'Bàn tay ma thuật' của 'nữ tặc' trang sức khét tiếng thế giới

Được mệnh danh là siêu trộm nữ trang khét tiếng nhất thế giới. Chỉ với đôi tay, bà Doris Payne đã thực hiện những phi vụ trộm cực kỳ tinh vi và xảo quyệt.

Doris Payne tên đầy đủ là Doris Marie Payne. Trong hơn 70 năm “hành nghề”, Payne đã thực hiện gần 1.800 vụ trộm cắp, tất cả đều là đồ trang sức, kiếm được hơn 2 triệu USD nhưng theo Cục điều tra liên bang Mỹ, nếu tính giá trị đồng USD Mỹ từ năm 1946 - năm Payne thực hiện vụ trộm đầu tiên đến năm 2017 thì nó phải hơn 90 triệu USD.

Hình ảnh bà Doris Payne ở tuổi 8.

Từng mơ ước làm vũ công ba lê

Doris Payne là con út trong 1 gia đình 6 người con, sinh tại hạt Slab Fork, bang West Virginia, Mỹ. Mẹ bà là một phụ nữ da đỏ làm nghề thợ may, còn cha là người Mỹ gốc Phi, mù chữ làm thợ mỏ than.

Mặc dù gia đình dọn đến Cleveland ở Ohio nhưng Payne vẫn bị đối xử bất công, chèn ép như rất nhiều phụ nữ da màu trong thời gian đó ở Mỹ. Payne luôn muốn trở thành một vũ công ba lê nhưng không thể vì không có vũ công nào người da màu. Cuối cùng, cuộc đời đẩy đưa Payne đến với nghề ăn cắp trang sức.

Được biết đến là nữ đạo chích khét tiếng thế giới suốt 7 thập kỷ qua khi liên tục sử dụng bàn tay của mình để đánh cắp những món trang sức đắt tiền.

Trong quá trình hành nghề, Payne có 23 cái tên, 9 hộ chiếu, 5 số an sinh xã hội cùng một danh sách dài các lệnh truy nã của Interpol và một hồ sơ phạm tội dài 20 trang. Địa bàn hoạt động không ở Mỹ mà còn ở Pháp, Anh, Hà Lan, Italia, Nhật Bản.

Ở thời kỳ đỉnh cao, Payne luôn biết cách gây ấn tượng với người đối diện bởi vẻ ngoài sang trọng, giàu có. Sau đó, lợi dụng lúc người khác sơ hở, Payne lập tức ra tay khoắng những món trang sức đắt giá rồi biến mất.

Với mánh khóe tinh vi, nữ tặc khét tiếng thế giới đã từng khiến không ít nạn nhân phải thốt lên rằng: Bà ta có ma thuật! Ý định chọn nghề trộm cắp trang sức nảy sinh trong đầu Payne trong một lần đi xem đồng hồ với bạn sau khi được mẹ hứa tặng đồng hồ đeo tay nếu đạt điểm A.

Lúc Payne và bạn đang xem hàng thì người bán hàng vội xua hai cô gái da màu ra ngoài để quay sang tiếp một khách hàng da trắng vừa bước vào. Lúc đó, Payne đi ra phía cửa mà người bán hàng không hay biết là chiếc đồng hồ vàng nhỏ vẫn đeo trên cổ tay cô.

Ngay từ nhỏ, Payne đã chứng kiến những trận đòn tàn bạo mà cha dành cho mẹ cô. Khi Payne 16 tuổi, tình trạng hôn nhân của mẹ cô càng lúc càng tồi tệ.

Payne tự nhận thấy mình có tài đánh lạc hướng người khác và đã rèn giũa kỹ năng này nhuần nhuyễn từ vài năm trước khi bắt đầu hành nghề lúc 20 tuổi. Mục đích ban đầu là để giúp người mẹ thoát khỏi người cha vũ phu.

Một sáng chủ nhật, Payne lên xe bus đến thành phố Pittsburgh. Tại một cửa hàng bán nữ trang, Payne đề nghị nhân viên bán hàng cho cô xem cùng lúc cả chục chiếc nhẫn kim cương, chiếc nọ nối tiếp chiếc kia.

Sau khi xem xong, Payne cảm ơn rồi trả lại nhưng cô đã khéo léo nhét một chiếc nhẫn vào lưng váy. Chiếc nhẫn ấy, Payne bán được 1.250 USD (tương đương 250 ngàn USD hiện nay). Payne đưa hết cho mẹ, bảo bà trốn về quê ở bang South Dakota, dùng số tiền ấy làm lại cuộc đời. Cũng kể từ đó, Payne bỏ nhà ra đi và không bao giờ còn gặp lại mẹ nữa.

Những vụ trộm nữ trang không tưởng

Kể từ đó, Payne “tiến” dần từ trộm nữ trang trong những cửa hàng bình dân đến các cửa hàng nữ trang đắt tiền. Năm 1952, Payne bị bắt lần thứ nhất. Tại một tiệm kim hoàn ở Monte Carlo, Công quốc Monaco.

Vì chiếc nhẫn quá đặc biệt nên nhân viên cửa hàng phát hiện ngay khi Payne ra khỏi cửa. Thủ phạm bị bắt lúc vừa đến sân bay để về New York nhưng oái ăm là cảnh sát lại không tìm thấy chiếc nhẫn trong người Payne cũng như trong hành lý của cô.

Khi vào buồng giam, Payne đã cạy viên kim cương 10 carat ra khỏi vỏ nhẫn, ném vỏ nhẫn vào bồn cầu còn viên kim cương đem giấu vào một cái lỗ được thiết kế rất khéo léo trong khóa thắt lưng. Được tha sau 9 tháng vì không đủ bằng chứng chứng minh, Payne bán viên kim cương ở New York với giá 148 ngàn USD.

Tới năm 23 tuổi, Payne “đàng hoàng” bước ra khỏi một cửa hàng trang sức ở Pittsburgh (thành phố lớn thứ 2 ở tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) với một viên kim cương trị giá 22 ngàn USD.

Payne dần tạo cho mình một chiến lược để qua mặt các nhân viên, bảo vệ cửa hàng như: ăn mặc đẹp, xách túi hàng hiệu và lúc nào cũng có một câu chuyện chi tiết đáng tin để đánh lừa đám nhân viên cả tin.

Khi gặp một phụ nữ giàu có muốn tiêu tiền, nhân viên các cửa hàng trang sức thường lơ là quy định của cửa hàng và mang ra nhiều món trang sức giá trị cao cùng một lúc. Payne sẽ liên tục đeo rồi tháo các món đồ đắt tiền rất nhanh, cho đến khi nhân viên hoa mắt không biết vị khách đã thử cái nào, chưa thử cái nào.

Sau đó, cô ta chỉ việc rời cửa hàng trong khi trên tay vẫn còn đeo một chiếc nhẫn, một cái vòng nào đó. Năm 1980, Payne - lúc này 50 tuổi - bị bắt lần thứ hai ở bang Ohio khi lấy cắp một chiếc nhẫn ở cửa hàng trang sức King's Crown.

Bị tạm giam và trong lúc chờ ra tòa, Payne khai ốm để được cho đi bệnh viện. Nằm điều trị chưa đầy 1 ngày, đến nửa đêm Payne trốn thoát. Liên tiếp 10 năm sau đó, Payne thực hiện trót lọt hàng nghìn vụ trộm. Năm 2010, Payne bị bắt tại cửa hàng Saks nằm trên Đại lộ thứ Năm, hạt Costa Mesa, California vì một lý do rất ngớ ngẩn.

Lúc bước vào cửa hàng này, Payne đã không cưỡng nổi trước vẻ đẹp của chiếc áo khoác hiệu Burberry mặc dù bà thừa tiền để mua nó vì nó có giá chỉ 1.300USD nhưng Payne lại mặc nó vào và thản nhiên ra cửa. Bị phát hiện vì trong áo có gắn chip theo dõi, nữ quái bị tạm giam 2 tiếng rồi được trả tự do sau khi đã nộp 500 USD tiền phạt.

Cuối năm 2013, Payne ăn cắp một chiếc nhẫn bằng vàng trắng và kim cương tại một cửa hàng ở California. Bà ta bị tuyên án 4 năm tù với 2 năm tù giam và 2 năm tù treo. Nhưng vừa mới ra tù, tháng 7/2015, Payne đã lại lấy cắp trót lọt một nhẫn kim cương trị giá 33.000 USD ở thành phố Charlotte, North Carolina.

Cuối năm 2015, “nữ siêu trộm” tiếp tục phi vụ lấy cắp một chiếc vòng đeo cổ kim cương trị giá 2 ngàn USD tại cửa hàng trang sức Von Maur ở ngoại ô thành phố Atlanta bang Georgia, Mỹ. Tháng 1/2017, Payne trộm thành công một đôi bông tai kim cương của nhà sản xuất thời trang Christian Dior, trị giá 96.000 USD tại một cửa hàng nữ trang ở Atlanta, Georgia.

Đến tháng 7/2017, Payne lại tiếp tục bị bắt khi vừa ăn cắp một nhẫn bạc, giá chỉ có 86,22 USD ở cửa hàng Walmart. Tuy nhiên, tuổi tác đã cứu Payne. Bà chỉ bị giam 2 tháng rồi được thả. Giới chức thành phố Atlanta cho biết, trong suốt 70 năm qua, Doris Payne thường trộm cắp những trang sức quý giá tại rất nhiều cửa hàng trên khắp thế giới.

Trong một lần bị thẩm vấn, Payne cho biết bà thích trộm kim cương vì đó là thứ dễ lấy nhất. Đối với Payne, trộm cắp là vì cảm giác hồi hộp, gay cấn chứ không phải vì tiền. Giới chức năng luôn tỏ ra ngán ngẩm về việc cứ phải bắt đi bắt lại siêu đạo chích này.

“Nhà tù vốn không phải nơi dành cho Payne. Nhưng cứ mỗi khi được thả tự do, bà ta lại ngựa quen đường cũ.” – Luật sư của Payne cho biết.

Ông John J. Kennedy, Chủ tịch Liên minh An ninh của các nhà trang sức, nói rằng: “Payne thực sự trở thành “vị thần” của các tên trộm trang sức. Một tội phạm hành nghề suốt chừng ấy thời gian quả là điều hiếm có. Thông thường, người ta dừng lại vì đã có đủ tiền, vì không muốn mạo hiểm nữa hoặc vì chết”.

Nhưng tôi không tin siêu trộm Payne sẽ rửa tay gác kiếm, bởi ở chừng đó tuổi và người phụ nữ này vẫn ăn cắp, điều đó có nghĩa Doris Payne sẽ không dừng lại”. Chuyện hành nghề và cuộc đời của siêu trộm Payne thậm chí còn được dựng thành bộ phim tài liệu “The Life and Crimes of Doris Payne” (Đời và tội của Doris Payne).

Trong phim tài liệu, Payne khoe: “Chưa bao giờ có một ngày nào tôi ra ngoài để ăn cắp mà lại không lấy được thứ mình muốn. Tôi không hối hận chút nào về việc ăn cắp trang sức. Tôi chỉ tiếc vì bị bắt”. Bộ phim khắc họa Payne là một “người nổi loạn chống lại định kiến xã hội và thực hiện một phiên bản giấc mơ Mỹ của riêng mình”.

Điều đáng nói là siêu trộm lại có rất nhiều người hâm mộ sau khi bộ phim được công chiếu, đến mức hiện đã có kế hoạch sản xuất một bộ phim tiểu sử về Payne, trong đó nữ diễn viên Halle Berry sẽ thủ vai siêu trộm.

Hoài Thu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ban-tay-ma-thuat-cua-nu-tac-trang-suc-khet-tieng-the-gioi-d81529.html