Bán vé xem bóng đá ở Anh khác Việt Nam như thế nào?

Ngay khi lịch thi đấu được công bố, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) lập tức mở hệ thống bán vé nhanh nhất cho người hâm mộ ngay khi có thể.

Trả lời Zing.vn, cổ động viên Anh Scott cho biết quy trình bán vé theo dõi trận đấu của đội tuyển quốc gia diễn ra rất tiện lợi. Chỉ với chiếc điện thoại di động, cổ động viên có thể dễ dàng sở hữu chiếc vé vào sân Wembley, tận hưởng trận đấu. Những bước đăng ký cũng dễ dàng, chỉ cần khai thông tin và thẻ căn cước.

Ngày trước, FA còn phân phối vé đến những quầy bán được đặt rải rác quanh sân vận động diễn ra trận đấu, để người dân tới mua. Còn bây giờ, CĐV không cần làm điều đó. Mọi thứ được tự động hóa. Thậm chí, vé sau khi mua trực tuyến sẽ được gửi tới hộp thư với mã code đính kèm.

CĐV thường mua vé cả mùa tại Premier League.

CĐV thường mua vé cả mùa tại Premier League.

Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Anh có kế hoạch phân phối vé rõ ràng. Họ phát lượng vé nhất định cho đội khách, phần còn lại thuộc về Hội cổ động viên đội chủ nhà. Cuối cùng là vé được bán tại quầy cho khách vãng lai. Mỗi khung giờ bán vé từng loại sẽ được niêm yết và đăng trên website chính thức của LĐBĐ Anh.

Để tiết kiệm chi phí, người dân xứ sở sương mù thường chọn cách đăng ký làm thành viên của hội CĐV. Họ trả vài bảng để có thẻ hội viên, đổi lại LĐBĐ Anh sẽ đảm bảo cho những người này luôn có vé trước trận đấu. Ngoài ra, gia nhập hội CĐV cũng được hưởng nhiều ưu đãi về giá vé.

Theo quy định của đơn vị bán vé tại Anh, mỗi CĐV chỉ được phép mua 2 vé. Khi vào sân, nhân viên an ninh sẽ quét mã code in trên vé để kiểm tra, cũng như nhận dạng có phải chính xác người mua hay không. Cách thức này để giảm tình trạng hoạt động của nhóm trục lợi qua việc bán vé lậu.

Dù vậy, không hề có khái niệm tuyệt đối trong cách kiểm tra vé như trên. Đôi lúc lượng người xem quá đông, các nhân viên an ninh kiểm tra rất sơ sài. Như vậy, những ai mua vé lậu vẫn hoàn toàn có thể vào sân. Còn với tình trạng dùng vé giả để vào sân tại Anh, điều này rất khó xảy ra.

Quy trình mua vé tại Anh thường "tự động hóa".

"Nhân viên an ninh thỉnh thoảng bỏ qua cho những người mua vé lậu. Nhưng không bao giờ có chuyện một người dùng vé giả vào được sân. Quá trình kiểm tra vé thật hay giả thường rất kỹ", cổ động viên Anh chia sẻ.

Theo HLV Steve Darby sinh sống ở Liverpool, trước những trận cầu đinh của tuyển Anh, mỗi người chỉ được mua tối đa 2 vé. Động thái này để tránh tình trạng đưa vé ra chợ đen. Vé lậu buôn bán qua mạng tại Anh là bất hợp pháp, khiến người bán lẫn người mua (nếu bị phát hiện) nhận án phạt.

Luôn có những kẻ hở để lách luật, tuy nhiên tinh thần ái quốc của người Anh theo HLV Steve Darby rất cao. Họ không dùng vé giả hoặc bán cho người khác. Các cầu thủ cũng được phát số lượng vé nhất định. Ngày trước, họ dùng nó để bán ra ngoài, nhưng giờ luật không cho phép.

"Người Anh thường gia nhập hội CĐV, tổ chức được LĐBĐ Anh kiểm soát. Bằng cách này, họ sẽ được đảm bảo mua vé theo dõi các trận đấu của ĐTQG", ông Darby kể với Zing.vn.

Vé xem những trận đấu tại Premier League có khi lên tới 40 bảng.

Còn với vé thuộc những CLB Premier League, 90% lượng vé thuộc về hội viên. Họ cũng toàn mua vé trọn mùa, tức coi hết trận đấu trên sân nhà của CLB con cưng. Khách vãng lai khó mua được tấm vé lẻ nào trong các trận đấu của Liverpool, Manchester United...

Người hâm mộ tại Anh cũng đăng ký mua vé cả mùa trước cả năm trời. Một số đội buộc người mua phải đóng tiền "thế chân" để đặt chỗ trong danh sách mua vé cả mùa. Vé lậu hiếm khi xuất hiện. Người tham gia mua vé cả mùa còn được ưu tiên mua vé xem cúp FA, Champions League...

Nguyên Trí
Ảnh: Getty Images

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ban-ve-xem-bong-da-o-anh-khac-viet-nam-nhu-the-nao-post891705.html