Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2023

Sáng 3/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ, Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Đức Minh và các thành viên của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh (Ban).

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Công tác cán bộ nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và đề cao.

Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án số 08-ĐA/TU ngày 12/11/2021 tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Đề án số 12-ĐA/TU ngày 7/9/2022 xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị của tỉnh trong 5 năm, 10 năm, 20 năm đến.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trong đó, mục tiêu cụ thể của các Đề án phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt trên 35%. Chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp ủy và chức danh lãnh đạo, quản lý.

Hiện tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 15,7%. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác lao động, giải quyết việc làm đối với thanh niên và phụ nữ.

Tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản và tỷ lệ nạo phá thai giảm so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đã thành lập 549 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; duy trì hoạt động 6 mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; tổ chức 12 buổi truyền thông về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực cho gần 4.500 giáo viên, học sinh; tổ chức 28 lớp truyền thông cho hơn 4.300 đại biểu là thành viên Ban ở các cấp…

Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo ở các cấp có tăng, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em gái vẫn còn xảy ra. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước và so với quy luật tự nhiên (110,9 bé trai/100 bé gái).

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đề nghị các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban tổ chức khảo sát đánh giá đúng thực trạng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các cấp, mạnh dạn đề xuất các kiến nghị gửi cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.

Tổ chức khảo sát tỷ lệ phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, đánh giá đúng thực trạng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Từng ngành, từng lĩnh vực rà soát lại nhiệm vụ được phân công, đề xuất những nhiệm vụ cụ thể liên quan đến hoạt động của Ban, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban.

Tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, góp phần xóa bỏ các định kiến, các quan niệm không còn phù hợp về vai trò của nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội…

Tin, ảnh: ÁI KIỀU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/202302/ban-vi-su-tien-bo-cua-phu-nu-tinh-trien-khai-nhiem-vu-nam-2023-3155604/