Bán tháo chưa dừng, Dow Jones lại 'bay' gần 550 điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt mạnh trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Năm, khi nhà đầu tư lo ngại về sự đi lên của lãi suất và khả năng chiến tranh thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty. Trong hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, chỉ số Dow Jones bị 'thổi bay' tổng cộng gần 1.400 điểm...

Bảng điện tử hiển thị diễn biến chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ phiên ngày 11/10 - Ảnh: Reuters.

Phiên giảm sâu thứ hai liên tiếp của Phố Wall diễn ra chỉ một ngày trước khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 chính thức bắt đầu.

Tính đến phiên này, S&P 500 đã có chuỗi 6 ngày chỉ giảm. Chỉ số "bốc hơi" thêm 2,1% sau khi đã giảm 3% trong phiên ngày thứ Tư. Ở mức đáy của phiên, S&P mất 2,7%, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq đã ngấp nghé ngưỡng thị trường điều chỉnh (correction). Trong phiên, có lúc chỉ số này giảm tới 10,3% so với mức đóng cửa cao kỷ lục hôm 29/8. Tuy nhiên, khi đóng cửa, chỉ số dừng ở mức thấp hơn 9,6% so với mức kỷ lục đó.

Theo hãng tin Reuters, nhà đầu tư đang lo ngại rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ khó mà hồi phục nổi bởi lãi suất đang tăng lên giữa lúc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể bị chặn lại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

"Mọi người lo rằng việc thị trường hồi phục sẽ ngày càng khó nếu như hai yếu tố bất lợi kể trên không dịu đi", chiến lược gia trưởng về thị trường chứng khoán Michael O’Rourke thuộc JonesTrading nhận định.

Chốt phiên, Dow Jones giảm 545,91 điểm, tương đương 2,13%, còn 25.052,83 điểm. S&P sụt 2,06%, còn 2.728,37 điểm. Nasdaq tuột 1,25%, còn 7.329,06 điểm.

Trong hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, Dow Jones tuột mất gần 1.400 điểm.

Lúc đạt đỉnh trong phiên, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall đạt 28,84 điểm. Khi kết thúc phiên, chỉ số này tăng 2 điểm so với phiên trước, đạt 24,98 điểm, mức chốt cao nhất kể từ ngày 12/2.

"Thị trường đã thoát hiểm hay chưa? Tôi cho là chưa", nhà giao dịch tự doanh Dennis Dick thuộc Bright Trading nhận xét. "Sẽ còn nhiều biến động trong tuần tới nữa".

Dưới sức ép của giá dầu giảm, cổ phiếu năng lượng dẫn đầu sự đi xuống của thị trường phiên này. Trong nhóm tài chính, các cổ phiếu bảo hiểm sụt mạnh hơn cả sau khi cơn bão Michael đổ bộ vào Florida.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P kết thúc phiên trong sắc đỏ, trong đó chỉ có duy nhất nhóm dịch vụ truyền thông là có mức giảm dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu năng lượng mất 3,1% giá trị do giá dầu chạm đáy 2 tuần, sau khi một báo cáo cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.

Nhóm tài chính giảm 2,9%, trong đó nhóm ngân hàng sụt 2,7% một ngày trước khi ba ngân hàng lớn nhất của Mỹ đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý 3.

Sau khi giảm mạnh nhất trong phiên bán tháo ngày thứ Tư, nhóm công nghệ đóng cửa phiên ngày thứ Năm với mức giảm 1,3%.

Vào đầu phiên giao dịch, thị trường đã được hỗ trợ đôi chút khi thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy giá tiêu dùng ở nước này tăng chậm hơn dự báo.

Con số này xoa dịu nỗi lo về sự gia tăng của áp lực lạm phát, theo đó đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống mức thấp nhất 1 tuần. Gần đây, lợi suất trái phiếu liên tục tăng cao chính là một nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đang đối mặt với hàng loạt nỗi lo, bao gồm những bấp bênh trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào ngày 6/11, cuộc chiến thương mại chưa có lối thoát, và những tuyên bố cứng rắn về chính sách tiền tệ từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (FED) vào tuần trước.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 3,52 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,66 lần.

Các nhà giao dịch đã chuyển nhượng 11,44 tỷ cổ phiếu trong phiên, khối lượng giao dịch cao nhất kể từ tháng 2 và cao hơn nhiều so với mức bình quân 7,65 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/ban-thao-chua-dung-dow-jones-lai-bay-gan-550-diem-20181012063600301.htm