Bán thủy sản sang Trung Quốc qua kênh trung gian, tại sao không?

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, xuất khẩu qua kênh trung gian có thể là một gợi ý tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thu hoạch thủy sản ở ĐBSCL.

Hội chợ Thủy sản Quốc tế Thanh Đảo từ nhiều năm nay đã là một trong những hội chợ thủy sản hàng đầu thế giới.

Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, Hội chợ Thủy sản Quốc tế Thanh Đảo 2019 có 10 sảnh trưng bày với rất nhiều nước tham gia như Canada, Nga, Ecuador, Ấn Độ, Peru, Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam…

Khác với các hội chợ thủy sản quốc tế hàng đầu khác, tính “quốc tế” của Hội chợ Thanh Đảo không bằng, bởi khách tham quan rất đông nhưng đại đa số khách tham quan nói tiếng Trung Quốc, tức chủ yếu là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, cùng với quy mô hội chợ lớn như trên, thì việc khách tham quan rất đông mà đại đa số nói tiếng Trung Quốc, lại cho thấy, nhu cầu thủy sản của người Trung Quốc đang rất lớn.

Chính vì vậy, Trung Quốc đang ngày càng trở thành thị trường tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khổng lồ này.

Bên cạnh việc tiếp cận và xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch, một số chuyên gia ngành thủy sản cho rằng các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận và xuất khẩu vào Trung Quốc qua các kênh trung gian.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, Trung Quốc đang trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn. Vì thế không chỉ Việt Nam, các nước khác cũng đang quan tâm ngày càng nhiều hơn tới thị trường này.

Bằng chứng là như đã nói ở trên, hàng năm, cứ đến kỳ tổ chức Hội chợ Thủy sản Quốc tế Thanh Đảo, lại có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Hiện đã có những công ty Mỹ và một số nước khác đang có hoạt động thương mại quy mô lớn ở thị trường thủy sản Trung Quốc. Hàng năm, những công ty này cung ứng một lượng thủy sản lớn cho thị trường Trung Quốc. Những công ty này đều đã xây dựng được cơ sở, hạ tầng tốt ở Trung Quốc.

Do đó, ngoài việc bán trực tiếp cho các công ty Trung Quốc, một câu hỏi đang được đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam có nên nghĩ tới việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc qua cả các kênh trung gian. Đó là bán thủy sản cho các công ty nước ngoài đang cung ứng cho thị trường Trung Quốc, để những công ty này làm cầu nối đưa thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc.

Nuôi thủy sản ở ĐBSCL

Chẳng hạn, những công ty nước ngoài hiện đang bán tôm Ecuador vào Trung Quốc, nếu họ cần mua thêm cá tra và các sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam để bán vào Trung Quốc nhằm gia tăng doanh thu, mở rộng quy mô thương mại, thì doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ qua cơ hội này.

Các kênh trung gian như trên, không chỉ giúp cho thủy sản Việt Nam có thêm một kênh để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, mà còn giúp cho các doanh nghiệp tránh bị thiệt thòi, rủi ro nếu chỉ phụ thuộc vào nhà nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời tăng thêm tính cạnh tranh về đầu ra cho thủy sản Việt Nam khi bán sang Trung Quốc.

Bởi lâu nay, các nhà nhập khẩu Trung Quốc, khi sang Việt Nam để tìm mua tôm, cá…, họ thường đặt vấn đề rất trái khoáy đối với nhà cung ứng Việt Nam là chỉ bán cho họ, không bán cho bất cứ ai khác ở thị trường Trung Quốc. Nếu đồng ý với họ thì muốn bán 1.000 hay 2.000 tấn, họ đều mua hết. Sở dĩ họ yêu cầu thế là không muốn có sự cạnh tranh khi mua thủy sản của Việt Nam.

Điều này cũng có cái tốt, nhưng lại khiến cho doanh nghiệp Việt Nam bị phụ thuộc vào một nhà nhập khẩu Trung Quốc nào đó. Nếu họ bỗng kiếm cớ gì đó để không mua nữa, sẽ không biết bán đi đâu.

Vì vậy, nếu có thêm kênh trung gian để xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ bớt đi được nguy cơ rủi ro so với việc chỉ bán cho một vài nhà nhập khẩu Trung Quốc như lâu nay.

SƠN TRANG - MINH SÁNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ban-thuy-san-sang-trung-quoc-qua-kenh-trung-gian-tai-sao-khong-post253373.html