Bán tháo cổ phiếu blue-chips, VN30-Index thủng đáy

Chỉ sót lại đúng 3 cổ phiếu tăng giá, nhóm VN30 đang kéo tuột các chỉ số giảm sâu. Chỉ số đại diện rổ blue-chips này chốt phiên sáng bốc hơi 1,06%, xuống 1.461,53 điểm, chính thức thủng đáy 4 tháng...

Các blue-chips lớn nhất giảm giá áp đảo phiên sáng nay.

Chỉ sót lại đúng 3 cổ phiếu tăng giá, nhóm VN30 đang kéo tuột các chỉ số giảm sâu. Chỉ số đại diện rổ blue-chips này chốt phiên sáng bốc hơi 1,06%, xuống 1.461,53 điểm, chính thức thủng đáy 4 tháng.

Trong 3 mã tăng giá, khá bất ngờ là VJC tăng đột biến 5,2%. Một cổ phiếu hàng không khác là HVN cũng tăng 2,52%. Mặc dù giá dầu đang ở mức rất cao nhưng triển vọng hoạt động du lịch bình thường trở lại đang là lực đỡ cho các cổ phiếu hàng không.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là điểm sáng hiếm hoi. Độ rộng toàn sàn HoSE cuối phiên sáng chỉ còn 71 mã tăng, nhưng tới 382 mã giảm. Những mã đi ngược dòng phần lớn là nhờ sức mạnh đầu cơ riêng lẻ như HUB, DRH, ORS, SHI, TTF, vài mã tăng được trên 3% với thanh khoản tương đối tốt. Phía ngược lại là 174 mã giảm trên 2% (9 mã sàn), 72 mã giảm trên 1%.

Sức ép lên các chỉ số chủ đạo là do nhóm blue-chips. Cổ phiếu dầu khí bị bán tháo thêm sang phiên thứ 3: GAS giảm 4,07%, PLX giảm 2,76%, PVD giảm 3,23%, PVS giảm 4,07%, PVC giảm 9,8%... Không có nhóm cổ phiếu nào trụ được, từ bất động sản tới ngân hàng, chứng khoán, hay các nhóm cổ phiếu hàng hóa “hot” như phân bón, than, thép... Riêng rổ VN30 có 18 mã giảm trên 1%.

Độ rộng này thể hiện lực bán đang áp đảo trên toàn thị trường. Thị trường đang phản ứng có phần hoảng loạn khi thông tin bất lợi không có gì bất ngờ thêm, kể cả xung đột Nga – Ukraine tới khả năng FED tăng lãi suất, hay giá dầu điều chỉnh.

Tuy vậy lực bán mạnh nhất vẫn xuất hiện ở nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản. Nhóm thép đại diện là HPG, NKG, nhóm phân bón có đại diện DCM, DPM, dầu khí có PVS, PVD. Đây là các cổ phiếu thuộc Top 10 thanh khoản cao nhất thị trường phiên sáng nay.

VN-Index đang xuống đáy tháng 1/2022.

VN-Index chốt phiên sáng giảm 1,4%, mạnh hơn cả chỉ số VN30. Lý do đơn giản là trọng số của GAS, GVR, VHM quá lớn. Tuy nhiên tính về thiệt hại thì VN30-Index đã bị ảnh hưởng kéo dài hơn đáng kể. Chỉ số này chính thức thủng đáy 4 tháng khi để mất vùng 1470-1480 điểm, vốn là ngưỡng hỗ trợ được thử thách 4 lần kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay. Trong khi đó VN-Index hiện rơi xuống mức 1445,98 điểm, vẫn chưa thủng đáy ngắn hạn trong tháng 1/2022.

Điểm tựa duy nhất lúc này là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này sau nhịp điều chỉnh dài vẫn chưa có tín hiệu chạm đáy rõ ràng, nhưng trong sáng nay mức giảm có phần nhẹ hơn hẳn các nhóm khác. VCB chỉ giảm 0,48%, BID giảm 0,84%, TCB giảm 0,92%, CTG giảm 0,62%. Đây là các trụ lớn nhất nhóm ngân hàng và có khả năng nâng đỡ các chỉ số với hiệu quả cao. Áp lực bán ở nhóm ngân hàng cũng không lớn. Ba mã ngân hàng duy nhất lọt vào Top 20 giá trị khớp lệnh sáng nay là VPB, STB và MBB thì chỉ duy nhất VPB giảm 0,82%, còn STB tăng 0,78%, MBB tăng 0,48%.

Tổng thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay đạt 16.583 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với phiên trước. Khối ngoại vẫn duy trì áp lực bán khá lớn, nhất là tại blue-chips. Cụ thể, tổng giá trị bán ở HoSE sáng nay đạt 1.008 tỷ đồng, tương đương 6,6% tổng giao dịch sàn. Trong khi đó VN30 bị bán tổng cộng 553,7 tỷ đồng, tương đương gần 13%. Toàn sàn HoSE bị bán ròng 282 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu VN30 bị bán ròng 177,5 tỷ đồng. Các mã bị bán lớn nhất là MSN -84,3 tỷ, HPG -70,4 tỷ, GME -61 tỷ, NVL -53,3 tỷ, SSI -47 tỷ, VIC -21 tỷ, DXG -29 tỷ. Phía mua có STB +48 tỷ, VCB +32,2 tỷ, KBC +20 tỷ.

Kim Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ban-thao-co-phieu-blue-chips-vn30-index-thung-day.htm