Bàn về văn minh những giá trị tốt đẹp

Fukuzawa Yukichi (1834-1901) là nhà tư tưởng, nhà giáo dục có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại. Ông được người Nhật tôn vinh là 'Voltaire của Nhật Bản'. Hình của ông được in trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản, tờ 10.000 yên.

Trong suốt cuộc đời mình, Fukuzawa Yukichi dịch sách, viết sách và xuất bản nhiều tác phẩm nhằm mục đích khai sáng văn minh cho nhân dân Nhật Bản. Bằng trực quan sắc bén và tầm nhìn xa, cùng với lý luận chặt chẽ, lời văn giản dị, khúc triết, tác phẩm của Fukuzawa Yukichi đã được mọi tầng lớp công chúng Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt, như “đang khát gặp nước”. Có những tác phẩm như Khuyến học, khi mới in lần đầu, đã đạt được số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản đương thời chỉ khoảng 35 triệu người, trở thành sách gối đầu giường theo đúng nghĩa của mọi người dân Nhật thời kỳ Duy tân.

Fukuzawa Yukichi - Nhà tư tưởng, nhà giáo dục có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại.

Nền tảng lý luận để Nhật Bản từ một quốc gia lạc hậu trong thế kỷ 19 trở thành một cường quốc hiện nay thuộc về giá trị của một trong những tác phẩm lớn của Fukuzawa Yukichi, có tên Bàn về văn minh. Ra đời năm 1875, ở thời điểm chuyển giao, khi Nhật Bản bắt đầu có những bước chuyển mình trong công cuộc Canh Tân Minh Trị song vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tư duy theo lối thủ cựu Nho giáo, tác phẩm đã góp phần thay đổi thế giới quan của người Nhật đương thời.

Từ những đặc điểm và sự phát triển của văn minh các quốc gia châu Âu, Fukuzawa Yukichi đã nêu lên những điểm khác biệt, những sự lạc hậu của Nhật Bản đương thời. Từ đó, ông lý giải rõ hành trình mà Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới và nhấn mạnh tiến lên văn minh là cách để xây dựng nền độc lập dân tộc. Theo ông, “Lý do duy nhất để thúc đẩy dân tộc Nhật Bản tiến bước trên con đường văn minh chính là để giữ gìn độc lập”.

Phản hồi lại các tư tưởng của những tác gia phương Tây đương thời như John Stuart Mill, Herbert Spencer, Thomas Buckle, Francois Guizot, cũng như phân tích thấu đáo hình thái tù đọng, đơn điệu của xã hội châu Á, Fukuzawa đã khích lệ cả tinh thần quốc gia lẫn tinh thần cá nhân, ngợi ca xu hướng tự do của khu vực tư nhân. “Đọc vị” một cách sâu sắc các hình thái xã hội chậm tiến khác nhau đang vật lộn trên con đường phát triển, Fukuzawa Yukichi đã sáng suốt dự báo và khẳng định mô hình văn minh phương Tây như một con đường bắt buộc phải theo cho mọi quốc gia muốn tiến tới văn minh, tiến bộ; đồng thời, giúp độc giả nhận chân những giá trị tốt đẹp, những giá trị vĩnh cửu, mà một quốc gia, một thể chế có thể đem đến cho mỗi con người.

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: Mỗi lần nói về Nhật Bản, lại không thể không nghĩ về mình. Sau hàng trăm năm đấu tranh và mấy cuộc chiến tranh liên miên, khốc liệt và anh hùng, chúng ta đã có được độc lập. Nhưng chúng ta còn một món nợ: cái bước tự luyện mình, dân tộc mình, từ “thô ráp” đến “tinh tế” để thật sự thành văn minh như người Nhật đã làm dưới sự dắt dẫn của những trí thức vĩ đại như Fukuzawa Yukichi, cái bước ấy ta chưa đi qua. Cho nên cuốn sách này của Fukuzawa Yukichi vẫn còn nguyên tính thời sự với chúng ta.

“Trước hết, văn minh là một thứ tương đối và không hề có giới hạn khi nói về trình độ văn minh. Văn minh đơn giản là việc thoát khỏi trạng thái cố hữu mà dần dần tiến bộ. Bản chất của nhân loại xưa nay là sống dựa trên sự giao tiếp với nhau. Trong trạng thái cô lập thì không thể nảy sinh trí lực và tài năng. Chỉ những người trong gia đình tập hợp lại với nhau thì vẫn chưa thể gọi là sự giao tiếp đầy đủ giữa người với người. Cả xã hội càng giao hòa, người càng tiếp xúc với người và sự tiếp xúc đó ngày càng mở rộng, thì pháp luật càng tiến bộ, cũng như tính người sẽ càng thêm văn minh và trí tuệ con người sẽ càng thêm phát triển.

Trong tiếng Anh “văn minh” được gọi là “civilization”, có chữ nguyên là từ Latinh “civitas”, nghĩa là quốc gia. Cho nên “văn minh” miêu tả trạng thái mà sự giao tiếp của con người được cải biến và tiến bộ theo hướng tích cực. Nó là tình trạng lập nên thể chế của một nước, đối lập với tình trạng cô lập dã man, vô pháp.

Tác phẩm Bàn về văn minh hiện đã có trên thị trường sách Việt Nam.

An Hà

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ban-ve-van-minh-nhung-gia-tri-tot-dep-n145917.html