Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Những chặng đường vẻ vang

Ngày 3/3/1949, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TUHN của Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội được thành lập (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) trên cơ sở tách ra từ Ban Đảng vụ.

Trải qua gần 90 năm công tác tư tưởng của Đảng, 70 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ đã có những tên gọi khác nhau. Nhiều lần cơ quan này đã chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác tư tưởng - tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ.

Bài 1: Trưởng thành trong gian khó

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cách mạng trong quần chúng nhân dân được thực hiện ngay từ thời kỳ vận động thành lập Đảng. Năm 1926, tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở khu vực Hà Nội ra đời, nhiệm vụ là bí mật tuyên truyền tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào các tầng lớp nhân dân. Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội. Tháng 6/1930, Thành ủy Hà Nội chính thức ra đời do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy đã tổ chức Đội tuyên truyền xung phong gồm các đồng chí Lê Đình Tuyển, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường. Đội đã cùng với một số đảng viên là người của Hà Đông - Sơn Tây thuộc tổ chức Đảng Hà Nội như các đồng chí: Bùi Doãn Chân, Lều Thọ Nam, Hoàng Văn Năng… tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng trong các tầng lớp nhân dân; tập hợp quần chúng vào các đoàn thể, ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà còn ở cả một số vùng của Hà Đông và Sơn Tây. Có thể nói, đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy sau này.

Soi rọi ánh sáng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân

Sau những năm bị địch khủng bố trắng (1931 - 1935), từ năm 1936, cán bộ, đảng viên của Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy thoát khỏi các nhà tù về Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây hoạt động. Sách báo công khai của Mặt trận dân chủ được truyền bá, soi rọi ánh sáng cách mạng trong các tầng lớp quần chúng nhân dân. Mặc dù bị địch khủng bố khốc liệt, các Ban cán sự Đảng liên tục bị vỡ, phải lập đi lập lại nhiều lần, hàng trăm đảng viên, quần chúng cách mạng bị địch giết và bắt tù đầy nhưng công tác tư tưởng thời kỳ này đã củng cố niềm tin của đảng viên và quần chúng; củng cố tổ chức với phương thức tuyên truyền bí mật giữa cán bộ với đảng viên và quần chúng nòng cốt của Đảng, giữa cơ sở cách mạng bên ngoài và các chiến sĩ cách mạng trong tù; chuẩn bị các điều kiện đón thời cơ cách mạng và cuộc đấu tranh rộng lớn về sau, tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Cán bộ, đảng viên kiên trì, bền bỉ, chủ động xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ở cả thành phố, thị xã, nông thôn.

An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy được xây dựng vững chắc ở vùng ngoại thành đã có tác dụng to lớn đối với việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng phong trào cách mạng của ba tỉnh, thành. Khi thời cơ cách mạng đến, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 17 - 27/8/1945), ở cả Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, các địa phương đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng.

Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội vào sáng ngày 19/8 là thắng lợi quyết định của cách mạng Việt Nam, đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng to lớn, không chỉ đối với các tỉnh Bắc bộ mà còn đối với cả nước; góp phần quan trọng nhất, quyết định nhất vào cuộc tổng khởi nghĩa lật đổ chế độ nửa thuộc địa, nửa phong kiến, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Lịch sử Thủ đô Hà Nội và đất nước sang trang mới trong thời đại Hồ Chí Minh - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2/9/1945, nhân dân Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Phúc Yên, Bắc Ninh… nô nức đổ về Quảng trường Ba Đình tham dự mít tinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hà Nội - Thủ đô của cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Xứ ủy, Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân đoàn kết muôn người như một, thực hiện khẩu hiệu “dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”, chống thù trong giặc ngoài, xây dựng chế độ mới, đẩy lùi giặc đói, xóa nạn mù chữ, ủng hộ chiến sĩ đồng bào Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp, một lòng ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Thời kỳ này, công tác tuyên truyền chính trị tư tưởng của Thành ủy, Tỉnh ủy do đồng chí Bí thư trực tiếp phụ trách. Trong Thành ủy có một bộ phận cán bộ ra hoạt động công khai, lấy danh nghĩa Thành bộ Việt Minh để có điều kiện chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân…

Sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I thành công, tổ chức Đảng và chính quyền được kiện toàn và củng cố. Theo quyết định của Trung ương, cuối tháng 10/1946, cả nước chia thành 12 khu, Hà Đông - Sơn Tây thuộc Khu II, Hà Nội là Khu XI. Thời điểm này, Trung ương chỉ đạo các tỉnh thành lập Ban Tuyên huấn làm nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo công tác tuyên truyền, huấn luyện cho cấp ủy Đảng. Nhiệm vụ công tác tuyên truyền, vận động tập trung vào động viên nhân dân nội thành tản cư ra ngoại ô và các vùng quê, với khẩu hiệu “tản cư là góp phần kháng chiến”, còn nhân dân ngoại thành thực hiện “vườn không nhà trống”. Cổ vũ động viên lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng thực hiện kế hoạch lập trận địa chiến đấu ở các khu phố như: Củng cố và bố trí các lực lượng vũ trang; di chuyển máy móc, nguyên vật liệu lên chiến khu; đục tường, đào hào, đắp ụ, chiến lũy…

Cổ vũ, động viên nhân dân đóng góp vào cuộc kháng chiến

Đêm 19/12/1946, quân và dân Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Căn cứ vào đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên huấn của ba Tỉnh, Thành ủy đã tích cực cổ vũ, động viên nhân dân đóng góp vào cuộc kháng chiến. Các cơ quan ngôn luận của Ủy ban kháng chiến Hành chính khu XI, Tỉnh ủy Hà Đông và các tài liệu, bản tin tuyên truyền… đã có tác dụng to lớn động viên quân dân Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây trong cuộc chiến đấu quyết liệt với tinh thần “thà chết không chịu làm nô lệ”,“quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang trong trận mở đầu đánh Pháp ngay tại mặt trận Hà Nội - Thủ đô của đất nước.

Đêm 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành để củng cố lại lực lượng, đội ngũ cán bộ, cùng với địa phương sở tại tổ chức lực lượng chiến đấu chống địch mở rộng đánh chiếm. Để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy việc gây dựng cơ sở trong lòng Hà Nội, tháng 9/1947, Khu ủy XI quyết định lập lại Thành ủy Hà Nội. Thành ủy lập Tiểu ban nội thành do Thường vụ Thành ủy phụ trách. Cùng với việc lập lại Thành ủy Hà Nội, công tác Tổ chức, Dân vận, Ban nội Thành; Hội đoàn kháng chiến; Hội đoàn các giới (thanh niên, phụ nữ, công đoàn)… được Thành ủy tăng cường chỉ đạo, củng cố tổ chức. Đối với công tác Tuyên huấn do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban.

Trước yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến của Hà Nội, tháng 10/1948, Liên khu ủy III quyết định tách tỉnh Lưỡng Hà trở về hai đơn vị cũ. Ban Tuyên huấn được tái lập lại. Tuy có chương trình hành động nhưng cán bộ của Ban rất thiếu, nên nằm trong Ban Đảng vụ của Thành ủy, chưa mang đầy đủ chức năng, nhiệm vụ là một Ban trong hệ thống công tác tổ chức xây dựng Đảng như ở Hà Đông, Sơn Tây. Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô, nơi quân Pháp chiếm đóng. Chúng biến Hà Nội là trung tâm chỉ đạo chiến tranh của 3 nước Đông Dương. Nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân gia tham đóng góp vào cuộc kháng chiến cũng như công tác tuyên huấn của Thành ủy có đặc trưng riêng, nhất là ở khu vực nội thành. Do vậy, Hội nghị Thành ủy trong ba ngày 11, 12 và 13/2/1949 đã phân công các đồng chí Thành ủy viên trực tiếp phụ trách các ban xây dựng Đảng, kiện toàn và củng cố công tác tổ chức của Thành ủy. Sau Hội nghị này, ngày 3/3/1949, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 18/NQ/TU về việc tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ.

Như vậy, việc tách công tác tuyên huấn khỏi Ban Đảng vụ để thành lập và tổ chức bộ máy Ban Tuyên huấn nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của một Ban xây dựng Đảng trong thời kỳ này là chủ trương đúng đắn của Thành ủy. Đây là một dấu mốc quan trọng, phản ánh quá trình Thành ủy Hà Nội liên tục lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng, vận động các tầng lớp nhân dân theo Đảng làm cách mạng giải phóng dân tộc; tiếp đó xây dựng củng cố chính quyền, chủ động kháng chiến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngay trên địa bàn thành phố.

Ngày 3/3/1949 đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Tuyên huấn - Ban xây dựng Đảng tham mưu cho Thành ủy và thực hiện các hoạt động về công tác chính trị tư tưởng - văn hóa.

(Còn nữa)

TTTĐ

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ban-tuyen-giao-thanh-uy-ha-noi-nhung-chang-duong-ve-vang-d2063049.html