Bàn về 'Nhiệm vụ của lực lượng BĐBP' trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội, dự kiến dự án Luật Biên phòng Việt Nam (sau đây gọi là dự án Luật) sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Cho đến nay, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng để hoàn thiện dự án Luật và đồng thuận cao với việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, BĐBP Thừa Thiên Huế cùng nhân dân tuần tra bảo vệ biên giới biển. Ảnh: Viết Hà

Tuy nhiên, trong quá trình đóng góp, vẫn còn có ý kiến chưa thống nhất về một số nội dung trong dự án Luật, thậm chí có lúc tranh luận gay gắt; trong đó, có nội dung về “Nhiệm vụ của lực lượng BĐBP”.

Nhiệm vụ Biên phòng là một trong ba chính sách được đánh giá tác động, xác định để xây dựng dự án Luật. Trong dự thảo Luật đã quy định nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan, lực lượng chức năng và sự tham gia của nhân dân ở khu vực biên giới (KVBG) đối với công tác bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định nhiệm vụ của lực lượng BĐBP với vai trò của lực lượng chuyên trách, chủ trì thực hiện nhiệm vụ ở hai nhóm quản lý biên giới quốc gia, KVBG và bảo vệ biên giới quốc gia, KVBG.

Vấn đề đặt ra ở đây là, có ý kiến còn băn khoăn, chưa thật sự đồng thuận với cơ quan soạn thảo dự án Luật về nhiệm vụ “Chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”; theo thuật ngữ chính trị - pháp lý (sau đây viết ngắn, gọn là nhiệm vụ: “Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới cửa khẩu”).

Trước hết, nội dung thể hiện của nhiệm vụ trên có cơ sở chính trị, pháp lý hết sức vững chắc. Về cơ sở chính trị, nội dung nhiệm vụ “Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu” là sự thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng ta đối với nhiệm vụ công tác Biên phòng.

Cụ thể: Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 8-8-1995 về xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới xác định: “BĐBP là một lực lượng làm nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao”; Thông báo 165-TB/TW, ngày 22-12-2004 của Ban Chấp hành Trung ương về việc Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức của BĐBP chỉ rõ: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lấn chiếm biên giới, vi phạm chủ quyền và chống các hoạt động xâm nhập, vượt biên phá hoại an ninh, trật tự của địch và các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ qua biên giới”.

Về cơ sở pháp lý, việc quy định nhiệm vụ “Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG cửa khẩu” là đảm bảo thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Cụ thể: Khoản 2, Điều 31 Luật Biên giới quốc gia, năm 2003, quy định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật”; tại điểm c, khoản 1, Điều 22 Luật An ninh quốc gia cũng xác định: “BĐBP, Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển”; trong khoản 2 Điều 35 Luật Quốc phòng, năm 2018 cũng quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: “…duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Thứ hai, lịch sử sự hình thành, phát triển của lực lượng BĐBP đã chứng minh tính đúng đắn, khoa học của nhiệm vụ này. Với trên 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển; trong đó, lực lượng BĐBP đã có 28 năm gắn bó, trực thuộc với Bộ Công an và trên 33 năm thuộc Bộ Quốc phòng, với tên gọi đầu tiên là Công an nhân dân vũ trang (được hợp nhất bởi bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang theo Nghị định 100-TTg ngày 3-3-1959 của Chính phủ); nhiệm vụ của Công an nhân dân vũ trang là: “Trấn áp bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, và những phần tử phá hoại khác; luôn luôn sẵn sàng cùng quân đội nhân dân, dân quân du kích và nhân dân chiến đấu để bảo vệ an ninh nội địa, biên giới, giới tuyến, bờ biển, bảo vệ an ninh các thành phố, thị xã, các cơ quan, các cơ sở kinh tế và văn hóa quan trọng,...”.

Như vậy, dù thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng thì chức năng, nhiệm vụ của BĐBP cơ bản không thay đổi; trong đó, BĐBP luôn được xác định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Lịch sử sự hình thành, phát triển lực lượng BĐBP cũng đã chứng minh, BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu; được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, nhân dân và chính quyền địa phương nơi biên giới ghi nhận.

Thứ ba là, nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự của BĐBP được thực hiện ở địa bàn có tính chất đặc thù và theo chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định.

KVBG bao gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia; khu vực cửa khẩu gắn với đường biên giới quốc gia, bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu. Đây là những địa bàn có tính đặc thù, có quy chế pháp lý điều chỉnh về các lĩnh vực xuất, nhập qua cửa khẩu và ra, vào, hoạt động tại đây. Đặc biệt, KVBG, cửa khẩu gắn liền với đường biên giới quốc gia, liên quan trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mối quan hệ biện chứng với nội dung này.

Bên cạnh đó, thực tiễn cũng chứng minh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu, lực lượng BĐBP luôn tôn trọng và thực hiện theo chức năng, quyền hạn của mình được quy định tại Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… khi phát hiện các vụ việc về an ninh, trật tự xảy ra ở KVBG, cửa khẩu, trên cơ sở chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định, BĐBP chủ động giải quyết có hiệu quả; chưa phát hiện việc BĐBP xử lý vụ việc sai chức năng, thẩm quyền theo luật định.

Thứ tư, nhiệm vụ “Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu” của BĐBP được đặt trong mối quan hệ với từng nhóm nhiệm vụ. Nhiệm vụ “Chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu” trong dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo tính toán, cân nhắc xây dựng phù hợp, không chồng chéo với nhiệm vụ quy định tại Điều 14 của Luật An ninh quốc gia. Bên cạnh đó, nhiệm vụ này còn được đặt trong tổng thể mối quan hệ với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ Biên phòng của cả hệ thống chính trị, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang… Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với tư cách là chủ thể nòng cốt, chuyên trách.

Thực tiễn cho thấy, lực lượng BĐBP đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng đứng chân ở biên giới (Công an, Hải quan, Kiểm dịch, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Cảnh sát biển…) trong bảo đảm an ninh, trật tự ở biên giới, cửa khẩu, duy trì thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về an ninh quốc gia, ma túy, mua bán người… góp phần quan trọng ổn định tình hình KVBG, cửa khẩu, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Vấn đề thứ năm cũng hết sức quan trọng là, bảo đảm an ninh, trật tự có mối liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng; đặc biệt là ở KVBG, cửa khẩu. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hành vi xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, đối ngoại, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến.

Đây chính là hai thành tố cơ bản, thể hiện cho sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; hai lĩnh vực có quan hệ khăng khít, xuyên suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, trong các kỳ Đại hội Đảng, nội dung về an ninh, quốc phòng luôn được thể hiện rõ ở trên từng lĩnh vực cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa chúng với nhau..

Ở KVBG, cửa khẩu, hoạt động của lực lượng BĐBP có cả tính chất quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, thẩm quyền nói riêng, lực lượng BĐBP phải kết hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm an ninh, trật với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng. Thể hiện rõ nét nhất là việc lực lượng BĐBP phối hợp với Công an, Quân sự trong triển khai thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Chủ trì bảo đảm an ninh trật tự ở KVBG, cửa khẩu vừa là nhiệm vụ vừa là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng BĐBP. Từ những luận giải trên, việc luật hóa nội dung trên trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam là hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đồng thời, bảo đảm tính khả thi của quy định này khi triển khai thực hiện trong cuộc sống.

Thượng tá, TS Trần Văn Hiếu - Phòng Khoa học quân sự, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-ve-quotnhiem-vu-cua-luc-luong-bdbpquot-trong-du-an-luat-bien-phong-viet-nam-post432155.html