Bàn việc bảo vệ và phát triển thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25

Sáng 20-12, tại UBND tỉnh Sóc Trăng phố hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm 'Bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới'. Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà khoa học, doanh nghiệp vùng ĐBSCL đã tham dự.

Ban tổ chức tọa đàm tặng hoa chúc mừng nhóm nghiên cứu ra gạo ST25 ngon nhất thế giới.

Ban tổ chức tọa đàm tặng hoa chúc mừng nhóm nghiên cứu ra gạo ST25 ngon nhất thế giới.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng và vùng ĐBSCL có không ít giống lúa cho hạt gạo ngon và giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, trước sự kiện gạo ST25 của nhóm tác giả Anh hùng Lao động, KS Hồ Quang Cua vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức. Tuy nhiên, việc phát triển những giống gạo ngon và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thời gian gần đây, giống lúa ST25 vừa ra đời và tồn tại không bao lâu đã bị làm giả, pha trộn… đã làm giảm uy tín hạt gạo thơm Việt Nam trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền giống lúa gạo, bảo vệ những thành quả sáng tạo của các nhà khoa học, nông dân đã được các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm thảo luận, nhằm đưa ra những chính sách pháp lý cụ thể bảo vệ nông dân, vì một nền sản xuất gạo sạch.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã đề ra nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển giống gạo ST25, và những giống lúa ngon khác của Việt Nam. Đồng thời phân tích, chỉ ra những cơ hội, thách thức trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, chinh phục những thị trường khó tính nhất thế giới.

Đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25, KS Hồ Quang Cua chia sẻ, giống lúa ST25 giả mạo ngay tại Sóc Trăng, dù biết đích danh nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có hình thức xử lý mạnh tay. Đây là một trong những thiệt thòi không chỉ cho người tiêu dùng, mà danh tiếng gạo ngon cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây tổn thất lớn đến sản xuất lúa giống chất lượng cao. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp nên học hỏi Thái Lan trong việc xây dựng thương hiệu gạo thơm. Nên tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo ST25; bổ sung quy định cấm xuất khẩu lúa giống ST25. Có nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng nên siết chặt quản lý giống ở các cấp sản xuất, như: các địa phương, các công ty, các HTX… Bởi không chỉ riêng ST25 mà hiện nay các loại gạo thơm khác của Việt Nam cũng bị vi phạm bản quyền sở hữu, thậm chí bị pha trộn, mạo nhận thương hiệu...

Cũng trong hôm nay, 20-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng ban hành văn bản thông báo đến bà con nông dân, các đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp về giống lúa: ST24HP và OM18-HP là hai giống lúa không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hai giống này gây nhầm lẫn với giống lúa đã đăng ký bảo hộ hiện nay là ST24 và OM18.

Để động viên, khuyến khích nhóm tác giả giống ST25 tiếp tục nghiên cứu, lai tạo thêm nhiều giống mới có chất lượng, phục vụ nền nông nghiệp nước nhà, từ đó tạo nên hạt gạo chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Ban tổ chức tọa đàm đã tặng nhóm tác giả nghiên cứu giống ST25 phần quà bằng tiền mặt 10 triệu đồng, hoa và kỷ niệm chương.

Kỹ sư Hồ Quang Cua trao biểu tượng Gạo ngon nhất thế giới cho Ban tổ chức tọa đàm.

NGUYỄN PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/42647202-ban-viec-bao-ve-va-phat-trien-thuong-hieu-gao-ngon-nhat-the-gioi-st25.html