà Rén đến Mộc Bài (huyện Quế Sơn) và ngã ba Ngọc Khô đến khu vực cầu Cánh Tiên (huyện Thăng Bình) thuộc trách nhiệm của phòng cảnh sát điều tra. Bên cạnh đó, Ban chuyên án triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác định danh tính của những tên cướp lộng hành này.

Đầu tiên, Ban chuyên án sàng lọc các đối tượng nghi vấn. 144 đối tượng được đưa vào “tầm ngắm”, sau đó loại dần.

Không chỉ trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng mà Ban chuyên án còn liên hệ công an các tỉnh để rà soát, sàng lọc các đối tượng hình sự, kiểm tra tạm trú từng khách sạn, nhà trọ, khu tập thể, các hộ dân để so sánh, đối chiếu sự trùng lặp của những người từ tỉnh, thành khác đến tạm trú trên địa bàn trong thời điểm xảy ra án.

Để xác định các khẩu súng bọn cướp sử dụng khi gây án, ngoài lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Ban chuyên án còn nhờ đến sự phối hợp của lực lượng quân đội trong việc rà soát hàng trăm khẩu súng K54, Colt 45, Vonte đã được trang bị cho cá nhân, đơn vị nào.

Một loạt các biện pháp nghiệp vụ đã được thực hiện nhưng dấu vết của băng cướp bịt mặt bí ẩn vẫn là ẩn số, chưa có đầu mối nào khả nghi.

Trong lúc đó, các vụ cướp lại càng ngày càng tăng và manh động, táo tợn hơn. Danh tiếng “băng cướp bịt mặt” đã lan truyền khắp nơi, hầu hết các chuyến xe đường dài không dám dừng nghỉ tại địa phận Quảng Nam-Đà Nẵng.

Tuy nhiên, dường như đánh hơi thấy sự truy quét, bọn cướp cũng thay đổi phương thức hành động. Chúng ẩn nấp ở các đoạn đường xấu mà xe thường đi chậm hay cạnh các đoạn đường gần cầu để ném đá vào xe đang lưu thông trên đường.

Khi bị ném đá, các tài xế cứ nghĩ xe mình bị hư hỏng nên dừng lại để kiểm tra. Lợi dụng thời điểm này, bọn cướp ập đến trấn lột. Để nâng cao khả năng phá án, lúc này Ban chuyên án cũng thay đổi phương án và không ngừng động viên tinh thần các trinh sát.

Lấy bờ ruộng làm giường

Từ khi bắt tay vào kế hoạch truy bắt băng cướp bịt mặt, cán bộ chiến sĩ của Đội 2 phòng cảnh sát điều tra cũng như công an các huyện, thị nơi có QL1A đi qua xác định đây là 1 cuộc đấu sức, đấu trí, “nằm gai nếm mật” đầy gian khổ.

Tổ trinh sát thứ nhất được bố trí mai phục hàng đêm tại các điểm mà bọn cướp có thể lợi dụng gây án. Cứ tầm 19 giờ, sau khi ăn cơm tối xong, các trinh sát lại ra cánh đồng, lấy bờ ruộng làm giường, gầm cầu làm nhà.

Mặc cho đêm khuya giá rét, các trinh sát vẫn nép mình bên bờ ruộng, mắt dõi trên đường quốc lộ để xem có động tĩnh gì. Hết điểm này đến điểm khác, trong khi tuyến quốc lộ dài hàng chục ki-lô-mét, nhưng các trinh sát vẫn kiên cường bám đồng ruộng để chờ giây phút bọn cướp xuất hiện.

Tổ trinh sát thứ hai cải trang tuần tra trên đường bằng xe cơ giới, xe thồ vào giờ cao điểm. Hết vào vai người nông dân đi mò cua bắt ốc đến người đi buôn, lái xe ôm và cả tài xế xe tải ngủ trên xe để “câu” cướp. Yêu cầu đặt ra là, trinh sát phải nhập vai sao cho thành thục.

Trong bất cứ tình huống nào cũng phải bám sát khi phát hiện mục tiêu, có những đêm, bụng đói cồn cào nhưng cũng phải làm cho xong “cuốc xe ôm”, hoặc có những khi trời rét thấu da, cũng phải “ra đồng bắt ếch”.

Bởi, đêm nào cũng có thể là đêm bọn cướp hành động, đêm nào cũng có thể là đêm người dân vô tội gặp nạn, nên các trinh sát phải dầm mưa hứng gió hàng đêm, không bỏ sót đêm nào.

Cả Trưởng ban, Phó ban chuyên án cũng cùng ăn, cùng thức, cùng mai phục với các trinh sát để chỉ đạo phá án. Tổ trinh sát thứ ba được giao nhiệm vụ khai thác thông tin từ các bị hại về hình dáng, giọng nói, tầm vóc, độ tuổi của từng tên trong băng cướp.

Từ đó, so sánh với các đối tượng hình sự trên địa bàn tỉnh cũng như ở các tỉnh lân cận. Đồng thời, nắm tình hình về các vụ cướp xảy ra trước đó. Sau một thời gian triển khai kế hoạch, Ban chuyên án tổ chức họp để lắng nghe trinh sát, điều tra viên báo cáo các nguồn tin thu thập được.

Đại úy Huỳnh Đức Cường, một trong những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của Ban chuyên án cho biết, trước năm 1990 trên tuyến quốc lộ 1 A, đoạn Bình Định-Quảng Ngãi cũng đã xảy ra hàng loạt vụ cướp có cùng chung phương thức, thủ đoạn như những vụ cướp tại địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng.

Vì thế, Đại úy Cường nhận định rằng, có khả năng các đối tượng trong các vụ cướp này có liên quan đến các vụ cướp ở Bình Định.

Theo hồ sơ của Công an tỉnh Bình Định, vào thời gian 1988-1990, trên tuyến đường Bình Định - Quảng Ngãi có 7 băng cướp hoạt động. Mỗi băng có một tướng cướp khét tiếng là: Nguyễn Trường Sinh, Lê Hồng Phong, Trần Thiện Quế, Đỗ Thái Bình, Nguyễn Văn Cẩn, Đặng Hùng Dương và Nguyễn Phi Hổ.

Mỗi băng như thế có gần chục tên, nhưng lúc Công an tỉnh Bình Định truy bắt thì nhóm đông nhất chỉ có bảy tên, số còn lại đã lẩn trốn. Từ thông tin này, Ban chuyên án nhận định, thủ lĩnh băng cướp ở Quảng Nam- Đà Nẵng có thể là một trong những tên đã từng tham gia các băng cướp ở Bình Định trước đây..

Nam Phương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/bang-cuop-khet-tieng-tren-quoc-lo-1a-cong-dien-thuong-khan-cua-tong-cuc-canh-sat-d79386.html