Bàn thảo xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động cơ sở GD mầm non độc lập

Sáng nay 19/5 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã họp Ban soạn thảo và tổ biên tập, cho ý kiến về xây dựng Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN) Nguyễn Bá Minh đã thông tin đánh giá thực trạng quy định về tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập (cơ sở GDMN độc lập).

Dựa trên kết quả khảo sát tại các vùng, miền, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho rằng: Việc hoàn thiện xây dựng Thông tư cần đồng bộ, thống nhất với rà soát, điều chỉnh Nghị định 46 và Nghị định 135 Bổ sung quy định về nhóm lớp mầm non độc lập; việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Luật GD số 43 và yêu cầu thực tiễn.

Trong đó, quy định cụ thể về hoạt động chuyên môn; chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình công lập, dân lập, tư thục (tiêu chuẩn, nhiệm vụ); quy định về tổ trưởng chuyên môn; quy định về tổng số trẻ em và số trẻ em trong nhóm, lớp của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu: Xây dựng Thông tư cần phải khảo sát, có nhiều cách tiếp cận để phản ánh nhu cầu thực tế. Đổi mới GDMN phải trên cơ sở cho trẻ nhỏ phát triển toàn diện, khẳng định tầm quan trọng của giai đoạn đầu đời của trẻ. Tiếp cận trên cơ sở toàn diện, quyền được học, được chăm sóc, được nuôi dưỡng.

Trong điều kiện không đủ trường lớp để đáp ứng yêu cầu gửi trẻ ở các khu công nghiệp, phụ huynh phải gửi vào những nhóm trẻ - thì giúp đỡ hỗ trợ thế nào? Ở vùng sâu vùng xa, các gia đình cách nhau xa thì tháo gỡ thế nào? Quy định phải phù hợp để tiếp cận, tính toán rõ trách nhiệm nhà nước, nhóm trẻ yếu thế đều cần phải hỗ trợ...

Thứ trưởng nhấn mạnh Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập phải thể hiện Nhà nước đảm bảo sự công bằng như nhau đối với mọi đối tượng, thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước.

Thông tư xây dựng phải đồng bộ trong văn bản, nghiên cứu rộng các thông tư khác. Các thành viên ban soạn thảo cần tìm ra sự chồng chéo trong các văn bản để khi xây dựng có sự đồng bộ, từ Luật đến nghị định, sau là thông tư hướng dẫn...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ban-thao-xay-dung-quy-che-to-chuc-va-hoat-dong-co-so-gd-mam-non-doc-lap-mMCQxGqGg.html