Bàn tròn chứng khoán: Nhóm Ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này, các chuyên gia cho rằng, dù nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu chững lại do một số mã đã vượt xa giá trị thực nhưng trong ngắn hạn đây vẫn là nhóm có nhiều cơ hội hơn.

Tuần qua, tuy gặp sự cố phải gián đoạn hai phiên giao dịch trên sàn HOSE nhưng thị trường đã có sự trở lại rất ấn tượng khi chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.100 điểm. Điều này phản ánh một tâm lý mạnh mẽ của nhà đầu tư, sẵn sàng bất chấp rủi ro. Theo các ông/bà, đâu là “tác nhân” chính giúp cho các chỉ số nhảy vọt, thậm chí sắp vượt qua đỉnh cũ?

Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS)

Tác nhân chính giúp thị trường liên tục thiết lập kỷ lục mới về thanh khoản và biên độ tăng giá là dòng tiền đến từ các quỹ và các nhà đầu tư tổ chức.

Chúng ta có thể xem xét vài con số cơ bản như tính tới hết ngày 19/1, quỹ V.N.M ETF đã hút ròng 40,15 triệu USD (tương đương hơn 900 tỷ đồng); còn với FTSE Vietnam ETF, chỉ trong 3 tuần đầu năm mới, quỹ này đã hút ròng 285 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 10,18 triệu USD (230 tỷ đồng) … Danh mục đầu tư của các quỹ này đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Về ngắn hạn tôi vẫn cho là nhóm ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên cá nhân tôi đánh giá đã có những cổ phiếu ngân hàng đã vượt xa giá trị thực nên nhà đầu tư cần lưu ý điểm này

- Ông Nguyễn Hữu Bình.

Tuy nhiên, con số ấn tượng thực sự lại đến từ trong nước. Ví dụ tính từ đầu năm tới phiên giao dịch 23/1, VFMVN30 đã thu hút ròng 1.691 tỷ đồng, tương ứng 75 triệu USD. Con số thu hút vốn của VFMVN30 trong những tháng đầu năm thậm chí còn vượt xa 2 quỹ ETF ngoại là V.N.M ETF và FTSE Vietnam ETF cộng lại. Các quỹ nội địa cũng chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường. Ngoài ra, họ không phải chịu các hạn chế như quỹ ngoại và tính linh động của họ cao hơn rất nhiều.

Ngoài ra, sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài vào các thương vụ IPO, bán phần vốn Nhà nước sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước “khủng lồ” gần đây đã tác động rất lớn đến tâm lý toàn thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Có thể nhìn nhận một cách tổng quát từ mấy ý như sau: thứ nhất là tình hình kinh tế đang rất sáng sủa, và nó là tác nhân đẩy dòng vốn ngoại đang chảy mạnh trên thị trường. Thứ 2 là dòng tiền đầu tư đang lựa chọn chứng khoán là kênh đầu tư hiệu quả. Cuối cùng là những thông tin liên quan đến các doanh nghiệp như thoái vốn hay kết quả kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Tất cả các yếu tố trên cộng hưởng lại khiến nhà đầu tư đổ tiền mua mạnh trên TTCK. Và theo tôi, có lẽ những yếu tố này vẫn còn chi phối thị trường trong khoảng thời gian nữa.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ, giao dịch khối ngoại là tác nhân chính thúc đẩy chỉ số VNIndex. Gần đây nghe nói tiền vào các ETF cả nội lẫn ngoại rất lớn và từ các ETF này phân bổ vào cổ phiếu trên sàn, chủ yếu là largecap trong VN30.

Sự kỳ vọng vào khả năng chứng khoán Việt Nam được đưa vào danh sách chờ xét duyệt nâng hạng MSCI cũng đã đủ để hút khối ngoại mua ròng với giá trị lớn.

Ngoài ra, có những nhóm cổ phiếu đang có thông tin hỗ trợ, ví dụ như ngân hàng với khả năng nới room, dầu khí trước diễn biến giá dầu thế giới tăng mạnh lẫn thông tin thoái vốn nhà nước… Tất cả điều đó sẽ đẩy chỉ số vượt qua đỉnh lịch sử năm 2007.

Thị trường tăng mạnh nhưng sự phân hóa vẫn diễn ra trên diện rộng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí cũng có dấu hiệu chững lại, trong khi sắc tím lại “phủ” lên một số cổ phiếu trong nhóm bất động sản, xây dựng, nhưng dường như chưa đủ để coi là dẫn dắt thị trường. Nếu để tính đầu tư ngắn hạn, ông bà nhìn nhận nhóm ngành nào có lợi thế và ngược lại?

Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS)

Sự phân hóa quá mạnh mẽ của thị trường diễn ra hơn 2 năm nay và giai đoạn gần đây đã chuyển hướng thành khốc liệt. Ngay cả trong những phiên thị trường tăng điểm rất mạnh (trên 1%), số mã giảm giá vẫn chiếm 50%, thậm chí có một số phiên còn áp đảo số mã tăng giá.

Với tình hình đó, diễn biến bất ngờ trên một số cổ phiếu riêng lẻ thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ không mang tính đại diện cho xu hướng thi trường và cũng không có tác dụng cung cấp thông tin nhiều.

Xu hướng đã hình thành sẽ duy trì cho đến khi có các nhân tố đủ mạnh tác động khiến nó thay đổi. Các cổ phiếu dẫn dắt thi trường sẽ luôn thu hút dòng tiền trong ngắn hạn. Các cổ phiếu dẫn dắt đã đảo chiều thì toàn bộ thị trường cũng bị kéo theo nên nhóm cổ phiếu Ngân hàng và các cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa sẽ chiếm ưu thế nếu xu hướng hiện tại còn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Nhìn lại chuỗi tăng giá mọi người đều nhận thấy dòng tiền có dấu hiệu tăng kể từ khoảng tháng 11/2017 và ngày càng mạnh cho đến nay. Các phiên tăng mạnh 2-3% liên tục xuất hiện cùng với dòng tiền mạnh cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang ở trạng thái vô cùng hưng phấn.

Ở giai đoạn hiện nay tôi nhận thấy dường như nhà đầu tư đang đầu tư theo cảm xúc, tức là emotion đang chiếm thế thượng phong. Ví dụ như một doanh nghiệp công bố thông tin, nếu theo cảm quan tích cực thì dòng tiền bắt đầu lao vào, ngược lại là sẽ bị bán ra. Ý tôi ở đây là thông tin ngắn hạn đang bao phủ quá mạnh đến xu hướng của giá. Vì thế, việc dòng tiền tập trung rồi luân chuyển sang các nhóm khác vốn dĩ đang phản ánh xu hướng chung như vậy.

Những nhóm ngành đang có thông tin tích cực sẽ thu hút dòng tiền và ngược lại nhiều nhà đầu tư cũng sẽ lựa chọn chiến lược ngắn hạn nên lại bán các cổ phiếu lình xình để dồn tiền cho nhóm đang hấp dẫn, sự phân hóa cũng bắt nguồn từ đây.

Về ngắn hạn tôi vẫn cho là nhóm ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên cá nhân tôi đánh giá đã có những cổ phiếu ngân hàng đã vượt xa giá trị thực nên nhà đầu tư cần lưu ý điểm này. Với việc đầu tư mang theo nhiều emotion trong đó thì rủi ro là có thể xảy ra nên nhà đầu tư cần lưu ý.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Hôm thứ Sáu vừa qua, đúng là nhiều cổ phiếu của những nhóm ngành lớn như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán có dấu hiệu phân phối đỉnh. Ngược lại, một số nhóm khác thì lại có mã tăng trần. Tuy nhiên, nói như vậy chưa hẳn đủ để rút ra kết luận rằng nên chốt lời cổ phiếu ngân hàng, dầu khí hay chứng khoán và nhảy sóng qua những nhóm kia.

Ông Hoàng Thạch Lân

Thống kê của tôi vẫn cho thấy rằng largecap, không nhất thiết là ngành nào, vẫn có khả năng tăng giá tiếp, nhất là những mã được khối ngoại mua ròng nhiều. Đó là chưa nói đến yếu tố game thoái vốn nhà nước, được nhiều người tin rằng sẽ sớm xảy ra ở 1 số nhóm như dầu khí (họ PVN), hóa chất (họ Vinachem)…

Còn nếu cứ buộc phải nhìn ở góc độ ngành, thì tôi nghĩ ngân hàng, chứng khoán vẫn có khả năng tăng tiếp, bởi 2 ngành này được kỳ vọng có mức tăng trưởng lợi nhuận năm nay, 2018 là rất cao. Kỳ vọng này sẽ kéo P/E 2018 thấp hơn nhiều so với số trailing. Dầu khí thì cần lưu ý, vì giá dầu thế giới mấy đang có dấu hiệu chựng lại.

Trong khi đó, đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, các CTCK vẫn khuyến nghị tiếp tục mua và nắm giữ các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018. Theo các ông/bà, đâu là tiêu chí để nhìn nhận cổ phiếu có triển vọng tích cực?

Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS)

Ông Đặng Thanh Thế

Tại mỗi thời điểm, thị trường luôn có những “câu chuyện” chủ đạo dẫn dắt dòng tiền. Và hiện tại, nguồn vốn từ khối ngoại và các quỹ ETF (cả nội và ngoại) cũng như các quỹ khác hoạt động theo nguyên tắc tương tự đang chi phối thị trường.

Tôi cho rằng ảnh hưởng của hiện thực này đến thi trường đã quá lớn và sâu. Bất cứ sự thay đổi nào của xu hướng hiện hành đều tác động rất mạnh mẽ đến thị trường và có thể thay đổi rất nhiều nhân tố cơ bản cũng như tạo ra hàng loạt các nhân tố mới. Qua đó, nó cũng có thể thay đổi các điều kiện đánh giá ban đầu đối với từng nhóm ngành, từng cổ phiếu.

Nhìn chung, tôi cho rằng chưa có đủ độ tin cây để đánh giá các tiêu chí trung và dài hạn lúc này.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán

Cá nhân tôi theo trường phái đầu tư giá trị và vốn dĩ tôi không thích sự ồn ào này. Sự ồn ào này là lúc tôi thường sẽ chốt lời hơn là lúc tôi mong muốn mua vào.

Có thể tôi chọn sai thời điểm bán ra nhưng tôi vẫn hài lòng với những gì tôi làm được hơn là cay cú vì mất thêm thành quả. Có cổ phiếu tôi bán đi, giá tăng 1 tháng bằng 1 năm tôi nắm giữ nhưng điều này là hết sức bình thường.

Nếu xét theo một tâm lý hay một chu kỳ đầu tư, giai đoạn mà nhà đầu tư thận trọng sẽ là giai đoạn biên độ giá diễn biến hẹp, khối lượng giao dịch thấp và khi đó ra quyết định sẽ dễ dàng. Nhưng khi giá cổ phiếu bắt đầu có biên độ dao động lớn cho thấy 2 trạng thái tâm lý và thường bị chi phối bởi tâm lý.

Diễn biến giá quá nhanh lại càng khiến nhiều nhà đầu tư lao theo, và như tôi nêu ý trước 1 nhà đầu tư nào đó có thể sẽ bán đi 1 cổ phiếu có tiềm năng nhưng giá không tăng để theo đuổi mục tiêu ngắn hạn, đó có thể là cơ hội cho nhà đầu tư khác.

Tiêu chí để nhìn nhận cổ phiếu có triển vọng tích cực với tôi đơn giản là doanh nghiệp có tăng trưởng, có dòng tiền. Nhà đầu tư cần lưu ý, một doanh nghiệp có thể vẫn tăng trưởng nhưng dòng tiền âm chưa thể nói là tốt được.

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thường chịu tác động rất mạnh bởi chính sách vốn dĩ luôn bị thay đổi bởi các cơ quan quản lý. Những chính sách này có thể khiến doanh nghiệp kiếm được rất nhiều tiền như Thuế bảo hộ ngành thép, hay ngược lại có thể khiến doanh nghiệp mất tiền hoặc phá sản như ngành ôtô.

Do đó, nhà đầu tư cần bám vào chính sách, bám vào hoạt động của doanh nghiệp và sự minh bạch trong đó. Kết quả kinh doanh sẽ là cái đích cuối cùng và giá sẽ phản ánh điều này sớm hay muộn.

Tuy nhiên, nếu như kết hợp thêm những yếu tố bên ngoài như thoái vốn có thể nhiều miếng ngon sẽ xuất hiện. Và xu thế này cũng chiếm tỷ trọng lớn cho hoạt động đầu tư trong năm nay.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ, tiêu chí quan trọng để nhìn nhận cổ phiếu có triển vọng tích cực là tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên cung có 1 điểm cần lưu ý khi đề cập đến vấn đề này, đó phải là lợi nhuận cốt lõi.

Có không ít công ty niêm yết có đóng góp chủ yếu là lợi nhuận tài chính hay bất thường, che lấp một thực tế là lợi nhuận cốt lõi đang suy giảm hay chuyển sang lỗ, khi đó phải xem xét từng trường hợp mà đánh giá cụ thể. Ngoài ra, 1 tiêu chí nữa là triển vọng ngành.

Cho đến nay, ngân hàng, chứng khoán là 2 nhóm ngành điển hình nhất về triển vọng tích cực. Bán lẻ, tiêu dùng hàng thiết yếu bao năm nay vẫn luôn có được đánh giá tích cực. Những nhóm ngành khác khó dự báo hơn, như các ngành công nghiệp nặng, xây dựng hạ tầng…

Gần đây, tôi thấy có 1 hiện tượng trong cách định giá và khuyến nghị của 1 số công ty chứng khoán lớn, đó là họ lạc quan hơn rất nhiều, nhất là về định giá tương đối (P/E hay P/B). Với sức nóng trên các sàn chứng khoán hiện nay, nhiều chuyên viên phân tích đã coi 1 công ty có P/E trên 20 là rất bình thường.

Thậm chí, khi tính giá mục tiêu dựa trên P/E dự phóng 2018, họ cũng so với P/E trailing hiện nay hơn 20 lần, tức là nếu quy ngược về hiện tại, P/E trailing chấp nhận được có khi hơn 30 lần.

Tất nhiên cũng có cái khó của chuyên viên phân tích, bởi nếu cứ định giá theo mặt bằng cũ, thì giá mục tiêu 1 năm tới có khi vẫn còn thấp hơn giá hiện tại, nhưng nói chung giới phân tích chứng khoán cũng đang rất lạc quan. Đây cũng có thể là 1 “tiêu chí” mới để tìm các cổ phiếu có triển vọng tích cực.

Hải Vân

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dinh/ban-tron-chung-khoan-nhom-ngan-hang-van-co-nhieu-co-hoi-216939.html