Bản tin tâm điểm tiêu dùng: 'Loạn' tình trạng 'xẻ thịt' đất công, đất dự án trên địa bàn TP Hà Nội?

Hàng loạt nhà hàng, bãi trông giữ xe, kiot bán hàng,…'mọc' lên trên đất công, đất dự án đã kinh doanh dịch vụ nhiều năm nay gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của những hộ dân xung quanh cũng như trật tự đô thị trên địa bàn.

Thời gian gần đây, Báo Người tiêu dùng liên tục nhận được đơn thư bạn đọc phản ánh về việc các dịch vụ “mọc” lên trên đất công, điển hình là những tuyến đường thuộc khu vực đường Võ Chí Công, đường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên), Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Số 2, Hoa Lư). Cùng với đó là hàng loạt nhà hàng, bãi trông giữ xe, kiot bán hàng,… Đã kinh doanh dịch vụ nhiều năm nay gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của những hộ dân xung quanh cũng như trật tự đô thị. Liệu các đơn vị này có được cấp giấy phép kinh doanh và đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật?

Ngay sau khi nhận được thông tin, PV báo Người tiêu dùng đã có mặt tại đường Võ Chí Công (phường Xuân La, quận Bắc Từ Liêm). Qua ghi nhận thực tế, tại đây các đơn vị kinh doanh ở đây không chỉ làm những kiot bằng khung sắt kiên cố mà thậm chí còn xây dựng rất quy mô.

Điển hình như nhà hàng Taken Beer với diện tích hàng nghìn mét vuông trải dài cạnh một con sông thuộc tuyến đường Võ Chí Công. Qua quan sát, những mặt hàng mà nhà hàng này kinh doanh chủ yếu là bia, rượu và các đồ nhậu. Trên một khu đất kéo dài gần cả cây số, sâu vào hàng chục mét, hình thành nhiều bãi rửa xe, trông giữ xe, cửa hàng bán chậu, đôn, cây cảnh. Mặc dù cả lô đất đã được rào tôn bên ngoài nhưng cứ cách khoảng chục mét lại có một cửa ra vào được trổ ra phía đường Võ Chí Công; ô tô, người buôn bán ra vào tấp nập.

Mặt khác, tại khu vưc Bảo Tàng Dân Tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên giao cắt với Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy - HN). Thời gian gần đây, theo phản ánh từ du khách từng đến bảo tàng, khuôn viên của không gian văn hóa này lại đang bị sử dụng vào mục đích kinh doanh ăn uống.

Cụ thể, trong khuôn viên bảo tàng trên mặt đường Nguyễn Khánh Toàn là quán ''Fresh garden bakery & cafe'' kinh doanh và hoạt động rầm rộ hằng ngày với diện tích lên đến hàng trăm m2. Bao quanh quán được quây bằng những hàng rào tre nứa, ngôi nhà chính giữa với mái lợp bằng những lá cây khô quấn quanh là những dây diện chẳng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao

Tiếp tục tới phía bên mặt đường Nguyễn Văn Huyên, quán “VietNam Specialty coffee” ngay cổng phụ bảo tàng đi vào với thiết kế 2 tầng kiên cố đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nay.

Được giao hơn 12 nghìn m2 'đất vàng' với nhiệm vụ chính là tổ chức triển lãm, hội trợ, giao lưu giới thiệu văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế. Thế nhưng mới đây, Báo Người Tiêu Dùng liên tục nhận được phản ánh về việc hàng nghìn m2 'đất vàng' tại số 2 Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho thuê làm quán bia, quán ăn, cafe, yoga, tổ chức đám cưới.

Trước đó, hàng loạt bài viết cùng chủ đề đã được đăng tải; như là “Ai đang tiếp tay cho việc ‘xẻ thịt’ hàng nghìn mét vuông đất công” trên báo Tuổi trẻ thủ đô, hay “Hàng ngàn mét vuông đất công tại phường Xuân La bị ‘xẻ thịt’” trên báo Kinh tế đô thị, "Cần chấm dứt việc 'xẻ thịt' cho thuê mặt bằng tại triển lãm Vân Hồ” của báo Xây Dưng.... từ những năm 2016, 2017. Thế nhưng đến thời điểm này, thực trạng đó vân còn tiếp diễn.

Điều này khiến dư luận liên tục đặt ra câu hỏi Tại sao vấn đề này đã kéo dài nhiều năm liền nhưng vẫn chưa có cơ quan chức năng nào xử lý? Phải chăng UBND thành phố Hà Nội chưa có chế tài xử lý phù hợp để răn đe doanh nghiệp? Có hay không việc lợi ích nhóm tại đây? Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Quỳnh Anh - Tạ Thành - Bảo Linh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/ban-tin-tam-diem-tieu-dung-loan-tinh-trang-xe-thit-dat-cong-dat-du-an-tren-dia-ban-tp-ha-noi-d68568.html