Bán vé vào bảo tàng, công viên: Chưa hợp lý

Việc bán vé vào cửa, thậm chí giá vé khá cao của các bảo tàng là chưa hợp lý.

- “4 năm học đại học trên Hà Nội, em chưa bao giờ đến bảo tàng, không phải không thích mà do tiền vé vào cửa đắt quá”, đó là lời bộc bạch của Trung, một sinh viên năm cuối Đại học Công đoàn.

Nơi chỉ dành cho những người có tiền

Vé vào cửa các bảo tàng ở Hà Nội trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng, đối với người đã đi làm, nó không quá đắt nhưng đối với học sinh, sinh viên nó lại không hề rẻ. Thậm chí đối với đồng lương công chức thì việc dành khoản tiền đó dù để vào bảo tàng tham quan, mở rộng kiến thức cũng khiến nhiều người phải đắn đo suy nghĩ.

Ở Hà Nội có nhiều bảo tàng lớn như bảo tàng Lịch sử quốc gia, bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đã được nhà nước đầu tư nhiều tiền của với mục đích tuyên truyền, nâng cao dân trí, trình độ nhận thức và hiểu biết của người dân nhưng chính giá vé vào cửa vô tình đã trở thành một rào cản lớn đối với rất nhiều người.

Cậu sinh viên Đại học Công đoàn tên Trung hóm hỉnh nói: “Có lẽ các bảo tàng chỉ dành cho những người có điều kiện chứ không phải dành cho những sinh viên nghèo bọn em”.

TS Quách Nghiêm.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Quách Nghiêm cho rằng: “Việc bán vé vào cửa, thậm chí giá vé khá cao của các bảo tàng là chưa hợp lý. Phải khẳng định đây là một loại hình đầu tư công phục vụ chiến lược phát triển dân trí nên không thể coi đây là nguồn thu, không thế thực hiện theo kiểu “lấy thu bù chi” được.

Các bảo tàng được xây dựng với mục đích phát triển dân trí thông qua giáo dục, đó là một chiến lược của đất nước nên phải làm sao cho tất cả mọi người dân đều phải được thụ hưởng những thành quả đó.

Các bảo tàng đáng ra còn phải mở cửa miễn phí, thậm chí sử dụng nhiều biện pháp để kêu gọi, khuyến khích người dân đến tham quan, để những kiến thức đó đến được với càng nhiêu người càng tốt chứ không thể lấy lợi ích trước mắt đặt lên trên”.

Một người làm nghề xe ôm đón khách trước cửa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Nói là Bảo tàng lịch sử Việt Nam nhưng toàn là Tây “ba lô” đến xem chứ khách Việt Nam mình có được mấy người, thanh niên và học sinh thì lại càng hiếm”.

Nghe qua thì bình thường nhưng ngẫm lại thì đó là một nhân xét quá chua chát. Trong khi từ nhiều năm trở lại đây, học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn bị ca thán là yếu về lịch sử một cách trầm trọng thì ở viện bảo tàng lịch sử, một nơi có thể bổ sung những kiến thức lại ít khi có học sinh, sinh viên đến nghiên cứu. Có phải do giá vé quá cao?

“Chúng ta cần học từ các nước tiên tiến, xem họ lấy kinh phí từ đâu để vẫn có tiền duy tu, sửa chữa mà vẫn không bắt người dân phải mua vé vào cửa” - Tiến sĩ Quách Nghiêm chia sẻ.

Có vé mới được vào

Đối với một loại hình “đầu tư công” khác là công viên thì việc quản lý còn lộn xộn hơn nhiều. Dù giá vé vào công viên chỉ khoảng từ 2.000 - 4.000 đồng một lượt nhưng đối với những người thường xuyên đến công viên thì nó cũng gây nhiều bất tiện.

Với giá vé 20.000 đồng cho cả khách nước ngoài và Việt Nam, Bảo tàng lịch sử quốc gia hầu như chỉ có khách nước ngoài tới tham quan.

Bác Chương, một người thường tập thể dục ở công viên Thống nhất chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đã về hưu nên buổi chiều thường vào đây đi bộ cho khỏe người. Mỗi lần vào cửa, hai vợ chồng mắt 8.000 mua vé, lại còn tiền gửi xe nữa, mỗi lần mất hơn chục nghìn, nếu ngày nào cũng đi thì mỗi tháng cũng tốn khối tiền.

Nhưng trên phố đâu cũng chật chội, làm gì có chỗ cho chúng tôi thể dục nên đành phải đến các công viên chứ còn biết đi đâu. Tôi nghĩ là nhà nước xây công viên để phục vụ nhu cầu giải trí, thể dục thể thao của người dân mà cứ lần nào vào cũng thu tiền như vậy là bất hợp lý. Vả lại họ nhìn mặt để bán vé chứ không phải ai cũng mất tiền đâu”.

Quả thật nếu để ý kỹ có thể thấy những người mua vé thường là khách du lịch, những đôi nam nữ hay các gia đình đưa con đến chơi chứ đối với những “khách quen” tập thể dục, chạy bộ, thanh niên đá bóng… đều thản nhiên đi qua cửa mà không bị ai hỏi han gì, thậm chí một số người còn phóng cả xe máy vào trong công viên để đỡ tốn tiền gửi xe.

Cố chạy theo một cậu thanh niên vừa trượt patin vèo qua cửa, tôi bị người bảo vệ chặn lại vì chưa mua vé. Khi thắc mắc về chuyện cậu thanh niên đi trước cũng không mua vé mà vẫn được vào, người bán vé không giải thích mà chỉ lắc đầu hờ hững “mua vé mới được vào!”. Có lẽ họ nhận ra mình không phải là “khách quen”.

Bên cạnh vấn đề này, nhiều người cho rằng tiền xây dựng các bảo tàng, công viên đều lấy từ ngân sách nhà nước, mà đó chính là tiền thuế mà người dân đóng góp. Nay chính những người dân đó, muốn sử dụng những thành quả do mình đóng góp thì lại phải bỏ tiền ra mua vé một lần nữa, như thế liệu có hợp lý không?

Hoàng Linh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/tien-vang/ban-ve-vao-bao-tang-cong-vien-chua-hop-ly-110220.html