'Bản trắng' Sáng Tùng sau lũ quét

Chỉ qua một đêm, Sáng Tùng nằm bên sườn núi xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) đã thành 'bản trắng'. Ngôi làng hàng trăm tuổi bị xóa sổ hoàn toàn do mưa lũ cuốn phăng xuống vực sâu hàng trăm mét. Thảm họa của thiên tai khiến 25/28 ngôi nhà bị vùi lấp, 162 người phải chịu cảnh 'màn trời chiếu đất'.

Không nhà, không tài sản, không thức ăn, không nước uống, đứng ven đường hứng mưa là hình ảnh xót xa mà chúng tôi chứng kiến trong chiều 28-6 khi vào bản Sáng Tùng.

Thảm cảnh kinh hoàng

Sau những ngày dài bị chia cắt do mưa lũ, sáng 28-6 đường vào xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ đã khơi thông dù đêm hôm trước đất đá lại một lần nữa dội xuống. Những khối đá nặng hàng tấn nằm lăn lóc trên đường dẫn vào huyện Sìn Hồ đã được gạt gọn vào lề để lấy lối đi. Từ trung tâm xã Tả Ngảo vào bản Sáng Tùng dài gần 30km nhưng đường đèo dốc trơn trượt, 1km có tới 21 chỗ cua tay áo, nhiều đoạn sạt lở làm đất đá, cây cối trôi dạt xuống lòng đường. Mưa suốt những ngày qua khiến đất trên núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Dọc đường đi, chúng tôi đếm không xuể những đoạn sạt lở, từng mảng rừng trơ lại đất đỏ, dưới ta luy âm thì nham nhở như hàm cá mập. Nương ngô, hoa màu trôi theo dòng nước xuống tận vực sâu. Càng nhìn càng thấy xót xa cho công sức của bà con đã trôi theo dòng nước lũ.

Dân bản Sáng Tùng bị trôi mất nhà đang phải sống ở vệ đường.

Dân bản Sáng Tùng bị trôi mất nhà đang phải sống ở vệ đường.

Nhưng đau xót mà chúng tôi chứng kiến suốt dọc đường đi chưa thấm vào đâu so với hình ảnh đầu tiên nhìn thấy khi đặt chân đến bản Sáng Tùng. Bên vệ đường vào bản là những gương mặt ngơ ngác của trẻ thơ, ánh mắt thất thần của người lớn. Tài sản chạy lũ của họ chỉ còn lại chăn màn, quần áo, manh chiếu, cuốc xẻng để ở vệ đường. Không có bếp nấu, nếu có mì tôm nhưng đành nhai sống. 162 con người đang phải đối mặt với cảnh “màn trời chiếu đất”, thiếu thốn lương thực, nước sạch, các vật dụng cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Gặp anh Mùa A Chế đang thất thần bên vệ đường, nhắc lại giây phút hoảng loạn tưởng rằng vợ con mình đã bị vùi xác trong trận lũ với phóng viên, anh Chế vẫn chưa hết kinh hoàng. Anh Chế là trường hợp khá đặc biệt ở bản Sáng Tùng khi vài tiếng trước đây anh mới biết bản mình bị xóa sổ. Anh cùng vợ chồng người con trai cả đi làm nương cách nhà 4km nên không hề hay biết việc chấn động xảy ra ở bản. 4h sáng anh vượt rừng về nhà mới biết lũ cuốn trôi cả bản.

“Từ trên núi đi xuống, tôi hoảng hồn nghe thấy tiếng nước chảy ầm ầm. Xác nhà, đất đá ngổn ngang nằm đầy dưới chân núi. Tôi tưởng mình nhầm đường. Nhìn thấy cầu Tha nhưng khung cảnh lại hoàn toàn khác, trong đầu tôi dồn dập câu hỏi: Bản Sáng Tùng đâu? Nhà mình đâu? Tôi chỉ thấy một dòng nước xoáy sâu hoắm và bắt đầu hoảng loạn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mãi sau, gặp một người trong bản, họ nói sáng qua cả bản bị lũ quét sạch rồi. Tôi hoảng hốt nghĩ chắc vợ con, mẹ và các em đã bị chôn vùi trong lòng đất. Đến 8h sáng tôi mới biết họ chạy thoát thì mừng rơi nước mắt” - anh Chế kể lại.

Giây phút tìm thấy người thân, cả nhà anh Chế chỉ biết ôm nhau khóc. Vợ anh trong lúc chạy lũ không đem theo được tài sản gì ngoài quần áo, 2 cái chăn và 1 manh chiếu. Người đàn ông 35 tuổi nhưng có tới 6 người con chia sẻ rằng, dù tài sản mất hết nhưng còn người là may rồi. Ánh mắt của anh Chế bồn chồn, lo lắng khi kể rằng mẹ anh cũng đang trong cảnh “màn trời chiếu đất” khi tuổi đã cao. Lúc nguy cấp, bà già yếu chỉ mang được con dao chặt củi giắt ở bên người. Vợ chồng em anh Chế đi làm nương chưa về nên trong nhà có 2 con dê, 1 con trâu và đàn gà lợn là tài sản quý giá nhất đã bị vùi vào lòng đất.

“Mấy ngày nay bà con dân bản được bố trí vào ở 2 nhà sàn cách hiện trường sạt lở khoảng 1km. Nhưng sáng nay khu vực đó nằm trong diện “báo động đỏ” nguy cơ sạt lở cao nên mọi người lại lục tục kéo nhau ra đây tập kết. Không nước, không lương thực nên nhiều người nhịn đói từ sáng tới giờ. Vừa rồi có đoàn đến hỗ trợ thùng mì tôm, chúng tôi phải bóc ra ăn sống” - anh Chế nói.

Đứng bên vệ đường với túi quần áo, bà Sồng Thị Chừ (70 tuổi) hai chân lấm lem bùn đất vì dép rơi mất lúc nào không biết. Bà không nói được tiếng Kinh, anh con rể phải giúp chúng tôi phiên dịch. Sáng nay anh mới hay tin nhà mẹ vợ bị nước lũ vùi lấp nên đã chạy từ bản Ka Sin Chải sang đây để giúp đỡ. Trong lúc chạy lũ, bà Chừ chỉ kịp mang chăn, quần áo, còn gạo và các tài sản khác không mang được. Ruộng lúa, nương ngô, gà, lợn, ao cá của gia đình bà đã trôi sạch theo dòng nước lũ. May có con trâu còn sống sót.

Vợ chồng bà ở nhờ nhà người con trai thứ hai cách hiện trường sạt lở 800m nhưng sáng nay ngôi nhà này lại nằm trong nguy cơ sạt lở nên mọi người phải chuyển ra ngoài đường. Cùng bị vùi lấp nhà cửa và tài sản còn có con trai lớn của bà Chừ, giờ cũng không có nơi nương náu. “Ngủ cạnh đường khổ lắm, mưa thì lấy bạt che. Nước không có, được phát mì tôm nhưng không có gì để nấu” - bà Chừ lo âu.

Anh Mùa A Chế suýt mất vợ con trong cơn lũ dữ.

Òa khóc vì phải từ bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn”

Đi bộ 3km, chúng tôi tới bản Sáng Tùng. Cách hiện trường 500m, lực lượng cảnh sát cơ động dùng cây luồng chăng hàng rào để ngăn cấm không cho người dân đi vào. Từ sáng qua, một số người dân khóc đòi quay lại nhà cũ xem còn gì sót lại để họ nhặt về.

Nơi đây vẫn tiếp tục bị sạt lở nên đề phòng người dân quay lại, Công an tỉnh Lai Châu đã bố trí lực lượng ngăn chặn từ xa. Nhưng có người trèo đường rừng vào chỉ để ôm 2 cái chum trong đống đất ra ngoài vì đây là tài sản bố mẹ để lại. Có người nằng nặc đòi quay lại lấy mấy con gà nhưng đã được can ngăn kịp thời. Những người không vào được thì ngồi thất thần, mắt đăm đắm nhìn vào nơi an cư của cả gia đình từ mấy đời nay đã bị chôn vùi trong lòng đất. Tài sản, ruộng vườn, mồ mả cha ông đều bị xóa sổ.

Khung cảnh buồn biết mấy khiến chúng tôi không thể bước tiếp bởi cả một ngôi làng nơi có 28 hộ dân với 162 người sinh sống giờ hình thành 1 thác nước xoáy, trơ trên đỉnh núi là 3 ngôi nhà chênh vênh còn sót lại chưa bị cơn lũ dữ nhấn chìm. Dưới vực sâu hàng trăm mét chôn vùi xác nhà, gà, lợn. Nhìn xuống đó, chúng tôi không khỏi rùng mình. Nếu không có sự kiên quyết của lực lượng Công an và chính quyền địa phương yêu cầu dân di dời kịp thời thì có thể hơn một trăm mạng người của bản Sáng Tùng đã bị chôn vùi trong đó.

Đứng bên ngoài hiện trường, ông Hạ Ang Phử (hơn 70 tuổi) mắt ngấn lệ. Đây là nơi mà tổ tiên ông đã an cư lạc nghiệp, nay phải từ bỏ khiến ông đau xót khôn nguôi. Từ sáng ông đã quay lại nơi này xem tài sản còn gì không, nhưng khi tới nơi, ông không thể tưởng tượng nó lại khủng khiếp đến thế. Cả bản nằm rải rác trên sườn núi đã biến thành một bãi đất đỏ, giữa nó là thác nước xoáy như con thú dữ gầm gừ. Ông bưng mặt khóc nói rằng, dân bản sống rất hiền hòa, không làm điều gì ác, sao thiên tai lại xóa sổ tất cả.

Từ hôm qua tới nay, một số bà con vẫn chưa hết kinh hoàng. Người thì nói tại xây cầu nên cả bản mới gặp tai họa. Người thì lại đổ rằng bị trời phạt. Nhưng ông không tin, bởi thiên tai thì ai mà đoán trước được. “Cả bản không ai thiệt mạng là điều mừng nhất. Còn người thì còn của” - ông Phử u sầu nói. Dù vợ ông đang ở phía ngoài chờ đợi, dù bị ngăn lại không vào được phía trong, nhưng ông Phử vẫn ngồi ở đây hàng giờ bởi không nỡ từ bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

Cụ Giàng Gióng Páo (84 tuổi) là cao niên trong bản kể: “Sáng Tùng đã trải qua 4 đời người sinh sống, từ khi sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến trận mưa lũ khủng khiếp thế này. Sáng qua nghe nói chân núi nứt, rồi tiếng đổ ầm ập vọng tới, dân bản mới biết thế nào là hoảng sợ”.

Theo lời kể của cụ Páo thì không ai biết bản Sáng Tùng hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng do người Mông ở trên đỉnh núi cao di cư về dựng nhà mà lập nên bản. Trải qua bao đời, người dân Sáng Tùng sinh sống quây quần, đoàn kết, dựng cơ nghiệp với những ao cá, nương ngô, đàn gia súc trù phú. Chỉ trong một đêm trở thành “bản trắng” là điều mà các cao niên như cụ Páo bị sốc.

Cho tới giờ, nhiều người tinh thần vẫn còn hoảng loạn, nuối tiếc không muốn rời đi. “Nhà nước bảo chỗ nào tốt, cho chúng tôi tới nơi đó ở thì chúng tôi đi” - cụ Páo gật gù nói.

Nhanh chóng bố trí nơi ở ổn định cho dân

Mặc trên người bộ quần áo lấm lem bùn đất suốt từ hôm chạy lũ, Trưởng bản Sáng Tùng - Hạng A Mình bận rộn không lúc nào ngơi suốt 3 ngày qua để lo cho dân. Mặc dù nhà cửa, tài sản của anh cũng bị vùi lấp trong cơn “đại hồng thủy”, vợ con tự đi lánh nạn, nhưng anh Mình chẳng còn phút giây nào lo cho việc của gia đình. Đêm không ngủ, ngày chạy đi chạy lại như con thoi, mệt rã rời nhưng anh Mình không quản ngại đi tìm đất cho dân định cư.

Mang gương mặt nặng trĩu âu lo, anh thảng thốt rằng, từ khi sinh ra đến nay, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến trận mưa lớn đến thế. Bản Sáng Tùng có 28 hộ với 162 nhân khẩu, trong đó có 18 hộ nghèo. Ngày 25-6 người dân phát hiện có một số vết nứt đã báo chính quyền địa phương. Công an huyện tham mưu cho xã di dời dân ra ngay khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Đại diện Báo CAND và Ngân hàng Agribank thăm hỏi, ủng hộ bà con ở bản Sáng Tùng.

Bí thư chi bộ, trưởng bản, Công an địa bàn đến từng nhà vận động dân di dời nhưng nhiều người không nghe. Người thì cho rằng cứ ở lại chẳng sao đâu, người lại bảo có gì mà sợ, thậm chí có người lại đưa ra lý do mình không làm điều ác nên không sợ trời phạt...

Chiều 26-6, một số hộ chuyển tài sản nhưng một số người chủ quan không đi, có người còn coi đó là chuyện đùa, hời hợt với lời kêu gọi, vận động. Thậm chí có người còn uống rượu tới đêm, khi thấy tình hình căng thẳng mới vội vã bỏ chạy.

Anh Mình kể lại, khi chân núi bắt đầu trôi dần, bà con mới cảm thấy hoảng sợ chạy sang bản bên cạnh cách đó 1km. Trời tiếp tục mưa tầm tã, khoảng 3h sáng 27-6, lũ cuốn cả bản đi. Không nhìn thấy bản đâu nữa, chỉ còn trơ lại đất đỏ, bà con khóc ầm lên. Sáng 28-6, hai nhà sàn để bà con ở tạm lại có nguy cơ sạt lở, mọi người phải chuyển đồ đạc đi. Do chưa có chỗ trú ngụ nên một số người đã tập kết ở ven đường.

Theo Trung tá Sùng A Xuân, Phó trưởng Công an huyện Sìn Hồ thì theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Lai Châu, Công an huyện đang trợ giúp làm lán cho bà con ở, vận động bà con không hoang mang, không nghe theo kẻ xấu, ổn định tư tưởng chờ chính quyền tìm nơi ở mới.

Trưởng bản Hạng A Minh cho chúng tôi biết, hiện đã tìm được một đỉnh an toàn là Chúng Há Là, cách hiện trường 3km. Xã đã đi khảo sát, cắm mốc, làm việc với chủ nương để tiến hành san phẳng. Đây là nơi an toàn nhất hiện nay cho bà con về định cư. Hiện người dân đang sống bằng nguồn hỗ trợ mì tôm và lương khô, khó khăn nhất là không có nước uống khi lượng người quá đông lại không có dụng cụ đun nấu.

Chia tay với dân bản Sáng Tùng, lòng chúng tôi trĩu nặng khi mưa bắt đầu rơi. Hàng dài người và tài sản bên vệ đường sẽ ra sao khi mưa ập xuống. Họ trôi qua đêm nay thế nào nếu như chưa bố trí được chỗ ở. Những ngày tới của họ ra sao khi nơi ở mới vẫn chưa có. Chặng đường tìm kế sinh nhai phía trước quả thật là gian nan.

Trận mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 23 đến 27-6 đã làm tỉnh Lai Châu bị thiệt hại nghiêm trọng với 16 người chết, 9 người mất tích, 11 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính 500 tỷ đồng. Tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Lai Châu bị tê liệt, nhiều huyện bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ gây sạt lở đất đá, ngập úng.

Chia sẻ với những đau thương và mất mát đó, đoàn công tác của Báo CAND phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đến Lai Châu trao 300 triệu đồng cho thân nhân của người thiệt mạng, mất tích, trôi mất nhà cửa, cán bộ chiến sĩ công an bị thương khi giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

Trần Hằng - Trần Xuân

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/ban-trang-sang-tung-sau-lu-quet-498311/