Bạn trẻ bàn cãi giữ hay bỏ Tết truyền thống

Nên giữ hay bỏ Tết truyền thống? Câu hỏi ấy đã được đặt ra với sinh viên Trường Đại học Hà Nội trong buổi trò chuyện chuyên đề và đã khiến nhiều bạn trẻ hào hứng tham gia… bàn cãi.

Sinh viên Trường Đại học Hà Nội hào hứng thi bóc bánh chưng tại buổi talk show. Ảnh: Bình Thanh

Ký ức... mỏng manh

Buổi talk show thú vị ấy vừa được Câu lạc bộ sách HANU cùng Câu lạc bộ Du lịch của Trường Đại học Hà Nội tổ chức. Cả phòng đọc tầng 4 của thư viện Trường Đại học Hà Nội đã kín 150 chỗ, lúc thì im phắc, lúc thì ồn ào, xôn xao...

Là thế hệ của những Ipad, Iphone, của thời công nghiệp 4.0 và trong những ngày Tết đang đến rất gần, thế nhưng thật lạ khi các bạn trẻ chịu ngồi nghe bài thuyết trình về Tết truyền thống dài tới gần một giờ đồng hồ của giảng viên Ngữ văn Việt Nam Nguyễn Hà - Thạc sĩ chuyên ngành Đông Phương học. Đấy là sự kiên nhẫn lắng nghe một câu chuyện cũ thế nhưng cũng không khó lý giải.

Bởi lẽ, những câu chuyện xa xưa được cô giáo Nguyễn Hà kể trong những so sánh giữa xưa và nay, giữa ta và tây cùng những lý giải đầy dí dỏm. Nào là: Tết – Tết Nguyên đán rồi lại Tết Cả - Tết ta là gì? Sao ông Công – ông Táo lại cưỡi cá chép chầu trời? Nào là, sao lại tắm nước lá mùi trước ngày Tết? Mâm ngũ quả phương Bắc, phương Nam khác nhau như thế nào? Nào là, việc dựng cây nêu ngày Tết có ý nghĩa như thế nào? Sao trên bàn thờ ngày Tết lại có hai cây mía? Tập tục hái lộc đầu năm, gánh nước đầu năm, đốt lửa, mua muối, mua vôi... kể cho chúng ta câu chuyện gì?

Nhưng, cũng còn một lý do rất quan trọng khác nữa là các bạn trẻ có những ký ức còn rất... mong manh về Tết cổ truyền. Các bạn trẻ đều tỏ ra e ngại trước câu hỏi: “Trong ký ức của bạn, điều ấn tượng về Tết là gì?”. Chỉ có đôi ba người mạnh dạn chia sẻ rằng, Tết đến được tắm nước lá mùi, được tự do chơi và ngủ. Tết được mặc áo mới, xem pháo hoa. 30 Tết là phải ở nhà ngồi đọc sách, trùm chăn, cắn hướng dương xem Táo quân. Tết năm 18 tuổi làm hỏng siêu nước nhưng bố không mắng. Có bạn thấy, điều mong muốn nhất là Tết đến được lì xì... Thế nên, câu chuyện xưa bỗng đâu trở nên hấp dẫn, thú vị hơn bao giờ hết. Khi đó, tất cả lặng im để cùng ồ, à và cười rúc rích khi thấy những tập tục lạ, khi gặp những câu chuyện... bây giờ mới nghe kể.

 Các bạn trẻ hào hứng tranh luận: Nên giữ hay bỏ Tết truyền thống. Ảnh: Bình Thanh

Các bạn trẻ hào hứng tranh luận: Nên giữ hay bỏ Tết truyền thống. Ảnh: Bình Thanh

Giữ hay bỏ?

Những bàn cãi của các bạn trẻ trước câu hỏi: Nên giữ hay bỏ Tết truyền thống đã thực sự làm “nóng” buổi talk show thú vị này. Áp đảo hơn cả vẫn là những ý kiến: Phải giữ. “Những gì thuộc về truyền thống đều tốt đẹp. Thế nên, chúng ta không chỉ giữ mà còn phải phát huy tốt hơn nữa”, một bạn gái nói. “Cả một năm chúng ta bận rộn với học hành, làm việc. Đợi đến Tết Âm lịch mới được gặp gỡ, sum vầy. Thế thì sao lại phải bỏ Tết Âm lịch kia chứ?” – một bạn nam đặt câu hỏi.

Thế nhưng, sau những ý kiến “giữ Tết” áp đảo ấy, sinh viên Đinh Ngọc Hiệp dám “lội ngược dòng” với ý kiến: “bỏ Tết truyền thống”. Đưa ra lý do: Theo xu thế hội nhập, Việt Nam cũng ngày càng hội nhập mạnh mẽ, không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa, bạn trẻ này cho rằng: Nếu có thể sao không “ăn” Tết tây mà bỏ Tết ta?

Để “bảo vệ” quan điểm của mình, Ngọc Hiệp diễn giải: “Giữa lúc các nước khác đang giao dịch thì mình lại nghỉ để chơi Tết. Thêm nữa, Tết đến khiến người người, nhà nhà dịch chuyển từ phố về quê làm cho giao thông ùn tắc. Nghỉ dài ngày chỉ ăn, chơi, tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè gia tăng... Vậy Tết có phải là một gánh nặng, luôn đem đến áp lực không? Nhất là giờ đây, sợi dây liên kết giữa mọi người cũng trở nên lỏng lẻo thì đâu cần phải gặp gỡ, sum vầy?”

Không riêng gì Ngọc Hiệp mà còn có nhiều ý kiến khác... chê Tết cổ truyền luôn đem đến những phiền toái. Mà phiền toái nhất là các tập tục kiêng kỵ. Kiêng quét nhà, kiêng nói điều xấu, kiêng làm vỡ - hỏng đồ vật, thậm chí còn có cả kiêng... tắm!

Một nỗi phiền toái nữa cũng được nêu là, ở tuổi đang bận rộn đèn sách thì đi đâu cũng “bị” hỏi: Đang học trường nào? Xếp hạng cao chứ? Có học giỏi không? Ở tuổi dựng vợ, gả chồng thì bị hỏi: Bao giờ thì cưới vợ, cưới chồng? Bây giờ đang làm ở đâu?... Hay như, với các bạn gái, ngày Tết nhiều khi chưa ăn xong bữa trưa đã lo bữa tối. “Cả năm được tự do làm theo ý của mình thì bỗng đâu trong ba ngày Tết phải kiêng việc này, kiêng việc kia, thử hỏi các bạn có thấy phiền không? Mà khi nghe những câu hỏi luôn khiến người nghe không muốn trả lời, các bạn thấy thế nào? Tôi thấy bên cạnh những niềm vui thì Tết cổ truyền có những điều hơi phiền như thế” – thầy Trung cũng đồng tình kêu Tết mang đến nhiều điều phiền toái.

Thế nhưng, “kể tội” Tết như vậy để rồi ngoảnh nhìn lại những cách thực hành văn hóa ngày Tết rất độc đáo, chỉ Việt Nam mới có, các bạn trẻ vẫn bày tỏ cần phải “giữ Tết”. “Vì sao cần phải giữ Tết truyền thống ư? Với tôi, đấy là vốn văn hóa truyền thống rất riêng biệt của người Việt. Nếu người Việt không biết giữ lấy cái riêng biệt ấy thì sẽ vô tình đánh mất mình lúc nào không hay!” - bạn trẻ Trần Đăng Cao Sang nói.

“Đã có nhiều tranh cãi về việc nên giữ hay bỏ Tết cổ truyền. Theo tôi, những ngày nghỉ Tết cổ truyền không hề ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế, trái lại còn kích cầu tiêu dùng cũng như dòng kiều hối luôn đổ về rất nhiều mỗi khi Tết đến. Còn chuyện để xảy ra các tệ nạn xã hội như cờ bạc, bia rượu, lễ bái… là do cách thực hành đón Tết của một bộ phận chưa được văn minh, chứ đừng đổ lỗi cho Tết cổ truyền. Trong khi đó, Tết cổ truyền của dân tộc là một thực hành văn hóa rất nhân văn, tràn đầy những khát vọng về một cuộc sống ngày một tốt đẹp. Vậy nên, vẫn cần giữ Tết cổ truyền, chỉ có điều nên đón Tết như thế nào mà thôi”. Thạc sĩ Nguyễn Hà

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/ban-tre-ban-cai-giu-hay-bo-tet-truyen-thong-4058273-b.html