Ban Tuyên huấn khu V Anh hùng: Công tác thông tin tuyên truyền làm nhiệm vụ xung kích trên mặt trận tư tưởng

Sau khi Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V được thành lập (tháng 5-1960) tiểu ban tuyên truyền (thuộc Ban Tuyên huấn Khu V) được hình thành vào đầu năm 1963. Ban đầu chỉ có một cán bộ là đồng chí Trần Chiến Thắng (có tên Thắng Diên) người tỉnh Quảng Nam tập kết ra miền Bắc, vào chiến trường Khu V tháng 10-1962.

Cán bộ của Tiểu ban Tuyên truyền

Cán bộ của Tiểu ban Tuyên truyền

Lúc này, đồng chí Hồ Quốc Phương là phó Ban Thường trực Ban Tuyên huấn khu cùng đồng chí Chiến Thắng nghiên cứu kế hoạch về nhân sự, nội dung và phương thức hoạt động của tiểu ban cũng như công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình cuộc chiến tranh "đặc biệt" đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam.

Về nhân sự, chủ trương phải tuyển chọn cán bộ không chỉ vững vàng về tư tưởng chính trị theo đường lối chủ trương của Đảng về cách mạng ở miền Nam, mà còn phải có lòng dũng cảm vượt qua mọi gian khổ hy sinh, đi ra phía trước đối diện với địch để tìm cách tiếp cận với nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền đưa đường lối cách mạng cho nhân dân.

Người cán bộ tuyên truyền phải có năng lực tiếp nhận đường lối chủ trương của Đảng, nắm bắt và phân tích thông tin, có kỹ năng truyền đạt miệng đến với các thành phần trong nhân dân.

Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh "đặc biệt", đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đang thực hiện âm mưu, thủ đoạn nhằm khống chế tinh thần nhân dân, tách dân không có cơ hội để liên hệ với cách mạng với những quốc sách, ở nông thôn là dồn dân vào khu dồn (ấp chiến lược), ở đô thị lập ra từng tổ, khóm trên đường phố. Chúng ra lệnh cấm mọi người không được nghe đài phát thanh Hà Nội và đài giải phóng. Tất cả đều nhằm mục đích quản lý dân không cho dân tiếp xúc với cách mạng.

Công tác tuyên truyền trong giai đoạn này vô cùng khó khăn do việc không tiếp cận được với dân, trong khi ta cần phải đưa được đường lối, chủ trương của cách mạng đến với các tầng lớp nhân dân, từ đó mới tạo nên phong trào cách mạng trong quần chúng.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu đã tuyển chọn, điều động cán bộ từ các bộ phận chuyên môn của Ban, xin chi viện từ miền Bắc vào và điều động từ các tỉnh lên để có một đội ngũ cán bộ tuyên truyền làm nòng cốt. Ban đầu được 15 cán bộ, dần dần Tiểu ban có trên 30 cán bộ, đủ các bộ phận chuyên môn của công tác thông tin tuyên truyền, làm nòng cốt để phát triển đến các tỉnh thành trong toàn Khu V.

Nội dung, phương thức tuyên truyền lúc này được lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu đề ra là mỗi cán bộ tuyên truyền phải thấm nhuần sâu sắc nội dung đường lối cách mạng miền Nam theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, hiểu và nắm vững cương lĩnh, chính sách của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, lấy tuyên truyền miệng là chủ yếu để tiếp cận với nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng, tạo nên mạng lưới tuyên truyền trong quần chúng. Xác định công tác tuyên truyền không dành riêng cho cán bộ tuyên truyền, mà mọi cán bộ trong các binh chủng chuyên môn trên mặt trận tư tưởng đều là một cán bộ tuyên truyền.

Đ/c Nguyễn Kim Tuấn, Trưởng Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Khu V, phát biểu chào mừng được đón nhận danh hiệu anh hùng LLVTND cho Ban Tuyên huấn Khu V

Phương thức hoạt động của cán bộ tuyên truyền là bám sát cơ sở, hòa mình với đội viên của đội công tác ở cơ sở. Thực hiện phương châm "4 bám" (dân bám đất, Đảng bám dân, du kích bám địch, trên bám dưới).

Nội dung tuyên truyền phải đa dạng, kết hợp nhiều hình thức, chọn lọc từ trong báo chí, tác phẩm văn học, ca dao, hò vè, từ chủ trương, chính sách của mặt trận giải phóng dân tộc về hòa hợp dân tộc v.v... thể hiện ra tờ rơi, truyền đơn, tìm cách phát tán vào khu dồn dân, vào đô thị và hàng ngũ binh lính ngụy, dùng loa phóng thanh đêm đêm hướng vào đồn bốt địch, khu dồn dân để tuyên truyền.

Nội dung tuyên truyền nhằm gợi lên truyền thống yêu nước, đấu tranh chống xâm lược giành độc lập tự do của dân tộc, vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai của Mỹ ở Sài Gòn. Kêu gọi toàn dân và binh lính ngụy Sài Gòn hướng về cách mạng, đoàn kết đứng lên chống lại Mỹ Ngụy, trước mắt là phá ấp chiến lược dồn dân, về với quê hương ruộng vườn. Từ đó đã đưa được đường lối chủ trương của cách mạng đến với nhân dân tạo nên động lực cách mạng trong các tầng lớp quần chúng, dấy lên phong trào phá ấp chiến lược dồn dân của địch đưa nhân dân về với quê hương. Ở thành thị đã nổi lên phong trào đấu tranh chống Mỹ Ngụy đòi quyền dân sinh dân chủ, chống đàn áp Phật giáo v.v...

Tháng 3 năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh "cục bộ". Lúc này, tình hình chiến trường diễn ra vô cùng ác liệt. Quân Mỹ đánh phá căn cứ cách mạng và vùng giải phóng gây tổn thất nặng nề. Tư tưởng sợ Mỹ mạnh, sợ vũ khí hiện đại của Mỹ đang lấn áp trên chiến trường đã thành phố biến không chỉ trong các tầng lớp nhân dân mà cả lực lượng vũ trang của cách mạng.

Công tác tuyên truyền lúc này bước sang một hình thức hoạt động mới tuy có khó khăn về sự ác liệt của chiến tranh, nhưng thuận lợi là ta đã có vùng giải phóng, có dân, mọi hình thức hoạt động tuyên truyền đều được trực tiếp với dân. Các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh Hà Nội, đài giải phóng, điện ảnh, văn công cách mạng đã trực tiếp đưa đến cho nhân dân. Lúc này, công tác tuyên truyền cũng như các binh chủng trên mặt trận tư tưởng ở chiến trường Khu V là tập trung tổ chức học tập quán triệt cho toàn dân và lực lượng vũ trang Nghị quyết của Khu ủy Khu V (tháng 7-1965) chống tư tưởng hữu khuynh sợ Mỹ, sợ ác liệt, tìm cách đánh Mỹ để thắng Mỹ, diệt Ngụy.

Nội dung, tinh thần nghị quyết của Khu ủy chống tư tưởng hữu khuynh sợ Mỹ đã được tuyên truyền cổ động một cách đồng bộ trên mặt trận tư tưởng, đã dấy lên phong trào "tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt" đã xuất hiện nhiều trận đánh Mỹ trên chiến trường tạo tiếng vang trong nước và thế giới, cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương của tập thể, cá nhân là dũng sĩ, anh hùng đánh Mỹ trên chiến trường.

Từ đó, đưa phong trào cách mạng của quân dân Khu V ngày một phát triển hòa nhập với phong trào cách mạng toàn miền Nam, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, gây cho địch nhiều lúng túng, thất bại trên chiến trường dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris, Mỹ phải rút quân về nước, quân ngụy càng bị động, suy sụp đi đến tan rã trong khí thế cuộc tiến công, nổi dậy mùa xuân 1975 của quân dân ta.

Như vậy, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước công tác tuyên truyền là một binh chủng trong mặt trận tư tưởng đã làm trọn sứ mệnh là mũi xung kích, đột phá mở đường cho mặt trận tư tưởng, nhằm đưa đường lối, chủ trương, chính sách của cách mạng đến với các tầng lớp nhân dân, tạo nên một cao trào cách mạng ngày một rộng lớn, ngày một dâng cao như lớp lớp sóng biển đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta ngày một thắng lợi mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trúc Phương

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ban-tuyen-huan-khu-v-anh-hung-cong-tac-thong-tin-tuyen-truyen-lam-nhiem-vu-xung-kich-tren-mat-tran-tu-tuong-a9667.html