Bàn về bộ chỉ số chất lượng kiểm toán hiện nay

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phạm vi hoạt động kinh doanh của các đơn vị có lợi ích công chúng đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia, vì vậy việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán (AQIs) là những công việc chúng ta bắt buộc phải làm để thực hiện cam kết hội nhập trong hoạt động kiểm toán độc lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các thông tin chung về bộ chỉ số chất lượng kiểm toán (Audit quality indicators – AQIs)

Giới thiệu chung

Tính trung thực và độ tin cậy của báo cáo tài chính (BCTC) do tổ chức niêm yết (TCNY) lập phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng của BCTC do các đơn vị có lợi ích công chúng mà ở đây là TCNY lập, chất lượng của cuộc kiểm toán, sự giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với Ban giám đốc (BGĐ) của TCNY, các nỗ lực và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Các quốc gia đều cố gắng cải thiện tất cả các yếu tố này nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thông tin tài chính trung thực và tin cậy nhất để nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp.

Đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu để định nghĩa và đo lường chất lượng kiểm toán. Các công trình nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ giữa chất lượng kiểm toán với nhiều nội dung, gồm khối lượng công việc kiểm toán đã thực hiện, tỷ lệ các sai sót phát hiện được, tính chính xác của ý kiến kiểm toán về vấn đề hoạt động liên tục của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn...

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số nhân tố đầu vào, đầu ra và trong quá trình kiểm toán, khi xem xét tổng thể, có thể chỉ ra khả năng và cam kết của doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), nhóm kiểm toán trong việc cung cấp một dịch vụ kiểm toán có chất lượng cao.

Các yếu tố này gồm: hệ thống và quá trình kiểm soát chất lượng, các đặc điểm của nhóm kiểm toán, kết quả các cuộc kiểm tra nội bộ và bên ngoài... Do đó, cần có một cách thức tập hợp các yếu tố này lại để hỗ trợ cho quá trình hiểu và đánh giá chất lượng kiểm toán. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu đề xuất một tài liệu tập hợp được các yếu tố nói trên (trên cơ sở có thể đo lường và so sánh) hay còn gọi là Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán (AQIs).

Kiểm toán BCTC của các đơn vị có lợi ích công chúng là một nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy của thông tin trong BCTC của các đơn vị có lợi ích công chúng. Trên thế giới đã có một số trường hợp tập đoàn kinh tế lớn phá sản trong khi BCTC công khai có nhiều sai sót trọng yếu nhưng vẫn được kiểm toán viên (KTV) và DNKT xác nhận là trung thực và hợp lý.

Điều này càng khẳng định thêm về tình trạng khẩn cấp và yêu cầu phải tăng cường hơn nữa các quy định liên quan đến chất lượng kiểm toán BCTC của các đơn vị có lợi ích công chúng. Trước tình hình đó, tháng 02/2014, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) cũng đã ban hành Khuôn khổ về chất lượng kiểm toán, trong đó xác định các yếu tố quyết định đến chất lượng kiểm toán.

Hiện nay, DNKT ở các nước là thành viên Liên minh châu Âu bắt buộc phải thực hiện việc công bố báo cáo minh bạch, trong đó có các chỉ số về chất lượng kiểm toán. Pháp luật của nhiều nước về các vấn đề kiểm toán BCTC của các đơn vị có lợi ích công chúng được quy định rất nghiêm ngặt và luôn được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp trong từng thời kỳ, trong đó có quy định Bộ chỉ số AQIs.

Mục đích ban hành

Ngày nay, khách hàng lựa chọn nhà cung cấp dựa trên nhiều yếu tố, không phải chỉ dựa vào giá cả. Với dịch vụ kiểm toán, ban kiểm soát (BKS) của khách hàng cũng lựa chọn DNKT dựa trên nhiều yếu tố. Các yếu tố đó phải thể hiện được năng lực của DNKT trong việc cung cấp một dịch vụ kiểm toán có chất lượng, từ đó giúp BKS hoàn thành nhiệm vụ của họ.

Vì vậy, Bộ chỉ số AQIs được ban hành, trước hết sẽ góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả cuộc trao đổi giữa BKS của khách hàng với KTV về chất lượng cuộc kiểm toán, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán BCTC thông qua:

(1) Hỗ trợ BKS khách hàng đánh giá rủi ro chất lượng kiểm toán, bổ nhiệm, duy trì hoặc thay thế KTV và giám sát KTV, DNKT;

(2) Hỗ trợ DNKT chứng minh khả năng và thể hiện cam kết trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán có chất lượng cao, từ đó thúc đẩy việc cạnh tranh lành mạnh giữa các DNKT trên cơ sở chất lượng;

(3) Giúp cơ quan quản lý đánh giá được xu hướng phát triển của nghề nghiệp kiểm toán, từ đó đưa ra các chính sách, công cụ hỗ trợ chất lượng kiểm toán kịp thời cũng như lập các kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp.

Ngoài ra, Bộ chỉ số AQIs có tính tương đồng, thống nhất giữa các nước trên thế giới sẽ là cách tốt nhất để DNKT quốc gia trở thành doanh nghiệp toàn cầu nếu đáp ứng được các chỉ số chất lượng này.

Cơ quan ban hành Bộ chỉ số AQIs

Trên thế giới, Bộ chỉ số AQIs do các cơ quan quản lý, giám sát có thẩm quyền ban hành, cụ thể:

- Mỹ: Ủy ban Giám sát các DNKT được chấp thuận (PCAOB);

- Anh: Hội đồng BCTC (FRC);

- Singapore: Cơ quan ban hành chính sách kế toán và doanh nghiệp (ACRA);

- Thụy Sỹ: Hội đồng Giám sát Kiểm toán (FAOA);

- Canada: Ủy ban trách nhiệm công chúng Canada (CPAB);

Đối tượng lập Bộ chỉ số AQIs

DNKT sẽ tính toán dữ liệu cho các chỉ số, cả ở cấp độ doanh nghiệp và cấp độ hợp đồng dịch vụ.

Các bên sẽ kiểm tra tính chính xác, phù hợp của Bộ chỉ số AQIs

Khách hàng kiểm toán (TCNY), cơ quan quản lý nhà nước (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).

Các đối tượng chính sử dụng và ý nghĩa đối với từng bên sử dụng

Bộ chỉ số AQIs có thể được sử dụng bởi nhiều bên liên quan trong việc lập và sử dụng BCTC (xem Bảng 1).

Các thông tin cụ thể về bộ chỉ số AQIs

Nội dung Bộ chỉ số AQIs

Bộ chỉ số AQIs còn nhiều điểm khác nhau giữa các tổ chức ban hành: Một số tổ chức quy định bộ chỉ số này mang tính bắt buộc áp dụng, một số khác xem đây là tài liệu có tính hướng dẫn; Có tổ chức đưa ra 37 chỉ số trong Bộ chỉ số AQIs như ở Hà Lan hoặc của PCAOB (Mỹ) là 28 chỉ số, nhưng nhiều tổ chức khác chỉ đưa ra chưa đến 10 chỉ số (chẳng hạn như Singapore chỉ có 8 chỉ số).

Bộ chỉ số AQIs bao gồm các chỉ số phản ánh cả yếu tố đầu vào, đầu ra và trong quá trình kiểm toán quyết định tới chất lượng kiểm toán.

Bộ chỉ số này thường bao gồm một số chỉ số chất lượng thể hiện ở cấp độ DNKT, một số chỉ số ở cấp độ hợp đồng dịch vụ và một số chỉ số thể hiện cả hai cấp độ. Thông thường, các chỉ số chất lượng ở cấp độ DNKT sẽ được công khai để các bên liên quan chính có thể tiếp cận (như trình bày trên báo cáo minh bạch của DNKT) nhằm cung cấp thông tin thể hiện khả năng, cam kết và các biện pháp đảm bảo chất lượng mang tính tổng thể của DNKT; các chỉ số chất lượng ở cấp độ hợp đồng dịch vụ cụ thể thường chỉ cung cấp cho BKS của khách hàng thông qua hồ sơ dự thầu, báo cáo hàng năm sau khi kết thúc cuộc kiểm toán để BKS lựa chọn và giám sát KTV.

Bộ chỉ số AQIs bao gồm các chỉ số định lượng và các chỉ số định tính, trong đó cần tối đa các chỉ số có thể lượng hóa được để giúp BKS khách hàng dễ dàng so sánh.

Bảng 2 trình bày một số chỉ số chất lượng kiểm toán phổ biến trong Bộ chỉ số AQIs của 9 tổ chức đã ban hành hoặc chuẩn bị ban hành trên thế giới, được xếp theo mức độ phổ biến/số lần xuất hiện trên tổng số 9 Bộ chỉ số AQIs. Tuy nhiên trong từng Bộ chỉ số AQIs của các tổ chức, các chỉ số thường được xếp thành nhóm phản ánh đầu vào, đầu ra, quá trình kiểm toán...

Ví dụ một số hướng dẫn và Bộ chỉ số AQIs của các tổ chức trên thế giới

a) Theo Khuôn khổ về chất lượng kiểm toán (các yếu tố tạo nên môi trường cho chất lượng kiểm toán) do Ủy ban Chuẩn mực Kiểm toán và Dịch vụ đảm bảo Quốc tế (IAASB) của IFAC công bố tháng 02/2014, các yếu tố quyết định chất lượng kiểm toán xem tại Bảng 3 (dưới đây chỉ trình bày các yếu tố cần xem xét ở cấp độ hợp đồng dịch vụ, cấp độ DNKT, không trình bày ở cấp độ quốc gia).

b) Ví dụ, Bộ chỉ số AQIs đã ban hành của Cơ quan ban hành chính sách kế toán và doanh nghiệp (ACRA) ở Singapore gồm 8 chỉ số chất lượng kiểm toán như Bảng 4.

Do tính chất và quy mô hoạt động của đơn vị có lợi ích công chúng có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn đến công chúng, phạm vi hoạt động của các đơn vị này có thể liên quan đến mọi thành phần kinh tế và lĩnh vực kinh doanh.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của các đơn vị này, Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để quy định Bộ chỉ số AQIs cho phù hợp với thông lệ quốc tế như đã nêu trên. Bộ Tài chính và UBCKNN cần phối hợp với các DNKT, các TCNY để xây dựng Bộ chỉ số AQIs phù hợp với điều kiện Việt Nam, trên cơ sở tham khảo các hướng dẫn của IFAC và kinh nghiệm của các nước phát triển.

Từ đó, các DNKT phải tuân thủ việc giám sát công khai và phải nỗ lực phát triển không chỉ quy mô hoạt động, số lượng KTV mà quan trọng nhất là phải đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán. Về phía Nhà nước, phải tổ chức hệ thống giám sát công khai hiệu quả đối với các DNKT và KTV theo luật định, đồng thời phải đảm bảo duy trì hệ thống thanh tra và xử phạt để phát hiện, xử lý và ngăn ngừa các sai phạm trong thực hiện kiểm toán theo luật định.

Các nội dung trên khi được Bộ Tài chính quy định và triển khai thực hiện tốt sẽ là cách thức tốt nhất đảm bảo cho các thông tin trên BCTC khi công khai được phản ánh trung thực, khách quan, có độ tin cậy cao để làm căn cứ cho các quyết định kinh tế của tổ chức, cá nhân khi sử dụng thông tin trên BCTC.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phạm vi hoạt động kinh doanh của các đơn vị có lợi ích công chúng đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia, vì vậy việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số AQIs là những công việc chúng ta bắt buộc phải làm để thực hiện cam kết hội nhập trong hoạt động kiểm toán độc lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Theo Tạp chí Chứng khoán 11/2017

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/ban-ve-bo-chi-so-chat-luong-kiem-toan-hien-nay-129593.html