'Bản song tấu' Thông tấn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) – cơ quan thông tấn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức ra đời, thực hiện nhiệm vụ thông tin, cổ vũ kịp thời cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Phóng viên TTXGP tác nghiệp ở chiến trường Củ Chi. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng có mặt trên mọi trận đánh, hướng tiến công để thông tin kịp thời về những chiến công của quân dân ta.

Tổ điện báo TTXGP điện tin từ mặt trận về căn cứ. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Từ đó đến khi giải phóng miền Nam, thu non song về một mối (4/1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, TTXGP và Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã chung sức, chung lòng, kề vai, sát cánh phối hợp chặt chẽ để tạo nên “bản song tấu” Thông tấn hào hùng của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. VNTTX vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thông tin sau 1954 về xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, mở rộng thông tin đối nội và đối ngoại, vừa không ngừng chi viện sức người, sức của cho TTXGP, cùng góp sức hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của sự nghiệp thống nhất dân tộc, tô thắm trang sử vàng của Thông tấn xã Việt Nam anh hùng.

Hơn 150 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật “GP10” (Giải phóng - khóa phóng viên thứ 10) là lớp phóng viên chiến trường của VNTTX với quy mô lớn nhất, chất lượng, được chi viện cho TTXGP từ cuối tháng 3/1973 khi chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất.

Nhà báo Triệu Thị Thùy cùng các phóng viên lớp GP10 trên đường vào chiến trường miền Nam chi viện cho TTXGP (3/1973). Ảnh: Tư liệu VNTTX

4 nữ phóng viên VNTTX tăng cường cho TTXGP tại khu vực chiến trường Trung Trung bộ năm 1973. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Phóng viên Hứa Kiểm của VNTTX gặp gỡ quần chúng nhân dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Phóng viên Đinh Quang Thành của VNTTX gặp gỡ, thu thập thông tin từ người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng, 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng (thứ ba bên trái) tiễn đoàn phóng viên VNTTX vào chiến trường B, tháng 3/1975. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù (1960–1975), TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần những vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.

Trong ảnh: Điện báo viên B8 TTXGP đang thu phát tin. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Tổ điện báo viên của TTXGP gửi tin, bài về tổng xã trong những ngày kháng chiến. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TTXGP tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên VNTTX bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng…

Tổ phóng viên mũi nhọn của VNTTX đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Đoàn cán bộ phóng viên VNTTX và TTXGP đi chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường tiến về Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/ban-song-tau-thong-tan-trong-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-20200915103929157.htm