Bàn về giá trị nguyên bản của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) – là danh hiệu vừa được UNESCO trao cho vùng địa lý Non nước Cao Bằng. Có ít nhất 5 tiêu chí về tăng trưởng đối với Cao Bằng được đặt ra sau khi công bố danh hiệu này. Như vậy, trong tương lai gần, Cao Bằng sẽ có được điều gì khi giờ đây, mọi thứ mới chỉ bắt đầu?

Vùng hồ Thang Hen, Trà Lĩnh, Cao Bằng mùa cạn nước. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Vùng hồ Thang Hen, Trà Lĩnh, Cao Bằng mùa cạn nước. Ảnh: Trương Thúy Hằng

5 tiêu chí đối với một CVĐCTC là tăng trưởng du lịch, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương, gia tăng nhận thức về môi trường địa chất, bảo vệ tốt những giá trị di sản và kích thích tăng trưởng kinh tế - xã hội. Để CVĐCTC trở thành một mô hình phát triển kinh tế - xã hội có lẽ luôn là tiêu chí tiên phong và mục tiêu của các địa phương may mắn sở hữu những vùng lãnh thổ có giá trị địa chất địa mạo cảnh quan đặc biệt.

Trên lãnh thổ Việt Nam, các vùng có giá trị dạng này gồm: Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng, đảo Lý Sơn, vùng địa chất núi lửa hạ nguồn sông Serepok... Trong đó, Non nước Cao Bằng là một vùng rộng lớn với diện tích hơn 3.275km2, nằm trên 9 huyện của tỉnh Cao Bằng, gồm: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là địa bàn cư trú hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người.

Theo hồ sơ khoa học trình UNESCO, Non nước Cao Bằng có các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Cùng với đó là nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản... Tất cả minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

Như vậy, phải khẳng định rằng, giá trị nguyên bản của CVĐCTC Non nước Cao Bằng là giá trị mang tính khoa học. Giá trị này luôn kích thích khao khát khám phá sự kì diệu của tự nhiên, làm dày thêm hiểu biết về dư địa chí và niềm vui được đóng góp vào việc giữ gìn môi sinh của con người. Là CVĐCTC thứ 2 của Việt Nam sau cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng có cơ hội tránh đi những bất cập về bảo tồn và khai thác mà Hà Giang đã gặp phải, đồng thời, phát triển lên một mức cao hơn những bài học có được trong lĩnh vực này.

Chúng tôi may mắn có mặt tại vùng Non nước Cao Bằng trong thời điểm tỉnh Cao Bằng hồi hộp và mong chờ UNESCO chính thức công nhận danh hiệu CVĐCTC cho vùng đất này. Tất cả cảnh quan và con người ở đây bình yên và hoang sơ như vốn có. Một trong những điểm nhấn quan trọng của CVĐCTC Non nước Cao Bằng là thác Bản Giốc – một thác nước nằm trong nhóm những thác nước đẹp nhất nằm trên đường biên giới đã được 2 quốc gia chung đường biên giới là Việt Nam và Trung Quốc khai thác ổn định từ nhiều năm nay. Tại Trà Lĩnh, địa danh hồ Thang Hen với 36 hồ liên thông cùng các hang ngầm kì thú, núi thủng Nậm Trá hoàn toàn là một nơi hoang sơ và có cảnh quan tuyệt đẹp, hấp dẫn. Chưa kể tới điều hấp dẫn hơn cả là cuộc sinh hoạt đầy sắc màu của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng di sản.

UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CVĐCTC từ cách đây 2 năm trước. 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC được hình thành gồm có tuyến du lịch cụm phía Tây "Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay" (Nguyên Bình); tuyến du lịch cụm phía Bắc "Hành trình về nguồn cội" (Hòa An, Hà Quảng); tuyến du lịch cụm phía Đông "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" (Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang). Như vậy, 3 nhóm vấn đề giá trị cảnh quan, giá trị lịch sử và giá trị truyền thống văn hóa lâu đời của Cao Bằng đều được đưa vào khai thác. Trong đó có nhiều sáng kiến về sinh kế, bảo tồn và phát triển du lịch được đưa ra.

Cao nguyên đá Đồng Văn những năm gần đây đã kiến tạo nên một hiện tượng du lịch hấp dẫn dành cho giới trẻ vì cảnh quan đẹp, hoang sơ và lạ lẫm. Nhưng nhìn lại nỗ lực của địa phương bồi đắp cho hình ảnh của một CVĐCTC thì dường như dấu ấn để lại không gây bất cứ ấn tượng nào. Cho đến bây giờ, phát hiện về các hóa thạch cổ sinh gần như chẳng ai biết đến. Các tấm bảng ghi chép về các giá trị này để ngoài trời hư hỏng dần trong quên lãng. Các tài liệu về vận động tạo sinh, giá trị về địa chất địa mạo không được phổ biến rộng rãi. Người địa phương thì càng không hiểu biết gì về giá trị khoa học vượt trội này. Khách du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn gia tăng theo từng năm, một số dịch vụ khai thác nhỏ lẻ xuất hiện dần dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Lễ hội Hoa tam giác mạch được ghi nhận là một hoạt động bề nổi đáng kể để xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương. Nhưng tất cả chỉ là bề nổi, tầng sâu giá trị nguyên bản của Hà Giang không được khai thác. Khách du lịch tìm tới cao nguyên đá theo trào lưu, tiêu dùng không đáng kể và không tận hưởng hoàn toàn cảnh quan địa chất, giá trị lịch sử cũng như văn hóa bản địa. Theo tự nhiên, những gì không được bảo toàn thì sẽ hao hụt theo thời gian và đó là tương lai gần, điều đáng lo ngại cho màu sắc văn hóa của vùng đất đặc biệt này.

Tương tự như vậy, vào thời điểm này, Non nước Cao Bằng vẫn chỉ dừng ở tiềm năng, chưa có đủ dịch vụ khai thác. Hạ tầng giao thông ở mức thấp, không tiện nghi. Một số điểm đến được biết tới kiểu “nghe nói”, “nghe đồn”. Vùng hồ Thang Hen được các bạn trẻ ưa khám phá tùy tiện gọi là “Tuyệt tình cốc”, bây giờ cái tên này trở thành phổ biến trên mạng Internet, hiện ra ngay trên ô tìm kiếm kết quả đầu tiên, trong khi địa danh này có một giá trị đặc biệt về mặt địa chất.

Vào mùa mưa, vùng 36 hồ tự nhiên chứa nước thông nhau bằng các hang ngầm trong núi đá vôi. Mùa khô, lòng hồ cạn nước và thực vật tự nhiên phát triển thành thảm cỏ, cây tự nhiên và động thực vật phong phú hấp dẫn. Thay vì phải gán cho cảnh quan bao nhiêu câu chuyện huyền thoại không có thật kiểu như có người con gái con trai khóc thành sông, hóa núi... đã trở nên quá nhàm chán, quen thuộc và không có màu sắc riêng, đã đến lúc trả lại cho cảnh quan đúng giá trị nguyên bản, khai thác di sản bằng nội lực tự thân nó. Đó là hành trình lâu dài và bền vững.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ban-ve-gia-tri-nguyen-ban-cua-cong-vien-dia-chat-toan-cau-non-nuoc-cao-bang/