Bàn về ủy quyền kháng cáo theo quy định tại khoản 6, Điều 272, BLTTDS 2015

Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định về đơn kháng cáo với nhiều sửa đổi, bổ sung so với Điều 244 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Trong đó, quy định về ủy quyền kháng cáo còn có cách hiểu khác nhau.

So với quy định về người có quyền kháng cáo trong BLTTDS năm 2004, quy định trong Bộ luật TTDS 2015 đã có sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về chủ thể, đối tượng kháng cáo. Cụ thể “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm” Điều 271 BLTTDS 2015.

Như vậy, chủ thể có quyền kháng cáo là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện. Đối tượng của việc kháng cáo bao gồm: Bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm. Thủ tục thực hiện quyền kháng cáo là làm đơn kháng cáo, đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự của VKSND TP Hà Nội tác giả nêu lên một vấn đề hiện còn nhiều sự tranh cãi về mặt pháp lý cũng như các cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng với nhau cũng như giữa những người tiến hành tố tụng với luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự về ủy quyền kháng cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 272 BLTTDS năm 2015.

TAND TP Hà Nội phối hợp cùng VKSND TP Hà Nội tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm trực tuyến với 30 đơn vị Tòa án và Viện Kiểm sát hai cấp. Ảnh minh họa

TAND TP Hà Nội phối hợp cùng VKSND TP Hà Nội tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm trực tuyến với 30 đơn vị Tòa án và Viện Kiểm sát hai cấp. Ảnh minh họa

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể sau đây:

Ngày 22/06/2012, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (gọi tắt là GPBank) và anh Bùi Đ. và chị Nguyễn L. ký kết Hợp đồng tín dụng theo đó GPBank cho anh Đ. và chị L. vay số tiền vay 3 tỉ đồng với mục đích tiêu dùng, thời gian vay 12 tháng kể từ ngày 22/6/2012.

Để đảm bảo cho khoản vay trên ông Bùi Lê H. và bà Đặng Thị D. đã tự nguyện ký Hợp đồng thế chấp tại thửa đất số 35, tờ bản đồ số 08 tại xã T, huyện TT, Hà Nội diện tích 133m2, do UBND huyện TT, thành phố Hà Nội cấp ngày 22/9/2003 đứng tên Ông Bùi Lê H.

Do anh Đ. và chị L. vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên năm 2014 GPBank bán nợ lại cho Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Ngày 19/8/2019, VAMC yêu cầu anh Đ. và chị L. phải trả cho VAMC tổng số tiền 8,48 tỉ đồng (sau đây xin được làm tròn - PV). Trong đó: Nợ gốc: 3 tỉ đồng; Nợ lãi trong hạn: 3,38 tỉ đồng; Nợ lãi quá hạn: 2,09 tỉ đồng. Trường hợp anh Đ. và chị L. không thanh toán được toàn bộ nghĩa vụ nợ gốc và lãi thì VAMC yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên phát mại tài sản thế chấp là toàn bộ diện tích đất 133m2 và ngôi nhà 3 tầng trên thửa đất số 35 tờ bản đồ số 08 tại thôn H, xã T, huyện TT để thanh toán hết toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho VAMC.

Quá trình giải quyết vụ án Bị đơn anh Bùi Đ. và chị Nguyễn L. xác nhận về thời gian ký kết hợp đồng và khoản tiền vay cũng như toàn bộ số nợ mà VAMC đề nghị VAMC cho anh, chị giãn nợ trả dần. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Bùi Lê H. và bà Đặng Thị D. đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với ngôi nhà 3 tầng trên thửa đất số 35 tờ bản đồ số 08 tại thôn H, xã T, huyện TT là do anh Đặng Việt D. xây dựng thuộc quyền sở hữu của anh D. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm ngày 15/10/2019, Tòa án nhân dân huyện TT, thành phố H đã xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VAMC. Buộc anh Bùi Đ. và chị Nguyễn L. phải trả cho VAMC số tiền phát sinh theo Hợp đồng tín dụng Tổng số tiền 8,48 tỉ đồng (Trong đó: Nợ gốc: 3 tỉ đồng; Nợ lãi trong hạn: 3,38 tỉ đồng; Nợ lãi quá hạn : 2,09 tỉ đồng)

Anh Đ. và chị L. còn phải thanh toán các khoản lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho VAMC cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

2. Trường hợp anh Bùi Đ. và chị Nguyễn L. không trả được nợ thì VAMC có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mại tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên thửa đất tại thửa số 35, tờ bản đồ số 08 tại xã H, huyện TT, thành phố H diện tích 133m2 do ủy ban nhân dân huyện TT, thành phố H cấp ngày 22/09/2003 đứng tên ông Bùi Lê H. Theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba số công chứng số 666/2010 ngày 5/02/2010 được lập tại Phòng công chứng số 7 thành phố Hà Nội.

4. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Đặng Việt D. do ông Vũ Đình T. làm đại diện.

Ngoài ra Tòa án còn tuyên về án phí quyền kháng cáo, quyền thi hành án của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, do không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm nên trong thời hạn kháng cáo, ông Vũ Đình T. đã thay mặt anh Đặng Việt D. kháng cáo đối với bản án sơ thẩm và nộp đơn kháng cáo cho TAND huyện TT. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: Công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với ngôi nhà 3 tầng trên thửa đất số 35 tờ bản đồ số 08 tại xã H huyện TT thuộc quyền sử dụng và sở hữu của anh Đặng Việt D.

Ngày 25/12/2019, TAND TP H. thụ lý phúc thẩm. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và Văn bản ủy quyền được ký tại Văn phòng công chứng TT với nội dung và phạm vi ủy quyền như sau:

“Ông Vũ Đình T. được đại diện cho anh Đặng Việt D. tham gia tố tụng tại TAND các cấp; được thay mặt anh D. thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự theo pháp luật quy định; được quyết định mọi việc có liên quan trong quá trình tham gia tố tụng giải quyết vụ án; anh Đặng Việt D. cam kết chấp hành đúng những gì đã được xác lập trong tờ ủy quyền và không khiếu nại về sau; thời gian ủy quyền: cho đến khi vụ án được giải quyết xong”.

Quang cảnh một phiên Tòa dân sự. Ảnh minh họa.

Với nội dung trong văn bản ủy quyền như trên có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Vũ Đình T. với lý do: ông T. không được quyền kháng cáo thay cho anh D. bởi văn bản ủy quyền không ghi rõ là ông T. được ủy quyền kháng cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015. Do đó đơn kháng cáo không hợp lệ.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Đơn kháng cáo của ông Vũ Đình T. hợp lệ. Bởi lẽ, nội dung và phạm vi ủy quyền của anh Đặng Việt D. ghi cụ thể là ông T. được đại diện cho anh tham gia tố tụng tại TAND các cấp; được thay mặt anh D. thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự theo pháp luật quy định bao gồm cả quyền kháng cáo bản án của Tòa án.

Qua nghiên cứu các quy định Điều 134 và Điều 562 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định tại Điều 85 BLTTDS 2015 quy định về người đại diện. Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, “toàn quyền giải quyết vụ án tại Tòa án nhân dân các cấp” nội hàm của nó đã bao gồm cả quyền kháng cáo. Bên cạnh đó, Điều 271 BLTTDS 2015 về người có quyền kháng cáo cũng quy định: “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm” mà như đã nêu ở trên, đại diện hợp pháp bao gồm đại diện theo pháp luật và theo ủy quyền.

Khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015 quy định: Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

Như vậy, quy định tại khoản 6 Điều 272 BLTTDS được áp dụng cho trường hợp chưa có ủy quyền hoặc có ủy quyền nhưng phạm vi ủy quyền không bao gồm quyền kháng cáo hoặc tại thời hạn ủy quyền đã hết. Để hiểu rõ hơn tác giả đưa ra cụ thể vụ việc như sau:

Ngày 17/7/2019 ông Nguyễn Văn G. ủy quyền cho anh Nguyễn Văn P. Giấy ủy quyền được lập tại UBND xã Hồng Dương. Nội dung ủy quyền như sau:

“Nay tôi ủy quyền toàn bộ quyền, lợi nghĩa vụ của tôi cho anh Nguyễn Văn P. trực tiếp thay mặt tôi đến Tòa án nhân dân huyện TO giải quyết vụ việc “Đòi tài sản” có liên quan đến việc thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TO, thành phố H để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho tôi theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, với Giấy ủy quyền trên thì phạm vi ủy quyền của anh P chỉ được thay mặt cho ông G đến Tòa án nhân dân huyện TO giải quyết liên quan đến vụ việc “Đòi tài sản” và việc thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TO, thành phố H”. Do đó, trong vụ án này thì đơn kháng cáo của anh P không hợp lệ nên không được xem xét giải quyết.

Qua phân tích và dẫn chứng vụ việc cụ thể như trên tác giả cho rằng: Đối với trường hợp đương sự đã ủy quyền cho người khác đại diện cho mình toàn quyền giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp thì văn bản ủy quyền không cần thiết phải chi rõ nội dung là ủy quyền kháng cáo.

Để phù hợp với tình hình thực tế, tránh việc áp dụng không đúng quy định tại điều 272 của BLTTDS thiết nghĩ 02 ngành Tòa án và Viện kiểm sát cần có văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật việc ủy quyền khángcáo theo quy định tại Khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015.

Ths Lê Thị Hồng Hạnh - VKSND TP Hà Nội

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/ban-ve-uy-quyen-khang-cao-theo-quy-dinh-tai-khoan-6-dieu-272-blttds-2015-93277.html