Bằng chứng thép của Pakistan khiến Ấn Độ phải rút lại tuyên bố bắn rơi F-16?

Kết quả trận không chiến giữa tiêm kích Ấn Độ và Pakistan trên bầu trời đường giới tuyến LoC phân chia cao nguyên Kashmir có lẽ đã sáng tỏ nhờ bằng chứng vừa được đưa ra.

 Không quân Pakistan tuyên bố, trong vụ đụng độ này, tiêm kích JF-17 Thunder của họ đã bắn rơi 1 chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ và bắt sống Trung tá Abhinandan Varthaman - phi công điều khiển máy bay.

Không quân Pakistan tuyên bố, trong vụ đụng độ này, tiêm kích JF-17 Thunder của họ đã bắn rơi 1 chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ và bắt sống Trung tá Abhinandan Varthaman - phi công điều khiển máy bay.

Về phía Không quân Ấn Độ, họ cho biết trước khi bị bắn hạ bởi một chiếc F-16 (không phải JF-17) thì Trung tá Abhinandan Varthaman cũng đã kịp tiêu diệt 1 chiếc F-16 khác của Pakistan bằng tên lửa R-73.

Nhưng trong khi Quân đội Pakistan đưa ra đầy đủ bằng chứng về việc họ đã bắn hạ tiêm kích MiG-21 Bison của Ấn Độ như mảnh xác máy bay và viên phi công bị bắt sống thì New Delhi lại chưa làm được điều tương tự.

Cho tới tận thời điểm này phía Ấn Độ vẫn chưa đưa ra được bất cứ tấm ảnh nào về chiếc F-16 đã bị "vít cổ" nhằm chứng minh tuyên bố của mình là chính xác.

Không quân Pakistan trước sau như một bác bỏ rằng họ đã sử dụng tiêm kích F-16 để bắn rơi MiG-21 Bison của Ấn Độ, cho rằng cáo buộc của New Delhi chỉ nhằm chia rẽ họ với Mỹ mà thôi.

Lý do là bởi Washington không cho phép Islamabad sử dụng tiêm kích F-16 để tiến hành hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ, trừ khi dùng để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo - IS.

Trong khi tranh cãi chưa có dấu hiệu chấm dứt thì bất ngờ vào hôm 21/3, Quân đội Pakistan đã đưa ra được một bằng chứng cực kỳ thuyết phục để chứng minh rằng không có chiếc F-16 nào bị MiG-21 Bison bắn hạ.

Sau quá trình thu dọn hiện trường và lục tìm các mảnh vỡ từ xác chiến MiG-21 Bison bị bắn rơi, Quân đội Pakistan đã tìm thấy toàn bộ 4 quả tên lửa không đối không mà chiến đấu cơ Ấn Độ mang theo.

Cụ thể, Pakistan đã thu hồi gần như nguyên vẹn một tên lửa R-73 và một tên lửa R-77, hai tên lửa còn lại mặc dù đã vỡ vụn sau khi chiếc MiG-21 đâm xuống đất nhưng mảnh vỡ vẫn giúp xác định chúng là loại tên lửa gì.

Khi Pakistan thu hồi được trọn vẹn 4 tên lửa mà chiếc MiG-21 Bison mang theo thì cũng đồng nghĩa với việc tuyên bố của Không quân Ấn Độ rằng Trung tá Varthaman đã bắn rơi F-16 bằng 1 tên lửa R-73 là không có thật.

Cấu hình vũ khí trang bị của tiêm kích MiG-21-93 (nguyên mẫu hiện đại hóa dành cho MiG-21 Bison của Ấn Độ) chỉ có 4 giá treo vũ khí ở trên cánh tương thích tên lửa không đối không mà thôi.

Khi làm nhiệm vụ đánh chặn máy bay địch, MiG-21 Bison sẽ mang 2 tên lửa R-73 ở các giá treo nằm phía đầu mút cánh, còn tên lửa R-77 sẽ được bố trí bên trong.

Mấu cứng hạng nặng chính giữa thân của MiG-21 Bison chỉ dùng để gắn thùng dầu phụ hoặc bom hàng không mà thôi, nó không thể mang theo tên lửa không đối không ở vị trí đó.

Như vậy với "bằng chứng thép" được Quân đội Pakistan đưa ra, có lẽ Không quân Ấn Độ sẽ phải nhanh chóng đính chính lại "chiến công" bắn rơi tiêm kích F-16 của Trung tá phi công Abhinandan Varthaman.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-bang-chung-thep-cua-pakistan-khien-an-do-phai-rut-lai-tuyen-bo-ban-roi-f16/803920.antd