Bán vốn Nhà nước: 'Biết mình biết người'

Gần vào cuối năm, các thương vụ thoái vốn Nhà nước lại trở nên rầm rộ, đi vào giai đoạn chạy nước rút.

Theo lộ trình, đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện CPH gần 140 doanh nghiệp Nhà nước. Tháng 12 đi được một nửa, tiến trình bán vốn, cổ phần hóa của các doanh nghiệp vốn Nhà nước vẫn đang đẩy mạnh cho kịp tiến độ kết thúc năm 2017. Với tình hình hiện tại, tiến độ thoái vốn vẫn còn khá chậm.

Có doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn rất thành công như trường hợp Vinamilk, hay đấu giá cổ phần Sabeco được giới đầu tư trong ngoài nước chờ đợi. Riêng với trường hợp của Sabeco, đôi khi thương hiệu cũng chỉ là cái tên. Khối nhà đầu tư bỏ vốn vào với mong muốn sinh lời đơn thuần, chủ yếu là các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán sẽ không "mặn mà" với thương hiệu có mức giá quá "chảnh".

Sabeco đã tự tạo lập được một nền tảng vững chắc, bao gồm công nghệ, hệ thống phân phối, bán lẻ... mà các hãng đối thủ khác không thể làm được.

Với mức giá chào bán khởi điểm lên tới 320.000 đồng/cổ phần (các công ty bia Nhật nhận định đây là mức giá cao phi lý), cùng thời gian chào bán ngắn kỷ lục tính từ lúc công bố thông tin đến lúc bỏ phiếu đấu giá chỉ có 3 tuần và điều kiện tham gia khá khó (khó cho phép nhà đầu tư tiềm năng tiến hành khảo sát minh bạch (Due Deligence), soát xét hệ thống kế toán, thuế, vấn đề quản trị… tại Sabeco), các nhà đầu tư nội cùng nhà đầu tư ngoại không đủ am hiểu Sabeco sẽ tự “rơi rụng” hết do không đáp ứng được điều kiện thầu.

Với P/E (hệ số giá trên lợi nhuận của mỗi cổ phiếu) hơn 50 lần, cổ phiếu của Sabeco đang đắt gấp đôi cổ phiếu các công ty bia trong khu vực, cao hơn rất nhiều so mức định giá 16 lần của Asahi, 21 lần đối với Carlsberg và 20 lần đối với Heineken. Nhà đầu tư trong buổi roadshow đã không khỏi băn khoăn khi với giá cao như thế, tính thanh khoản lại thấp và số cổ phiếu trên thị trường còn ít, liệu Sabeco có hoàn thành mục tiêu thoái vốn?

Mới đây, một Tập đoàn Thái Lan đã đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu trên 25% cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco, đó là Công ty TNHH Vietnam Beverage. Được biết, Công ty TNHH Vietnam Beverage vừa được Tập đoàn đồ uống ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại.

Ngoài Vinamilk, nhiều phiên bán vốn của Nhà nước không được như kỳ vọng (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, không ít trường hợp những doanh nghiệp Nhà nước “máu mặt” có kết quả chào bán đáng thất vọng.

Chaebol đất Bình Dương - Becamex IDC với kỳ vọng IPO “bom tấn” lại trở thành “bom xịt” với chỉ hơn 6% lượng cổ phần chào bán thành công. Số tiền thu về 588 tỷ đồng so với kỳ vọng tối thiểu 9.650 tỷ đồng trước đó quả thật không thấm tháp gì do với kỳ vọng nguồn tiền để phát triển các siêu dự án trong thời gian tới.

Hay một Vinaconex kế hoạch đẩy mạnh cải tổ, tái cơ cấu sau khi Nhà nước bán vốn cũng không được mấy nhà đầu tư quan tâm. Phiên đấu giá VCG chỉ bán được 5,35 triệu cổ phiếu cho 1 tổ chức và 2 cá nhân (tỷ lệ tương đương 5,5% tổng lượng chào bán) thu về số tiền vỏn vẹn 137 tỷ đồng.

Đại diện CTCP Chứng khoán Sài Gòn đã nhận định, bên bán (SCIC) cần phải thực sự “biết mình biết người” thì mới có cơ hội bán được giá tốt và bán được hết. “Biết mình” là hiểu được doanh nghiệp của mình kinh doanh như thế nào để có mức giá phù hợp chào bán, “biết người” là tìm ra những người mua tiềm năng mà mình biết chắc họ thực sự muốn mua.

Ông cũng lưu ý thêm, để “biết người” là khá khó nên cần phải có những phương pháp tiếp cận đúng, tìm hiểu thị trường cặn kẽ qua các bước thử.

Hơn nữa việc bán vốn liên quan đến ngân sách Nhà nước, cũng là tiền của nhân dân nên cũng không thể vội vàng. Trong bối cảnh ngân sách nhà Nước đang có chiều hướng tốt lên, tiến độ bán vốn hoàn toàn có thể giãn bớt để có thể bán với giá tốt nhất.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ban-von-nha-nuoc-biet-minh-biet-nguoi-219189.htm