'Bàn tay' của Israel sau cuộc xung đột căng thẳng Ấn Độ-Pakistan

Israel đang không ngừng cung cấp trang thiết bị vũ khí cho Ấn Độ. Những vũ khí này đã và đang được Ấn Độ sử dụng trong cuộc xung đột biên giới mới nhất với Paksitan.

Theo Tribune, hôm 27/2, báo của Israel Haaretz cho biết lực lượng không quân Ấn Độ đã dùng bom do Israel sản xuất trong cuộc xung đột với Pakistan ở vùng kiểm soát LoC mới đây.

Theo truyền thông Israel, “5 máy bay Mirage có trang bị tên lửa thông minh Spice 2000 do Israel sản xuất đã tấn công vào nơi mà New Delhi nói là một trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan. Cũng theo truyền thông, Israel là nhà cung cấp vũ khí chủ chốt cho quân đội Ấn Độ với ước tính trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Trên thực tế, Ấn Độ đã trở thành thị trường vũ khí lớn nhất trong ngành công nghiệp vũ khí đang nở rộ của Israel. New Dehli đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD vào đạn dược, hệ thống radar và thiết bị phòng không của Israel.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Không chỉ cung cấp bom, Israel còn vũ trang cho chiến đấu cơ Su-30 của Ấn Độ các khí tài quân sự mới nhất, như hệ thống ngắm bắn, khóa mục tiêu, tên lửa đối không.

Lực lượng bộ binh Ấn Độ cũng tìm đến vũ khí Israel, bao gồm các tổ hợp pháo 155mm, hệ thống phòng thủ chủ động Trophy và pháo gắn trên bánh lốp.

Radar Israel cũng đóng vai trò quan trọng với Ấn Độ. Tháng 10/2018, New Delhi ký hợp đồng mua 83 radar ELM-2052 và thiết bị tác chiến điện tử từ Israel.

Trên biển, hải quân Ấn Độ mua hàng loạt hệ thống radar, kiểm soát và chỉ huy từ Israel. Ấn Độ đã ký các hợp đồng trị giá tổng cộng 777 triệu USD với Israel đã hiện đại hóa 7 tàu chiến của hải quân nước này.

Bên cạnh đó, nhà thầu quốc phòng Israel cũng đạt thỏa thuận chế tạo máy bay không người lái (UAV) ngay tại Ấn Độ, bao gồm các mẫu Hermes 900 và Hermes 450.

Có thể nói, Israel đang không ngừng cung cấp trang thiết bị vũ khí, để bù đắp những thiếu hụt của Ấn Độ trong thời đại mới. Những vũ khí này đã và đang được Ấn Độ sử dụng trong cuộc xung đột biên giới mới nhất với Paksitan.

Theo nhận định của nhà báo Robert Fisk, mối quan hệ giữa Israel và Ấn Độ sâu sắc hơn nhiều chuyện mua bán vũ khí hay việc cung cấp những vũ khí hiện đang được Ấn Độ sử dụng để đánh bom Pakistan.

Tham vọng của Israel trong khu vực này là trở thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí chủ lực chứ không phải hàng đầu. Điều này cũng là thực tế trong thời gian qua.

Từ năm 2013 đến năm 2017, khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Israel là Ấn Độ, Azerbaijan. Nước này cũng bán nhiều xe tăng, vũ khí, và thuyền cho Myanmar.

Theo truyền thông Pakistan, Ấn Độ và Israel đã âm mưu tấn công Pakistan hồi tháng Hai. Israel hy vọng sẽ phơi bày được vũ khí hạt nhân của Pakistan.

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho hay, quân đội nước này được đặt trong tình trạng cảnh báo sau khi nhận được thông tin Ấn Độ và Israel lên kế hoạch tập kích tên lửa nhằm vào 5 vị trí trên lãnh thổ Pakistan.

“Các lực lượng vũ trang Pakistan đã được đặt trong tình trạng cảnh báo sau khi cơ quan tình báo xác nhận thông tin Ấn Độ - Israel có kế hoạch tấn công tên lửa nhằm vào Pakistan. Các đường dây liên lạc quân sự và ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn đợt tấn công. Các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự cũng đang liên lạc về vấn đề này”, Daily Times dẫn lời ông Qureshi phát biểu trên một kênh truyền hình tư nhân.

Khi mối quan hệ thân thiết giữa Ấn Độ và Israel gần đây được tiết lộ, có ý kiến cho rằng Islamabad cần phát triển quan hệ gần gũi với Israel nhằm ngăn chặn sự hợp tác của Ấn Độ-Israel. Hiện tại, Ấn Độ và Pakistan chưa có quan hệ ngoại giao.

Israel nhiều khả năng sẽ phát triển quan hệ với Pakistan đặc biệt nếu báo cáo về việc Saudi Arabia đã nỗ lực kiềm chế Pakistan trong việc chống Iran là đúng.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tay-cua-israel-sau-cuoc-xung-dot-cang-thang-an-do-pakistan-a425289.html