Bằng cấp giáo viên không nên quy định cứng

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tổ chức họp bàn góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Mới đây Hiệp hội vừa gửi góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tới Ủy Ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Ban soạn thảo Dự án Luật Giáo dục.

Nên mềm hóa vấn đề bằng cấp giáo viên

Theo ý kiến của Hiệp hội, về chế độ lương đối với giáo viên: Hiện nay lương của giáo viên không “được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương...” như Nghị quyết 29 để tạo động lực thu hút người giỏi vào nghề giáo. Vậy xin đề nghị đưa vào luật lương giáo viên tương đương lương của lực lượng vũ trang. Bởi vì giáo viên là lực lượng xung kích thực hiện mục tiêu “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” do Hiến pháp quy định.

Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên: Điều 72 dự thảo quy định: “Có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên tiểu học”. Hiệp hội nhận thấy trong điều kiện hiện nay của đất nước nên mềm hóa việc này. Nhà nước nên tiếp tục “thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” như Luật Giáo dục 2005 (Điều 77).

Mặt khác, “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ ĐH trở lên, có năng lực sư phạm” như quy định tại Nghị quyết 29; thay thế dần người có trình độ theo hướng này nhưng không áp đặt cứng.

Hiện, trình độ chuẩn giáo viên hiện hành có giá trị thực tiễn cao: Gần đây, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định: 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam có những góp ý về vấn đề giáo viên và sách giáo khoa cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). ảnh P.T

Sách giáo khoa “mở”

Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, Hiệp hội cho rằng: Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định ở giáo dục phổ thông có một chương trình nhiều sách giáo khoa là rất đúng đắn. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả sách giáo khoa, xin kiến nghị bổ sung nội dung: “Sách giáo khoa được xuất bản bằng tiền từ ngân sách Nhà nước sẽ là sách giáo khoa mở, dù ở dạng in hay ở bất kỳ định dạng tệp điện tử nào”.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa (bao gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.

Đề nghị đưa vấn đề cấu trúc hệ thống giáo dục thảo luận tại Quốc hội

Góp ý để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Hiệp hội cũng cho rằng có một số vấn đề cần đặc biệt lưu ý: Một là hệ thống giáo dục quốc dân. Theo Hiệp hội, hệ thống giáo dục quốc dân cấu trúc như trong bản dự thảo hiện nay là xa rời thực tiễn, không đáp ứng xu thế nhân lực của đất nước và không hội nhập quốc tế, không phù hợp với Nghị quyết 29. Hiệp hội xin đề nghị đưa vấn đề này ra thảo luận, biểu quyết riêng ở Quốc hội.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bang-cap-giao-vien-khong-nen-quy-dinh-cung-134286.html